Khắc họa nhân vật thông qua ngoại hình

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết việt nam về đề tài thế sự qua biển và chim bói cá của bùi ngọc tấn và gã tép riu của nguyễn bắc sơn (Trang 76 - 79)

Miêu tả ngoại hình là một phương diện nghệ thuật quan trọng để làm nổi bật tính cách, bản chất của nhân vật. Trong tiểu thuyết đương đại, các nhà văn thường ít đi sâu miêu tả từng chi tiết cụ thể trong ngoại hình nhân vật mà thường chỉ bằng vài nét phác họa tiêu biểu, đặc tả thì chân dung nhân vật đã hiện ra rõ nét. Không nằm ngoài quy luật ấy, tiểu thuyết Biển và chim bói cá của Bùi Ngọc Tấn và Gã tép riu của Nguyễn Bắc Sơn cũng có những chi tiết đặc sắc đắt giá về ngoại hình nhân vật, từ đó giúp ta có cái nhìn rõ hơn, sâu sắc hơn về đặc điểm tính cách, số phận của nhân vật đó.

Trong tiểu thuyết Biển và chim bói cá, ngoại hình các nhân vật được Bùi Ngọc Tấn phác họa chỉ bằng vài nét khái quát, chấm phá nhưng ông luôn biết khéo léo lựa chọn những nét đặc sắc nhất của nhân vật để mà miêu tả nên con người trong tác phẩm của ông dù đông đúc, tầng tầng lớp lớp nhưng vẫn luôn sắc nét, có dấu ấn riêng. Mấy chục gương mặt trong tác phẩm nhưng không gương mặt nào lẫn vào gương mặt nào, người đọc đôi lúc thấy mình bị ngợp trước số lượng quá đông đảo nhân vật nhưng khi tách riêng từng cá thể thì mỗi nhân vật lại hiện lên rõ ràng với đầy đủ những nét ngoại hình, tính cách, hành động riêng: thuyền trưởng Bôn với dáng người “thấp đậm”, thủy thủ Thuyền với dáng người “to béo, nặng có dễ đến 80 kí lô”, anh chàng Nhược thợ lạnh thì “cao lêu đêu, da trắng môi hồng, trông rất thanh tú và trí thức”, Trình, trưởng phòng cung tiêu lại là một anh chàng “gầy gò mảnh khảnh”, bố Tích cấp dưỡng “là một người đã có tuổi, gầy nhỏ, tóc hoa râm, cổ lộ hầu”, Chiêm là “một máy hai vui tính trẻ trung và đẹp trai”. Những nhân viên cánh phòng ban trên bờ với số lượng đông đảo là thế nhưng cũng được nhà văn dày công chăm chút, miêu tả kỹ lưỡng, từng người từng người một, mỗi người một vẻ không ai giống ai: cô Phòng văn thư với “nước da nâu mịn màng, má lúm đồng tiền, mỗi khi cười gò má lại đỏ lên”, cô Liễu nhân viên phòng tài vụ hiện lên với dáng người “cao lớn, xinh đẹp hai má ửng hồng”, “nhìn Liễu đi dọc hành lang, hai bầu ngực núng nính nhảy tưng tưng, cặp mông căng đung đưa, má cứ hồng rực lên, đôi mắt ươn ướt lấp lánh, nhiều người nuốt nước bọt” [3, tr.382], cô Lan nhân viên bán hàng căng tin lại là “một cô gái béo núc, sơ mi trắng cúc chật căng, da rất trắng, mặt bầu bĩnh dễ thương” [3, tr.335]. Những nhân vật là đàn ông cũng hiện lên không kém phần sinh động, chân thực, sắc nét trong tác phẩm: Cảnh - một anh chàng chuyên Phụ trách vấn đề cỏ: “Còn trẻ. Gầy. Mặt khắc khổ”, Trần Minh Mẫn văn phòng công đoàn: “ngoài bốn mươi, râu cằm lởm chởm, quần áo bẩn thỉu”, Lập “nước da xám ngoét”, trong khi phó văn phòng công tử Nhương lại là một hình tượng đối lập hoàn toàn: “một kỹ sư còn trẻ, cao gầy, tóc lúc nào cũng chải mượt, áo sơ mi cho vào trong quần, thắt ca vát, đi giày da”[3, tr.415]. Rồi đến những nhân vật như

nhà tư bản Robert Lee – đối tác của giám đốc Hoàng Quốc Thắng cũng được miêu tả tỉ mỉ kỹ lưỡng đến từng chi tiết: “là một người nhỏ nhắn, ăn mặc giản dị, da nâu, có cái trán bị bóp lại, khuôn mặt càng xuống phía dưới càng to ra, điểm cực đại là chỗ bắt đầu xương quai hàm dưới, từ đó cài cằm đưa ra, môi dưới dày hơn bị thuỡi trong khi môi trên lại mỏng. Trông rất bình thường nếu không muốn nói là bẩn tướng” [3, tr.338], cả Đạt – một nhà khoa học chuyên nghiên cứu về tôm đông lạnh nhưng lại hiện lên trong một dáng vẻ khổ sở với trang phục cực kỳ lôi thôi: “Râu ria lởm chởm, da mặt xám ngả vàng, xách cái túi giả da hai quai chéo đã sờn mòn lộ cốt vải luôm nhuôm… trông ông thật thảm hại và gầy quá, gầy đến mức cái ống quần may hẹp thế mà cũng chẳng nhìn thấy cẳng chân đâu” [3, tr.563]. Như vậy chỉ bằng vài nét phác họa nhưng thế giới nhân vật trong tác phẩm của Bùi Ngọc Tấn đã hiện lên thật sinh động, rõ nét, đầy đủ và rất cá tính. Mỗi nhân vật chỉ được khắc họa bằng một vài nét khái quát về ngoại hình nhưng đủ để người đọc nhớ mãi. Đó là cái tài của người cầm bút, cũng là nét đặc sắc làm nên sức sống lâu bền của cuốn tiểu thuyết nói riêng, của văn chương Bùi Ngọc Tấn trong dòng chảy của tiểu thuyết hiện đại nói chung.

Cũng giống như Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Bắc Sơn khi khắc họa ngoại hình các nhân vật của mình trong tiểu thuyết Gã tép riu cũng không chú trọng đi sâu miêu tả tỉ mỉ kỹ lưỡng từng đường nét chân dung nhân vật mà chỉ đi vào những nét nổi bật nhất, đặc sắc nhất trong ngoại hình nhân vật từ đó toát lên phần nào tính cách, bản chất của nhân vật đó. Trong tác phẩm, nhân vật Diệu Thủy là nhân vật được nhà văn chú trọng miêu tả nhiều nhất về ngoại hình, tuy chỉ là một vài nét ngắn gọn về thân hình, mái tóc, làn da: “Thủy biết sức mạnh của mình. Không rực rỡ như diễn viên, không chân dài như người mẫu, nhưng mình có vẻ đẹp vừa dịu dàng, vừa cứng cỏi, gương mặt lúc làm việc luôn toát lên vẻ quyết đoán. Mỡ bụng đã được hút, eo ra eo. Số đo ba vòng khá chuẩn. Chiều cao hơn mét sáu, thêm đôi dép bẩy phân là quá được rồi và nước da thì thôi rồi… Con gái nông thôn mà nước da lại như con gái Bắc Âu, Tây Âu mới lạ. Mịn màng, trắng ngần, đàn ông chỉ mới trông đã thèm” [28, tr.42]. Qua miêu tả, Diệu Thủy hiện

lên là một phụ nữ xinh đẹp, gợi cảm với nước da trắng, bờ eo thon, cặp chân dài thẳng và thêm biết cách ăn mặc nữa nên vẻ xinh đẹp ấy càng tăng lên gấp bội: “váy ngắn bó trên gối, phô đôi bắp chân thẳng, trắng. Cổ áo chưa đến mức hở cái khe chết người của bộ ngực tú ụ, nhưng cũng hở đến một phần ba ngực. Trông thật thích mắt” [28, tr.43]. Cũng chính nhờ ưu điểm này mà Diệu Thủy đã hết sức tận dụng “vốn tự có” để từng bước từng bước một leo lên chiếc ghế quyền lực. Sắc đẹp đối với người đàn bà này còn là vũ khí để tiến thân, là phương tiện để đạt được mục đích. Nhờ có sắc đẹp mà Diệu Thủy đã quyến rũ được ông bộ trưởng, trở thành tình nhân chính thức của ông ta, được ông ta nâng đỡ cất nhắc ngồi lên chiếc ghế Thứ trưởng. Với những màn làm tình bài bản tuyệt vời, Diệu Thủy còn làm ông ta say đắm và hoàn toàn mê mẩn: “bộ trưởng mải mê ngắm người tình trong bộ quần trắng áo dài đỏ rực màu cờ điểm một nhành mai vàng ôm trọn bộ ngực đầy đặn, tấm thân tròn lẳn. Mái tóc nâu uốn ruỗi buông lơi thả trên đôi vai tròn trịa…” [28, tr.410]. Như vậy chỉ bằng vài nét phác họa tác giả đã dựng nên trước mắt người đọc hình ảnh về Diệu Thủy - một phụ nữ có nhan sắc, hấp dẫn gợi cảm nhưng lại là một người đàn bà thực dụng, sẵn sàng làm mọi thứ để đạt được quyền lực, một mại dâm chính khách đích thực. Qua hình tượng nhân vật này, nhà văn muốn dựng lên bức chân dung điển hình về những người phụ nữ có nhan sắc, biết chớp thời cơ và tham vọng quyền lực, sẵn sàng mang sắc đẹp và lòng tự trọng ra để đối lấy danh vọng mà Diệu Thủy là một ví dụ tiêu biểu.

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết việt nam về đề tài thế sự qua biển và chim bói cá của bùi ngọc tấn và gã tép riu của nguyễn bắc sơn (Trang 76 - 79)