Bên cạnh giọng điệu hài hước giễu nhại thì giọng bình thản, tự nhiên, khách quan cũng là gam giọng chủ đạo của tiểu thuyết Nguyễn Bắc Sơn. Nhưng đó cũng chỉ là cách sử dụng hình thức để thể hiện thái độ, tình cảm một cách khéo léo, tự nhiên của nhà văn. Trong suốt những đoạn có giọng điệu tự nhiên đó, cũng chứa đầy những suy tư, tình cảm thái độ của nhà văn về nhân vật và cuộc đời. Trong những chương sau, khi tình cảm vợ chồng của Tùng ngày càng xấu đi, bắt đầu từ căng thẳng, đối đầu trong công việc dẫn tới rạn nứt quan hệ vợ chồng, thì những lời trò chuyện hòa hợp vui vẻ trước đây, giờ thay bằng những đối thoại khô khan, tranh cãi lí sự về công việc nhiều hơn, có khi không thỏa hiệp được, có khi chiến tranh lạnh giữa hai vợ chồng. Cũng vậy, mối quan hệ của Tùng với đồng nghiệp, đối tác trong công việc cũng ngày càng căng thẳng, ngặt nghèo hơn, cũng chỉ bởi tính tình cương trực công tâm không chịu bỏ qua một sai sót nào dù là nhỏ nhất của anh. Giọng văn trong những đoạn miêu tả công việc ở cơ quan Tùng ngày càng căng thẳng, gấp gáp, gay cấn: “Tất cả cứ rối tung lên. Động đến cái gì cũng phải điên đầu lên nghĩa là làm sao nhỉ. Chưa bao giờ anh rơi vào tình trạng này. Mà toàn những chuyện ghê gớm. Chết người đã là phúc. Còn ghê gớm hơn vạn lần…” [28, tr.133]. Ở chương mười lăm, cuộc đối thoại giữa Tùng với một nhân vật có vai vế, chức vụ đã được nhà văn sử dụng những ngôn từ ngắn gọn mà đấy sức gợi sắc thái, thái độ của người nói ở những câu văn đậm đặc từ tạo hình, như những câu thơ ngắn:
“Kẻ cả Trịch thượng. Khệnh khạng. Khinh khỉnh. Khề khà. Khô khốc. Lạnh tanh”.[28, tr.133]
Cách sử dụng giọng điệu ở đây tưởng như rất lạnh lùng, khách quan, vô tư mà lại chứa đầy xúc cảm, thái độ của người thể hiện. Nó gợi lên đầy đủ chân dung với cử chỉ, thái độ, ánh mắt, ngữ điệu nói của nhân vật mà chỉ cần xuất hiện qua giọng nói là người đọc có thể cảm nhận được ngay. Ý đồ tư tưởng của nhà văn, nét hấp dẫn trong nghệ thuật thể hiện tác phẩm có một vai trò đóng góp không nhỏ của giọng điệu là vì thế.
Trong Biển và chim bói cá, giọng lạnh lùng, khách quan được thể hiện trong nhiều chương, nhiều đoạn của tiểu thuyết góp phần tạo nên nét hấp dẫn riêng của tác phẩm. Có cảm giác như Bùi Ngọc Tấn là người kể chuyện hoàn toàn khách quan, người chuyển tải thông tin đơn thuần mà không tham gia vào câu chuyện, không đưa ra một lời nhận xét phẩm bình đánh giá nào. Có những đoạn văn giống như một thước phim quay chậm tỉ mỉ có đầy đủ nhân vật, bối cảnh, hành động, như đoạn văn miêu tả cảnh bữa rượu dưới tàu sau đây chẳng hạn: “Ba ông khách còn lại cũng nhanh không kém. Cầm con mực hồng hồng bốc khói lên. Xe hai cái vi hai bên lườn nó như hai cánh tên lửa đi. Rút những đầu những mắt những râu những chân xòe như một bông hoa đi… Cuối cùng là bóc lượt da mỏng hồng hồng nâu nâu của nó. Con mực giờ đây là một cái ống trắng nõn mịn màng, ấm nóng, cứng cứng, mềm mềm. Nom thật hấp dẫn, thật mê ly. Quệt con mực vào bát chíu chương. Đưa lên miệng cắn. Sựt. Đẫy mồm đẫy miệng” [3, tr.140]. Hay như đoạn văn miêu tả hình ảnh những nhân viên tàu ngoại thương, những cán bộ phòng xuất nhập khẩu – những người lắm tiền, giàu có, oai vệ, tự tin đối lập hẳn với hình ảnh xác xơ thảm hại của đại đa số anh em
công nhân lao động trong xí nghiệp: “Nhân viên phòng xuất nhập khẩu, phòng tàu, những người làm ra tiền, đi đứng hùng dũng nói năng to tát, thuốc lá ba số, Capstan, đưa đánh máy, đóng dấu, phô tô những vận đơn, những quota, những công văn mở LC, những thứ chắc chắn sẽ sinh ra đô la… Họ diện giày da, họ phóng xe máy đi về, lượn những vòng cua thật đẹp ở sân.” [3, tr.413]. Như vậy bằng một giọng văn tỉnh táo, khách quan, Bùi Ngọc Tấn đã thành công trong việc miêu tả bức tranh hiện thực với tất cả bản chất chân thực sinh động của nó, không cần tô vẽ thêm bớt. Hiện thực trong tác phẩm Bùi Ngọc Tấn vì thế rất thật, rất đời, rất gần gũi như cuộc sống quanh ta vậy, và người đọc lật giở từng trang văn để biết thêm nhiều điều thú vị về cuộc đời bằng một sự tiếp nhận rất dễ dàng, tự nhiên. Điều ấy mang đến cho tiểu thuyết Biển và chim bói cá một vẻ đẹp giản dị mà vẫn rất hấp dẫn – điều mà không phải tác phẩm nào cũng làm được.