Vấn đề cơ chế nhà nước

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết việt nam về đề tài thế sự qua biển và chim bói cá của bùi ngọc tấn và gã tép riu của nguyễn bắc sơn (Trang 50 - 55)

2.2.1.1 Tổ chức nhân sự

Trong mọi thời đại, mọi chế độ, tổ chức nhân sự luôn là một yếu tố vô cùng quan trọng, nó quyết định sự thành bại của mọi vấn đề. Yếu tố này lại càng trở nên quan trọng hơn đối với một xã hội đang trong bước chuyển mình. Bằng ngòi bút sắc sảo, nhạy bén, Nguyễn Bắc Sơn đã đưa những tồn tại, những bất cập trong vấn đề nhân sự của xã hội đương thời vào trong văn chương một cách khéo léo thông qua tiểu thuyết Gã tép riu.

Nhân sự là một vấn đề thuộc về tổ chức, thuộc về nguyên tắc. Mọi sự phân công, bổ nhiệm đều phải dựa vào quá trình phấn đấu và năng lực thực chất của mỗi cá nhân. Thế nhưng ở nhân vật Diệu Thủy, sự thăng tiến như diều gặp gió của cô lại là kết quả của một sự ngẫu nhiên, đầy ngẫu hứng, như một trớ trêu của tạo hóa: “Khi có một vị lãnh đạo cao cấp cư trú ở phường này đi qua, nổi hứng rẽ vào thăm cuộc họp tổ dân phố” [28, tr.12]. “Nổi hứng” vào thăm chứ không theo một kế hoạch công tác nào của vị lãnh đạo cao cấp này. Và chính trong bối cảnh ăn may ấy, sự tự tin đã giúp Diệu Thủy dám nhận cái chức chủ tịch phường. Thế là cô “lên đời”, như ngôn ngữ hiện đại thường nói, không cần hao tâm tổn sức vì “Người ta phấn đấu mười năm không bằng một câu phát biểu của cô” [28, tr.15]. Hóa ra, một người rất bình thường mà “lọt vào mắt xanh của lãnh đạo thì tha hồ mà tiến bộ” [28, tr.15]. Con đường thăng quan tiến chức của cô Bí thư Quận đoàn từ đây bắt đầu. Nhân vật Diệu Thủy gợi cho độc giả nhớ tới Xuân Tóc Đỏ - nhân vật gắn với cái “vô nghĩa lí” mà nhà văn Vũ Trọng Phụng đã dụng công miêu tả trong tiểu thuyết Số đỏ. Vô nghĩa lí đến mức “Một đồng chí thợ điện cơ quan, chú còn bồi dưỡng thành bộ trưởng cơ mà!” (lời của Chú ấy - nhân vật lãnh đạo cao cấp được miêu tả theo phương pháp “mờ hóa”).

Nhưng cũng chính vì quyền lực không đi đôi với năng lực nên càng leo lên vị trí cao, Diệu Thủy càng phải gồng mình lên, cái gì cũng quá sức: “người ta đào tạo xong, trang bị đầy đủ vốn liếng mới đề bạt, đằng này, mình lại đề bạt xong rồi mới đi học, vừa học vừa làm, hèn chi chả lúng túng, chả sai lầm” [28, tr.40]. Bằng việc tận dụng triệt để “vốn tự có” cùng hai vũ khí lợi hại là nước mắt và sắc đẹp, Diệu Thủy đã tìm được con đường riêng của mình để đạt đến quyền lực: từ phó chủ tịch ủy ban nhân dân Quận đến vụ phó, vụ trưởng vụ pháp chế, vụ trưởng vụ tổ chức cán bộ rồi Thứ trưởng. Và có lẽ vị trí thứ trưởng ấy chưa phải là cái ghế cuối cùng mà Diệu Thủy ngồi vào. Đó là con đường đi lên bằng “vốn tự có” đối với những quan bà, không chỉ riêng Diệu Thủy mà đã trở thành một hiện tượng không hiếm trong xã hội đương thời. Đến với từng trang viết của Nguyễn Bắc Sơn, người đọc như được tận tay vén bức màn bí mật về tổ chức nhân sự trong cơ chế hiện hành. Ông đã mượn lời của nhân vật Tùng để phơi bày thực trạng về cơ chế tổ chức nhân sự ở nước ta: “không có gì vô tổ chức bằng công tác tổ chức. Tổ chức làm gì cũng giải thích rất có lý, mà cái lý của tổ chức thì đố ai cãi được, giải thích thế nào thiên hạ chả phải nghe” [28, tr.47]. Với những vấn đề nổi cộm ấy trong cơ chế tổ chức nhân sự, việc cán bộ ngồi “nhầm ghế”, năng lực không đi đôi với quyền lực là một hiện trạng diễn ra phổ biến. Người ta có thể ngồi vào các vị trí khác nhau dựa vào phương châm: “thứ nhất tiền tệ, thứ hai hậu duệ, thứ ba quan hệ, thứ tư mới là trí tuệ” [28, tr.311] và thêm một yếu tố nữa là ngoại lệ. Thủy với bộ trưởng bộ X là một trường hợp ngoại lệ,

nói là ngoại lệ nhưng thực chất cái gì cũng có lý do của nó, Diệu Thủy đã phải dùng nhan sắc để quyến rũ bộ trưởng, trở thành tình nhân của ông ta nên mới được ưu ái như vậy.

Cũng chính vì những vô lý, khuất tất như thế trong khâu tổ chức cán bộ ở nước ta nên một tình trạng diễn ra phổ biến là cán bộ không có năng lực thực sự, chuyên môn lại không phù hợp với vị trí mình nắm giữ. Diệu Thủy là một ví dụ điển hình. Ngay từ khi mới chỉ giữ chức vụ Bí thư quận Đoàn, Diệu Thủy đã tỏ ra là người không có năng lực thực thụ, chỉ nặng về hình thức: “Cuộc vui nào

trong quận, vợ Tùng cũng có mặt. Giống như hạt tiêu trong bát phở. Thật ra có cũng được mà không có cũng xong. Có chỉ cho đẹp đội hình. Bởi, chẳng nước non gì cái lối hò voi bắn súng sậy” [28, tr.17]. Đến khi được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận, Diệu Thủy càng bộc lộ những hạn chế về năng lực của mình: “chính vì năng lực không đi đôi với quyền lực nên Thủy cứ phải gồng mình lên, cái gì cũng quá sức”. [28, tr.40]. Tuy thế, cái chết người, cái nguy hiểm nhất ở những quan chức như Diệu Thủy là dù yếu kém về năng lực nhưng lại không có tinh thần cầu thị, học hỏi hoàn thiện bản thân mà chỉ chăm chăm dựa vào các mối quan hệ, coi đó là phao cứu sinh, là bùa hộ mệnh: “thì đúng là bằng tại chức, nhưng người đỡ đầu em cũng đang tại chức, Chú ấy có thể đặt em vào bất kỳ chỗ nào Chú ấy cho là được” [28, tr47]. Tùng đã không ít lần nhận xét về năng lực của vợ: “Vợ anh, không tài, đức cũng mỏng. Chỉ biết dựa vào người khác đề làm việc… Thật ra họ chỉ nên làm thường dân, tiện dân thì đỡ gánh nặng cho các cơ quan công quyền” [28, tr.93]. Sự hạn chế về khả năng làm việc của Diệu Thủy được thể hiện lần lượt trong quá trình công tác của cô, qua từng sự việc cụ thể, nhưng đến khi Tùng chỉ ra và góp ý lại không chịu thừa nhận, không có thiện ý nhận khuyết điểm, sửa sai. Mối quan hệ vợ chồng của Tùng cũng dần đi xuống theo chiều hướng xấu đi qua mỗi sự việc như thế, bởi tính ngay thẳng cương trực của Tùng, bởi sự hiếu thắng, cố chấp, hãnh tiến và tham vọng của Diệu Thủy.

Như vậy, với tiểu thuyết Gã tép riu, Nguyễn Bắc Sơn đã vẽ ra trong trang văn của mình một bức tranh tối màu về công tác nhân sự với đầy rẫy những bất cập, lắt léo trong cơ chế hiện hành. Bằng ngòi bút sắc sảo, nhà văn đã miêu tả một cách sinh động những mảng tối của vấn đề nhân sự qua từng chi tiết, hành động của các nhân vật, mà tiêu biểu nhất là nhân vật Diệu Thủy. Nó như một bản cáo trạng, một hồi chuông cảnh tỉnh đối với những người phụ trách nhân sự để tránh tình trạng chảy máu chất xám và lãng phí tài năng của đất nước.

Trong mọi xã hội, mọi chế độ, luật pháp luôn là một yếu tố quan trọng trong việc mang lại trật tự cho xã hội. Trong xã hội hiện đại, khi mà sự công bằng, dân chủ được ưu tiên thì cán cân công lý càng trở nên quan trọng. Tuy nhiên, trong cơ chế hiện hành, yếu tố tư pháp cũng còn tồn tại rất nhiều bất cập.

Bất cập đầu tiên trong hệ thống tư pháp cũng nằm chính trong vấn đề nhân sự - những người cầm cân nảy mực. Một ngành đặc thù, luôn cần những con người tài năng và thông hiểu lại là ngành yếu kém về nguồn lực con người. Thậm chí, những người đứng đầu ngành cũng là những người không có năng lực thực sự. Như Diệu Thủy chẳng hạn. Là vụ phó rồi vụ trưởng vụ Pháp chế nhưng Thủy chỉ có bằng tại chức ngành Luật, được ngồi vào vị trí lãnh đạo không phải vì sự phấn đấu và khả năng của bản thân mà là do sự ưu ái của cấp trên và “vốn tự có” của mình.

Những yếu kém về năng lực và phẩm chất của đội ngũ nhân sự dẫn đến những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Rất nhiều những quy định, nghị định thông tư được đưa ra không phù hợp hoặc thiếu khả thi hoặc sai thuật ngữ chuyên ngành… tạo ra những sơ hở trong luật pháp. Đầu tiên là một văn bản quy phạm pháp luật - công văn yêu cầu thu hồi Parabol không phép được một Vụ chuyên môn trong Bộ soạn thảo gửi các Sở, yêu cầu thực hiện. Bằng óc phân tích sắc bén, lập luận chặt chẽ và tư duy phản biện tinh nhạy, Tùng đã chỉ ra được những sai sót trong câu chữ, nội dung của bản công văn trên: “Chúng tôi cũng có phát nó ra đâu mà bây giờ bảo phải thu hồi. Người ta mua trên thị trường tự do, được bán công khai cơ mà. Chúng có phải hàng quốc cấm như súng đạn, heroin, thuốc phiện đâu mà tịch thu được. Nó cũng không phải tang vật vụ án mà tạm thu hay tạm giữ”, đến nỗi cả thứ trưởng lẫn một bộ sậu mạnh mẽ đành ngậm ngùi công nhận sở anh làm đúng và cuốn cờ lui quân trong lặng lẽ: “Cả một đoàn binh hùng tướng mạnh định về đập cho nó một trận, hóa ra lại tẽn tò” [28, tr.66]. Chỉ với một chi tiết nhỏ ấy thôi nhưng Nguyễn Bắc Sơn đã chỉ ra được những bất cập trong hệ thống tư pháp nước ta, cụ thể là những sai sót trong thông tư nghị định mà những cán bộ tư pháp là người chịu trách nhiệm trực tiếp, dẫn đến

hậu quả là gây khó khăn trong việc thi hành. Còn nhân vật Tùng, anh đã vượt qua được nỗi sợ hãi bị cô lập, dám nhìn thẳng vào sự thật, chỉ ra cái sai trong những văn bản quy phạm mà mọi người đều cho là đúng để bảo vệ chân lý, bảo vệ lẽ phải.

Sai sót thứ hai, hậu quả của bộ máy nhân lực yếu kém của hệ thống tư pháp được Nguyễn Bắc Sơn đề cập đến trong tác phẩm là những sai sót trong một thông tư do Diệu Thủy – vụ trưởng vụ pháp chế - đích thân chủ trì soạn thảo: Thông tư hướng dẫn thi hành Luật báo chí và hướng dẫn thi hành luật xuất bản. Tuy đã được nghiên cứu sau nhiều tháng, rồi tổ chức nhóm họp bốn phiên, mời đầy đủ các chuyên gia tham gia … nhưng thông tư do bà vụ trưởng vụ pháp chế chủ trì soạn thảo lại là một bản thông tư đầy những lỗ hổng, những sai sót không thể bỏ qua. Cái cốt lõi là những người tham gia soạn thảo thông tư ấy đã không phân biệt được sự khác nhau giữa tình dục với tính dục, và bản năng thú tính. Chỉ một thông tư về một lĩnh vực chuyên môn là quản lý báo chí và xuất bản nhưng những cán bộ ngành tư pháp đã có quá nhiều sai sót, hời hợt trong cách làm việc dẫn đến ban hành một thông tư không chỉ là sai sót mà còn sai lầm, “sai lầm ở nhận thức, ở khái niệm. Không thể thêm bớt một cụm từ mà phải dỡ ra làm lại” [28, tr.193]. Điều này gây khó khăn cho người dân trong việc tiếp nhận, làm ảnh hưởng đến quá trình thi hành thông tư, hơn nữa là ảnh hưởng đến bộ mặt của ngành tư pháp trong hệ thống công quyền nước ta. Vậy là, từ nay “trong thư viện quốc gia, mãi lưu trữ một văn bản quy phạm pháp luật có một chỗ rất buồn cười – mà phải nói theo kiểu của Tùng: thật đáng cười buồn” [28, tr.195]. Cười buồn cho cái bộ máy nhân sự, cười buồn cho cả hệ thống tư pháp nước ta còn nhiều yếu kém, hạn chế - điệu cười buồn của một nhà văn luôn mang nặng suy tư, trăn trở trước cuộc đời.

Như vậy, bằng việc phơi bày những sai sót trong những thông tư, nghị định được ban hành bởi những cán bộ tư pháp, Nguyễn Bắc Sơn đã làm nổi bật trong tác phẩm bức tranh chân thực về hệ thống tư pháp nước ta với những thực trạng đáng buồn, đáng trách. Là một trong những ngành chủ chốt của đất

nước, ngành tư pháp có trách nhiệm giữ vững sự công bằng và trong sạch của xã hội. Bằng nhiệt huyết và sự dũng cảm của mình, Nguyễn Bắc Sơn đã mạnh dạn chỉ ra những tồn tại và đưa ra phương án giải quyết cho những tồn tại đó. Có thể xem đây như một tiếng nói góp phần làm cho xã hội ngày một trong sạch, vững mạnh hơn.

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết việt nam về đề tài thế sự qua biển và chim bói cá của bùi ngọc tấn và gã tép riu của nguyễn bắc sơn (Trang 50 - 55)