2.1.2.1 Bi kịch miếng cơm manh áo
Như ở trên đã phân tích, với tiểu thuyết Biển và chim bói cá, Bùi Ngọc Tấn đã vẽ ra trước mắt chúng ta một bức tranh rộng lớn chân thực về đời sống xã hội nước ta thời kỳ cuối bao cấp với tất cả những đặc trưng bản chất, hệ lụy hạn chế và cả sự tan rã của nó như một yêu cầu đổi mới tất yếu của lịch sử. Nhưng thế giới của Bùi Ngọc Tấn không chỉ có vậy. Trung tâm của bức tranh hiện thực trong tác phẩm của ông là con người – những con người có tên và không tên, những kẻ có quyền có tiền và những người lao động nghèo khổ, những người lương thiện và những kẻ lưu manh tha hóa…tất cả hiện lên đông đúc, chen chúc trong tác phẩm, vừa như rõ nét lại vừa như mờ nhạt trong một khối hỗn độn vô dạng vô hình. Tất cả sống trong cơ chế của xí nghiệp quốc doanh đang đứng trước nguy cơ phá sản khi chế độ bao cấp đang đứng trên bờ vực khủng hoảng. Bi kịch cộng đồng tạo nên những bi kịch cá nhân. Cùng với sự khủng hoảng tan
rã của hệ thống xí nghiệp quốc doanh đánh cá là số phận bi thảm của những kẻ làm công ăn lương đang ngoi ngóp, cố sống cố chết bám lấy xí nghiệp trong nguy cơ đắm tàu. Bi kịch của những thân phận con sâu cái kiến, những người lao động nhọc nhằn khổ sở ấy trước hết là bi kịch miếng cơm manh áo. Họ là những con người cùn mằn tội nghiệp: nhân viên văn phòng, cạo giấy, thủy thủ… chạy ngược chạy xuôi đôn đáo, dùng mọi mánh khóe xoay sở thảm hại để đủ kiếm sống qua ngày. Qua đó, lấp ló sự suy tàn không tránh khỏi của cả một hệ thống.
Tác phẩm 500 trang một số lượng không quá dài cũng như không quá ngắn. Thành công của tác phẩm là đã đi sâu vào ngõ ngách số phận con người, đặc biệt là số phận của những “con sâu cái kiến”, những người lao động thấp cổ bé họng. Họ là những số phận bị áo cơm đè sát đất, cả đời chỉ lo sao cho đủ cơm ăn áo mặc, cuộc sống đã chật vật khốn khổ đủ đường nhưng lại còn bị o ép từ đủ phía. Ví dụ như chuyện cha con Thuyền nhặt được miếng sắt nằm ở bờ sông về làm khuôn dép kiếm kế mưu sinh. Công việc kiếm ăn khổ sở nhọc nhằn là thế nhưng hết ông phòng thuế rồi đến ông công an đến, “miếng thép vất ở bờ sông không sao, mình đem về làm một việc có ích cho xã hội thì lôi thôi” [3, tr.346]. Đó là tình trạng chung không chỉ của cha con Thuyền mà của rất nhiều thân phận bé nhỏ khác trong xã hội thời bao cấp, như Lập, như Toàn, như Khoa, như bác sĩ Bá, như Lê Mây…. Những cảnh đời như Lập, Như Khoa là rất phổ biến trong thời buổi lúc bấy giờ: bố mẹ già, con cái đang tuổi ăn tuổi học, vợ thất nghiệp hoặc bệnh tật…bằng ấy miệng ăn trông chờ vào đồng lương chết đói của anh cán bộ nhà nước, xoay sở giật gấu vá vai bằng đủ thứ nghề: nuôi lợn, ướp chượp, dọn hầm cá… nhưng vẫn không ăn thua. Vì thế người ta phải cố nén sĩ diện của mình xuống, nén nhân cách và sỉ nhục của mình xuống, để đi xin cá, cốt để thêm miếng ăn, bởi vì đói quá. Mơ ước nhỏ nhoi của những công nhân các phân xưởng, của những nhân viên văn phòng sao mà tội nghiệp đến thảm hại: “Họ đảo ra cầu tàu… Đảo ra để được ngửi cái mùi nằng nặng ủng ủng của những tạ cá, những tấn cá không còn tươi đã bắt đầu phân hủy mà ao ước có được mấy con. Bởi vì những bữa cơm của gia đình họ, của vợ chồng con cái họ quá ư đạm bạc,
không một chút mỡ dính bát, không một miếng thịt, không một con cá, chỉ rau dưa nấu mắm và một tý mỳ chính tra vào như tra thuốc đau mắt. Thì ra đây nhìn. Nhìn cho sướng con mắt.”[3, tr114]. Bi kịch miếng cơm manh áo với những người làm công ăn lương ở xí nghiệp quốc doanh là thế.
Cuộc sống của công nhân viên xí nghiệp đã vậy, cuộc sống của những người thân của họ nơi quê nhà mới càng thảm hại làm sao. Đó là cảnh sống của người mẹ già, của anh chị Vận cùng lũ cháu… nơi quê nhà của bác sĩ Bá. Những mảnh đời lay lắt, đói khổ trong một vùng làng quê nghèo xác xơ, tiêu điều hiu hắt: “nương sắn bên nhà còi cọc khẳng khiu trên những luống đất trơ sỏi. Mẹ đã già lắm. Vợ chồng anh Vận, anh cả cũng già. Còn lũ trẻ con anh Vận, Bá không thể nhận ra. Đứa nào cũng đen, cũng cao, bẩn thỉu và gầy nhẳng” [3, tr.471]. Những trang văn thấm đẫm nỗi buồn. Cuộc sống của những người thân bác sĩ Bá ở Thái Nguyên, cũng như cuộc sống của những người nông dân ta vẫn còn nhiều cơ cực, tối tăm, đói rách không khác so với thời kỳ trước cách mạng là bao. Tối tăm, lạc hậu đến mức người ta chưa một lần được nhìn thấy lon nước giải khát, những vỏ lon Heiniken, Coca Cola, Pepsi, những lon Tiger, San – Miguel lấp lánh những màu xanh, đỏ, hồng, da cam, vàng…, “một thứ quà đặc biệt văn minh” [3, tr.472]. Những cái vỏ hộp mà người ta uống xong vứt đi như một thứ rác ấy, giờ đây được anh Vận chọn ra những chiếc đẹp nhất, mỗi loại một chiếc, không móp, không méo, mang ra giếng rửa sạch rồi bày vào tủ. “Những chiếc vỏ hộp trên bàn, trong tủ, những dấu vết của văn minh làm nhà anh cứ sáng trưng lên, khác hẳn mọi nhà xung quanh. Nhà anh đã có hơi hướm của một thế giới khác, một thời đại khác khi các nhà chung quanh vẫn còn đang triền miên thời làm nương, thời lúa nước” [3, tr.473]. Những chi tiết thật độc đáo, và có sức nặng. Những con người lạc hậu ở vùng quê nghèo xác xơ ấy, họ cũng mơ một cuộc sống khác, một tương lai khác sáng sủa hơn sẽ đến với cuộc đời của họ. Qua sự tương phản giữa những vỏ lon nước ngọt lấp lánh sắc màu với gam màu ảm đạm của cuộc sống nơi đây, sự tương phản giữa cuộc sống văn minh với cảnh đời tăm tối ở một vùng quê nghèo nước ta thời bao cấp, Bùi Ngọc Tấn đã
khắc họa thành công cái bi kịch của con người: bi kịch miếng cơm manh áo, bi kịch do cái nghèo, cái lạc hậu tối tăm gây nên.
Với con mắt quan sát tinh tường và một ngòi bút sắc sảo, Bùi Ngọc Tấn đã vẽ nên trước mắt chúng ta bức tranh chân thực về xã hội Việt Nam thời kỳ bao cấp, trong đó quan tâm đặc biệt đến những vấn đề thuộc về nhân sinh con người, như bi kịch miếng cơm manh áo. Ta gặp đâu đó trong tác phẩm Bùi Ngọc Tấn bóng dáng những nhân vật của Nam Cao: những anh trí thức nghèo, những người nông dân đói khổ bần cùng…vì miếng cơm manh áo, vì đồng tiền bát gạo mà đánh đổi ước mơ, đánh đổi cả nhân cách của mình. Ẩn đằng sau những trang viết tưởng như khách quan với giọng văn thản nhiên lạnh lùng là tấm lòng trĩu nặng của nhà văn đối với những kiếp người nhỏ bé trong cuộc đời. Nói như nhà phê bình Khánh Phương: “khắc họa đời sống thực thể và tinh thần éo le, sóng gió, trôi dạt của anh em thủy thủ, công nhân viên taị một cơ sở đánh cá quốc doanh, Bùi Ngọc Tấn muốn đào xới đến kiệt cùng cái hiện thực nhọc nhằn của sinh tồn, bao gồm cả sinh kế và nhân sinh”. Những trang viết của Bùi Ngọc Tấn, do đó, có sức ám ảnh mạnh mẽ, lay động lương tri người đọc.
2.1.2.2 Bi kịch hạnh phúc gia đình, cá nhân
Không chỉ dừng lại ở việc phản ánh bi kịch con người ở khía cạnh vật chất, những nỗi lo cơm áo gạo tiền, Bùi Ngọc Tấn còn đi sâu khắc họa bi kịch con người ở phương diện đời sống tình cảm: bi kịch hạnh phúc gia đình, cá nhân. Đó là bi kịch của Chơn, Cương, Mơ, Bôn, Mai, Nhâm… họ đều mang trong mình khát vọng hạnh phúc nhưng số phận thật trớ trêu, thật bi kịch. Chơn mang trong mình tình yêu thiết tha đối với biển, và việc giấu gia đình ghi tên vào ngành khai thác chứ không phải khoa chăn nuôi cũng bắt nguồn từ tình yêu đối với biển: “Càng ngày anh càng thấy mình học nghề khai thác là một sai lầm, nhưng ngày ấy học xong phổ thông mới mười bảy tuổi, lòng anh còn hướng về biển cả” [3, tr.20]. Và đúng là tình yêu ấy của Chơn không được đáp đền, bất hạnh ập đến với anh khi những tháng ngày đằng đẵng ra khơi là những tháng ngày vợ Chơn ở nhà mòn mỏi đợi chờ, rồi ngã lòng, có mang với Tính – người
bạn học cũ của Chơn, làm nghề dạy học sau đó bỏ dạy đi làm xã đội. Tim anh đau nhói khi nghe những lời cuối cùng của vợ trước khi vợ chồng anh ly dị: “Chỉ xin anh thông cảm với em. Anh cứ đi biền biệt. Đã bao ngày đêm em mong có anh ở bên dù chỉ một lúc thôi” [3, tr.19]. Chơn bỗng nhận ra lỗi đâu phải một mình vợ anh. Còn lỗi của anh. Tại anh học nghề khai thác. Giá anh học nghề nuôi cá theo lời bố thì đâu đến nỗi. Chơn thấy “thương vợ và xót xa nhục nhã cho mình”. Sau nỗi đau gia đình tan vỡ, một nỗi đau khác lại ập đến với Chơn, một nỗi đau đớn không kém nỗi đau trước: bố anh mất. Sự ra đi đột ngột của bố, Chơn hiểu, có nguyên nhân từ sự hư hỏng của vợ, có cái sai lầm của anh đã học nghề khai thác. Trong số những anh em đồng nghiệp của Chơn, những thủy thủ quanh năm xa nhà gắn bó cuộc đời với sóng nước ngoài kia, có bao nhiêu người đã rơi vào hoàn cảnh giống anh, lặp lại cái bi kịch mà Chơn đã từng gặp? Đó cũng là một sự hy sinh vì nghề nghiệp. Nhưng bi kịch của Chơn chưa dừng lại ở đó, nỗi đau về sự tan vỡ hạnh phúc cứ đeo bám mãi lấy anh, ám ảnh anh suốt phần đời còn lại sau này. Sau này, anh đã gặp lại Huyền – người con gái xưa kia anh từng một thời yêu, cả Hòa – cô bé mười bốn tuổi để lại trong anh ấn tượng đậm sâu dù chỉ một lần gặp mặt, nhưng anh vẫn không sao quên được vợ, không sao xóa đi được hình ảnh người vợ anh trong tâm trí. Sau cái lần gặp lại Hòa, Chơn về tàu, nằm ngủ, và mơ. Nhưng anh không mơ thấy Hòa, mà mơ thấy vợ. Hai người yêu nhau, như chưa hề li dị. Rồi đến Huyền. Trong cái giây phút nhìn Huyền khỏa thân trước mặt mình, Chơn “giật mình tưởng vợ anh đang nằm trước mặt”, “một nỗi chua xót làm anh nghẹn nơi cổ… Vợ anh cũng đã nằm trên giường như thế này và cái thằng xã đội đáng nguyền rủa ấy hẳn cũng đã nhìn vợ anh nằm chờ đợi trên giường thế này như anh đang nhìn Huyền” [3, tr.28]. Nỗi đau ấy có lẽ sẽ theo Chơn đến hết cả cuộc đời.
Bi kịch của Nhâm là sự lặp lại bi kịch của Chơn, không phải một lần mà là hai lần bi kịch. Lần thứ nhất, Nhâm lấy vợ ở quê nhưng bất hạnh thay lấy phải người chẳng ra gì “chồng đi biền biệt, ở nhà một mình, vợ Nhâm trở thành mụ Hến của đám nghêu sò ở xã, đẻ hai năm ba đứa, chẳng biết con ai nhưng chắc
chắn không phải con Nhâm” [3, tr.277]. Từ bấy Nhâm buồn, không về làng nữa. Lần thứ hai, Nhâm lấy Huệ, một cô bán thuốc lá vỉa hè, quen nhau từ những lần mua hàng của Nhâm. Những tưởng giờ đây hạnh phúc sẽ đến với Nhâm, cuộc đời Nhâm sẽ bước sang trang mới nhưng hỡi ôi, lần này Nhâm đã vấp phải một cú ngã quá đau đớn, còn đau đớn hơn lần trước, một cú lừa ngoạn mục, một cú lừa thế kỷ. Bằng cách lừa Nhâm vào cái bẫy hôn nhân, Huệ và chồng Huệ đã cướp trắng ngôi nhà của Nhâm cùng với tất cả đồ đạc đắt tiền mà Nhâm ky cóp được trong suốt bấy nhiêu năm làm lụng cật lực. “Giá Nhâm chơi bời trai gái đĩ bợm lại khác. Lừa những người ấy là khốn nạn nhưng vẫn có thể chấp nhận được. Còn đây là Nhâm. Một người độc thân. Ngoài bốn mươi nhưng vẫn chưa biết thế nào là tình yêu”. Bi kịch của Nhâm, cũng như Chơn, là bi kịch của những con người bình thường với những khát khao rất đỗi bình thường: một mái ấm gia đình, có vợ chồng, có con cái, vậy thôi mà sao quá đỗi xa vời? Trường hợp của Nhâm, của Chơn không phải trường hợp cá biệt, ta có thể bắt gặp hình ảnh các anh ở trong rất nhiều tác phẩm khác của các giả khác ở mọi thời đại khác nhau. Tác phẩm của Bùi Ngọc Tấn, do đó, có sức khái quát mạnh mẽ.
Làm nghề thủy thủ, gắn chặt cuộc đời mình với biến cả, quanh năm lênh đênh sóng nước, xa gia đình, xa vợ con biền biệt, đó cũng là một sự thiệt thòi, một sự hy sinh. Những người thủy thủ ấy, tuy có đôi lúc thô tháp, tục tĩu, ăn sóng nói gió… nhưng họ vẫn là con người, vẫn có những yêu thương, những khát khao rất nhân bản, rất Người. Trên biển lâu ngày, họ nhớ đất liền, họ yêu tất cả những gì thuộc về cuộc sống nơi đất liền, những niềm vui nho nhỏ mà những người trong đất liền chẳng bao giờ để ý như tiếng bánh xe ô tô lăn trên đường nhựa, hay một vòi nước công cộng vỉa hè, túm tụm người lấy nước, rửa ráy, giặt giũ. Và đàn bà. Họ nhớ vợ, nhớ người yêu, nhớ cả những dáng hình uyển chuyển, những mái tóc dài ngang lưng mà họ gặp trên đường phố, nói như Giáp: “lên bờ trông người phụ nữ nào cũng thấy đẹp”. Bùi Ngọc Tấn tỏ ra rất tinh tế và am hiểu đời sống tâm lý con người khi tập trung miêu tả nỗi thèm khát đàn bà của những người thủy thủ trên biển. Ông miêu tả nỗi nhớ vợ, thèm vợ của thuyền
trưởng Bôn bằng tất cả sự cảm thông sâu sắc. Không chỉ Bôn mà tất cả những anh em thuyền viên khác, ai cũng chung một tâm trạng nỗi niềm giống nhau: “anh biết anh em thuyền viên cũng chung với anh một nỗi niềm. Người xoay ra nhật ký, người vùi đầu vào bài bạc cho quên đi, người công khai nói ra điều thầm kín ấy” [3, tr.97]. Những khát khao bản năng bị kìm nén, mọi yêu thương nhung nhớ phải tạm gác lại…để ra khơi, quăng mình ra với biển cả và chiến đấu với nó. Bùi Ngọc Tấn đã cho ta thêm hiểu hơn về đời sống tâm lý tình cảm của những người thủy thủ đi biển, hiểu hơn về bi kịch cá nhân ở cái nơi thẳm sâu nhất trong tâm hồn họ.
2.1.2.3 Bi kịch khát vọng bị bế tắc
Bi kịch con người cá nhân trong Biển và chim bói cá còn là bi kịch khát vọng bị bế tắc không giải phóng được. Nó là hệ lụy của nền kinh tế xã hội bao cấp khi mà người tài, người trí thức không được trọng dụng. Nó cũng là hệ lụy của tư tưởng trên ép dưới, lớn ép nhỏ dường như đã trở thành căn bệnh trong xã hội mà đồng tiền đã trở thành chìa khóa vạn năng. Trong xã hội ấy, kẻ nào có tiền kẻ ấy thắng, toàn là con ông cháu cha hoặc những kẻ dốt nát, còn những người có năng lực, có trình độ thì lại không được ở một vị trí xứng đáng, như Cương, Toàn, Lập hay Đạt…chẳng hạn. Tốt nghiệp đại học Thủy Sản, thực tập ở Liên Xô, Cương ra trường với bao ước mơ hoài bão lớn lao trên biển cả. Nhưng rồi mộng mơ tan vỡ, những đêm nằm một mình trông con tàu bẹp, Cương ôn lại những kiến thức đã học được trong suốt năm năm trời miệt mài đèn sách trên ghế nhà trường mà thấy buồn chán, xót xa cho mình. Còn đâu những bài xác định vị trí tàu khi mục tiêu nằm ngoài hải đồ với những công thức dài suốt một