2.1.1.1 Mô hình kinh tế mang tính chất quan liêu bao cấp
Văn học là tấm gương xê dịch trên con đường lớn. Điều ấy càng đúng với văn chương Bùi Ngọc Tấn. Tiểu thuyết Biển và chim bói cá của ông chỉ với hơn 500 trang nhưng có khả năng ôm trọn một phạm vi hiện thực rộng lớn với hàng trăm gương mặt con người, hàng nghìn sự việc lớn nhỏ…tất cả trải dài trong một không gian bao la; với một khoảng thời gian kéo dài từ thời kỳ bao cấp chớm sang thời kỳ đổi mới. Thời gian trong tác phẩm là vào khoảng những năm 1980, cái thời điểm mà đất nước đã bước qua khỏi chiến tranh, bước vào thời kỳ xây dựng kinh tế - xã hội . Định hướng của Đảng và nhà nước ta lúc bấy giờ: xây dựng kinh tế theo mô hình kế hoạch hóa tập trung. Mô hình ấy là phù hợp với hoàn cảnh đất nước trong thời chiến, khi mà cả nước tập trung mọi của cải và sức lực cho tiền tuyến, tất cả vì tiền tuyến thân yêu. Nhưng trong thời bình, khi chiến tranh đã qua đi, đất nước bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội thì cái cơ chế cũ ấy đã không còn phù hợp nữa, bộc lộ nhiều hạn chế, bấp cập.
Trong giai đoạn trước đổi mới vào năm 1986, đất nước ta thực hiện quản lý kinh tế theo cơ chế tập trung tới mức quan liêu. Nhà nước là người quản lý tất cả, nắm trong tay quyền cho, chi phối mọi vấn đề trong hoạt động sản xuất kinh doanh của xã hội. Cơ chế này làm cho nền kinh tế trì trệ trong một thời gian dài, các doanh nghiệp không được tự chủ, không năng động sáng tạo.
Và hệ quả của quá trình thực hiện này là: thành phần kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể luôn thua lỗ, không phát huy được vai trò, tác dụng; thu nhập quốc dân và năng suất lao động thấp; lương thực, vải mặc và hàng tiêu dùng thiết
yếu đều thiếu; tài nguyên bị sử dụng lãng phí, môi trường bị phá hoại; hiện tượng tiêu cực trong xã hội ngày càng phát triển…
Trở lại với Bùi Ngọc Tấn, tiểu thuyết Biển và chim bói cá được viết vào khoảng những năm 80, tức là thời điểm trước đổi mới, chiến tranh tuy đã qua đi nhưng giai đoạn đổi mới vẫn chưa thực sự bắt đầu, ảnh hưởng của nền kinh tế trong chiến tranh vẫn còn: nền kinh tế bao cấp. Ta nhận thấy cái cảm hứng chủ đạo, cái linh hồn sáng tác của ông qua những tác phẩm lấy bối cảnh là thời kỳ trước đổi mới (Rừng xưa xanh lá, Biển và chim bói cá, Tuyển tập truyện ngắn Người chăn kiến) là khát vọng phanh phui, phơi bày những tệ nạn xấu xa của xã hội, là lòng trăn trở đau đáu trước số phận và nhân cách con người đang bị cùn mòn đi, tha hóa đi trước cám dỗ của cuộc sống…nhưng không phải bằng những ngôn từ đao to búa lớn mà bằng một giọng văn hết sức điềm tĩnh, bình thản, sâu lắng. Những lời nhắn nhủ của ông rất nhẹ nhàng. Trong tác phẩm Cún, nhà văn nhẹ nhàng tố cáo một thứ bệnh của con người là chạy theo đồng tiền mà quên đi tình nghĩa. Qua hình tượng Cún, tác giả đã cho ta thấy sự đi xuống của lương tri, của đạo đức con người. Trên góc độ hiện thực, tác phẩm Bùi Ngọc Tấn không gây phản ứng mạnh mẽ như của Vũ Trọng Phụng, ông không cường điệu, không ngoa ngôn nhưng những gì đã thấy và được trải nghiệm ông đều dồn nén lên trang viết. Bùi Ngọc Tấn đã khai thác tối đa những cái bất thường, bất trắc của cuộc đời từ đó vẽ nên một bức tranh xã hội giàu tính chân thực nhưng cũng đậm chất nhân văn.
Bối cảnh trong tiểu thuyết Biển và chim bói cá là một xí nghiệp quốc doanh đánh cá biển vào thời kỳ cuối bao cấp. Với bối cảnh ấy, thời gian ấy, nhà văn đã khắc họa nên trong tác phẩm của mình một bức tranh đầy đủ và chân thực về đời sống kinh tế - xã hội Việt Nam thời kỳ bao cấp với tất cả những bất cập, hạn chế của nó. Toàn bộ tác phẩm nói về câu chuyện rã đám của một công ty quốc doanh đánh cá – sự tan rã tất yếu của một cơ chế vô cùng thiếu tự nhiên: cơ chế bao cấp, gửi thân trong một hệ thống đánh cá quan liêu. Thực trạng về nền kinh tế quan liêu, bao cấp của xã hội Việt Nam những năm trước đổi mới đã
được nhà văn tái họa sắc nét, chân thực, sinh động qua hình ảnh về Liên hợp hải sản biển Đông, như một đại diện tiêu biểu.
Trong thời kỳ bao cấp, nhà nước quản lý hoạt động của các xí nghiệp quốc doanh trên tất cả mọi phương diện, kể cả tổ chức bộ máy, nhân sự…dẫn đến việc công nhân cứ vào biên chế nhà nước là có tiêu chuẩn định sẵn cho đầu người, làm việc chăng hay chớ, suốt ngày chỉ tìm cách trốn việc làm. Lao động chung dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc”, khiến cả bộ máy xã hội tồn tại trong một sức ì ghê gớm. Việc vào được biên chế, định biên trong một bộ khung tàu, vĩnh viễn nằm trong hệ thống quốc doanh ấy, cùng sống – chết với con tàu ấy mà việc mà mọi anh em thuyền viên mong muốn, việc ai cũng mong muốn: “Ở tuổi ba lăm, Cương xác định đời mình còn làm thuyền phó dự bị dài dài. Anh không đủ đạn bắn để được định biên ở một con tàu. Bộ khung tàu đã được cố định từ lâu. Mà ai cũng biết nằm trong một bộ khung quan trọng như thế nào. Trước tiên là đồng lương, là các khoản chia chác dưới tàu, là sự ổn định về nghề nghiệp, là sự tự thể hiện mình, là sự vững chắc trong việc thăng tiến, đề bạt… Và từ hai năm nay, được biên chế vào một ban chỉ huy tàu còn có nghĩa là con đường đi vận tải nước ngoài rộng mở…”[3, tr.38] Tổ chức bộ máy, nhân sự trong một xí nghiệp quốc doanh là vậy, việc vào được biên chế nhà nước là vĩnh viễn có chân trong bộ máy ấy, là được ăn lương nhà nước, làm việc cho nhà nước, làm cũng được mà chẳng làm cũng xong, làm việc qua loa kiểu đối phó cho xong chuyện. Vì thế sau này mới có chuyện nhân viên các phòng ban trên bờ sử dụng “tám giờ vàng ngọc” của một ngày làm việc vào những việc như uống trà đầu giờ, ăn ốc luộc, giặt quần áo chăn màn, tụ tập trò chuyện trêu trọc nhau, đi xin cá, ăn cắp cá…chỉ bởi vì một sự an tâm chắc chắn rằng: mình đã có chân trong biên chế. “Xin được nhiều, ăn không hết đem bán. Ai cũng là con mẹ hàng cá. Từ cầu cảng về, nhìn trước nhìn sau không thấy sếp, cánh phòng ban, người trước kẻ sau xách túi cá nặng vào buồng làm việc, mở tủ đứng hay tủ bàn dúi vào, và khép nhanh cánh tủ lại, đi ra ngoài cửa, đứng nghênh ngó xem có ai nhìn thấy mình vừa xách cá về không rồi trở vào kéo ghế ngồi trước bàn làm việc, giở
tài liệu ra xem như người có trách nhiệm nhất trên đời… Chỉ mỗi việc đem cá ra khỏi chỗ giấu trong phòng là phải cẩn thận. Phải chờ các sếp về rồi mới xách ra… Thành ra những ngày bốc cá, đám nhân viên đều chăm chỉ ở lại làm việc, thực hiện tám giờ vàng ngọc (mà đúng là vàng ngọc thật) hơn thủ trưởng” [3, tr.361]. Cơ chế quản lý quan liêu đã thủ tiêu sự sáng tạo, lòng hăng say nhiệt tình trong lao động, ý thức trách nhiệm đối với tập thể của cán bộ công nhân viên công ty quốc doanh đánh cá biển Đông. Về mặt sản xuất, đã thấy chế độ bao cấp mang lại nhiều tai hại. Nó tước đi của xã hội sự năng động và khả năng điều chỉnh tự nhiên. Nó kìm hãm sức làm việc khiến cho toàn bộ sản xuất ngưng trệ thậm chí thụt lùi.
Cơ chế bao cấp vừa sinh ra một bộ máy quản lý cồng kềnh, nhiều trung gian, kém năng động lại vừa sinh ra một đội ngũ quản lý kém năng lực, phong cách cửa quyền, quan liêu. Ta hãy xem cánh phòng ban trên bờ - những cán bộ hành chính của Liên hợp thủy sản biển Đông – “quốc doanh đánh giậm” ấy hoạt động như thế nào. Chỉ riêng văn phòng Tổng giám đốc nhưng có đến hai lăm người, rồi cả trăm người trong cái bộ máy hành chính của xí nghiệp, mỗi người một vị trí, nhiều không đếm xuể: Điều chánh văn phòng, Phòng văn thư, Nhạn đánh máy, Toàn thi đua, Thám thợ điện, Tám tiếp tân, Đức điều độ, Liễu tài vụ, Mẫn công đoàn, Lập kỹ thuật, Mơ khai thác… Đấy là chưa kể đủ các ban bệ, phòng ban: phòng đảng ủy, phòng công đoàn, phòng thanh niên, phòng tổng giám đốc, phòng điều độ, phòng lễ tân, phòng tài vụ… Tất cả những con người ấy, có chân trong biên chế của một hệ thống xí nghiệp quốc doanh: xí nghiệp hải sản biển Đông – một hệ thống quốc doanh khổng lồ nhưng dường như đã quá già cỗi, trở nên rệu rã, ì ạch, nặng nề. Bởi một lẽ, nhân lực dôi dư quá nhiều, biết là dôi dư nhưng không sao cắt giảm được, bởi họ đã vào biên chế, họ phải được sống – chết cùng xí nghiệp. Tình trạng ấy được phát ngôn ra chính bởi Toàn – một anh nhân viên phụ trách phong trào thi đua, một viên chức nhà nước đích thực: “Mà đúng là dôi dư rành rành chứ còn gì. Như Toàn chẳng hạn. Đích thị dôi dư. Văn phòng tổng giám đốc khối người dôi dư. Cảnh dôi dư. Phó văn
phòng công tử Nhương dôi dư. Thám mà không dôi dư à? Các phòng ban khác nhiều người dôi dư. Như Mơ khai thác. Như Lập kỹ thuật. Như Mẫn công đoàn. Như Liễu tài vụ…”[3, tr.382] Chính tình trạng dôi dư nhân lực ấy, bộ máy quản lý cồng kềnh ấy dẫn đến hệ lụy là lao động thừa nhiều mà việc làm không có, năng suất lao động kém, lãng phí thời gian của xí nghiệp. Họ được xí nghiệp trả lương hàng tháng nhưng công việc của họ khi đến xí nghiệp chủ yếu là uống trà đầu giờ, bàn tán chuyện trò trêu chọc nhau, cắt tóc cho nhau, khi sếp đi vắng thì tranh thủ mua ốc về luộc, có khi là bún gà bia bọt đàng hoàng, rồi mở hội “nấu rượu lậu” tức là mang quần áo đến cơ quan giặt, hội “xin đểu” đi xin tiền các phòng ban khác…Viết về thực trạng bộ máy hành chính của xí nghiệp hải sản biển Đông, nhà văn đưa vào vố số những chi tiết hài hước gây cười: “Ban thanh tra có ba người, một trưởng, một phó, hai người lãnh đạo một nhân viên. Đó là một ban hoàn toàn rỗi việc” [3, tr.399], “Rồi khi tinh giảm biên chế, chuyển cô Phòng chuyên trông coi thư viện sang văn thư, Mẫn kiêm luôn thư viện, thành tích này được công đoàn báo cáo lên trên đã tinh giảm được hai mươi phần trăm biên chế. Mà đúng là như thế. Một con số to đùng!”[3, tr.417].
Hệ lụy của mô hình kinh tế quan liêu bao cấp lên xã hội nước ta thời kỳ trước đổi mới là những thiệt hại ngay trong lĩnh vực kinh tế. Việc nhà nước quản lý kinh tế thông qua chế độ cấp phát – giao nộp đã làm nảy sinh tình trạng thất thoát của công không thể tránh khỏi: nhân viên xin cá, thuyền viên ăn cắp cá, bán cá ngay trên ngư trường, lãnh đạo tìm mọi cách tham ô, nhận hối lộ “biến của công thành của tư”… Đó là tình trạng đã thành phổ biến khi mà “mỗi tàu mất hàng tạ cá, hàng tấn cá – toàn cá ngon – một chuyến biển”. Trong thời kỳ bao cấp khi mà mọi nhu yếu phẩm của nhân dân ta còn thiếu trầm trọng thì những con cá đi xin được ấy, “chiến lợi phẩm” ấy là vô cùng quý giá, thậm chí đáng giá gấp mấy lần đồng lương, là nguồn thu chủ yếu để cải thiện cuộc sống, cải thiện bữa ăn gia đình. Như Toàn chẳng hạn. Từ khi chuyển về xí nghiệp làm anh thi đua, Toàn được các tàu ưu tiên, anh em thuyền viên nể quý, lần nào xuống tàu cũng được xuất cá ngon mang về cho vợ con: “Rặt những cá ngon.
Mực nang, mực ống, chim, thu, song, tráp, cá khế, cá cam. Cá to tươi nguyên, đem về nhà mổ, máu tươi chảy ròng ròng. Nhà Toàn được cải thiện một cách căn bản. Cả nhà bận rộn nấu rán rồi quây quần quanh bữa cơm ngon. Hạnh phúc hẳn lên. Hòa thuận hẳn lên. Trong thời buổi thực phẩm cao hơn nhân phẩm như nhà báo Duy Thông đã nói này, Toàn thấy thật đúng là người ta có số” [3, tr.359]. Nền kinh tế hợp tác xã với bản chất chung chung của nó, ai mạnh thì người ấy thắng, tình trạng cha chung không ai khóc là rất phổ biến. Sống trong môi trường ấy, nhân cách con người cũng bị cào bằng. Mô hình kinh tế bao cấp, mô hình tư duy bao cấp dẫn đến bao cấp về tình cảm. Sự cào bằng của nền kinh tế hợp tác xã đã cào bằng nhân cách, cào bằng tư duy… nhét con người vào trong một rọ tư duy chung, bóp nghẹt tự do cá nhân, bóp nghẹt tự do sáng tạo.
2.1.1.2 Tệ nạn tham nhũng, đút lót
Nền kinh tế bao cấp đẻ ra một thứ tệ nạn: nạn tham nhũng, đút lót – một trong những hệ lụy của cơ chế quản lý quan liêu. Bức tranh xã hội với vấn nạn tham nhũng, đút lót được Bùi Ngọc Tấn khắc họa chân thực, sinh động trong tác phẩm thông qua những hình tượng nhân vật như giám đốc Hoàng Quốc Thắng, Đại Ca, Quán Mèo, Huy, Faraday… Nhân vật Hoàng Quốc Thắng là một trong những ví dụ tiêu biểu nhất. Ngay từ khi còn là một anh trưởng phòng kỹ thuật của một công ty trong ngành, nhân vật này đã tỏ ra là một người có đầu óc lanh lợi biết nắm bắt cơ hội với một triết lý sống rất khôn ngoan, thực dụng: “không thể để những đứa ngu lãnh đạo mình. Ông giám đốc tổng công ty của ông, theo ông, cũng là một người ngu. Ông ta ngu bởi vì ông ta không biết chia động từ “ăn”… Anh ăn là quan trọng nhất rồi đến tôi ăn. Nhưng thực ra anh có ăn cũng là để tôi ăn được nhiều hơn, bền vững hơn, lâu dài hơn” [3, tr.84]. Trung thành với triết lý sống ấy, ông Hoàng Quốc Thắng đã tích cực hối lộ Đại Ca của ông, từ tạ gạo cho đàn con ăn không biết no của Đại Ca giữa lúc gạo châu chủi quế, chiếc xe đạp mini Nhật hai dóng mà vợ Đại Ca đang ao ước, đến những đồng đô la rất mỏng rất mới trong phong bì, những chai rượu ngoại, những buổi đến nhà Đại Ca cả buổi, ăn cơm cùng gia đình Đại Ca và được coi như người trong nhà…
Cùng với sự thân thiết tăng dần trong mối quan hệ với Đại Ca là sự thăng tiến về chức vụ của ông Hoàng Quốc Thắng từ một anh trưởng phòng kỹ thuật đến một vị tổng giám đốc một công ty quốc doanh lớn nhất nhì cả nước về khai thác hải sản. Và cùng với sự thăng tiến trong sự nghiệp của ông là sự tỷ lệ thuận về của cải và độ giàu có, cũng lại với những đồng đô la rất mỏng rất mới, một tủ với đầy đủ các thứ rượu ngoại quý hiếm trên đời, những vật dụng đời mới đắt tiền… được cấp dưới mang đến nhà ông: “cứ mỗi tàu sắt xuất đi là nhà sếp lại thêm một món đồ. Lúc cái tivi, lúc cái tủ lạnh, lúc bộ dàn… Phần phong bì mới quan trọng” [3, tr.215]. Thực trạng cấp trên nhận hối lộ, cấp dưới đút lót là hai mặt song song của một hiện tượng, chúng hỗ trợ nhau, thúc đẩy nhau cùng phát triển. Nó cũng là kết quả tất yếu của mô hình kinh tế bao cấp với cơ chế quản lý quan liêu. Đấy là một thực trạng diễn ra ở tất cả các cấp, các ngành trong xí nghiệp hải sản Biển Đông, không chỉ riêng giám đốc Hoàng Quốc Thắng mà ở cả những cấp dưới nữa, ai cũng có cửa của mình, từ ông trưởng phòng tổ chức thường