Giọng hài hước giễu nhạ

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết việt nam về đề tài thế sự qua biển và chim bói cá của bùi ngọc tấn và gã tép riu của nguyễn bắc sơn (Trang 92)

Giọng hài hước giễu nhại là một đặc điểm nổi bật của tiểu thuyết Biển và chim bói cá. Bùi Ngọc Tấn đã khéo léo sử dụng cái hài hước trong nghệ thuật của tiểu thuyết hoạt kê để đưa vào trang viết của mình. Nhà văn đã vận dụng cái nhìn trào lộng thông qua khắc họa nhân vật với những màn đối thoại, độc thoại. Cuộc trò chuyện của Giáp và Mai thể hiện rõ tính chất giễu nhại: “Nhớ tranh thủ về Thanh Hóa xem vợ mình đẻ chưa nhé. Nếu là con gái thì thôi. Nếu con giai là phải đẻ đứa nữa đấy. Nói hộ rằng mình còn lâu mới về. Cứ đi kiếm với thằng nào cũng được. Nhưng phải đợi khô lò đã” [3, tr.103]. Chất giễu nhại thể hiện trong câu nói châm chọc, khích bác của Giáp, ở chỗ cố tình xoáy thẳng, khoét sâu vào nỗi đau của Mai, giọng hài hước giễu nhại thể hiện cả ở trong câu chuyện của Cảnh về ông bố mình: “Bố cháu nói nhiều thế nhưng cháu biết là quanh quẩn vẫn mấy bài cơ bản thôi. Buổi nói chuyện nào của bố cháu cũng phải có mấy câu thuận lợi rất nhiều nhưng khó khăn cũng không phải ít. Chúng ta phải đem hết sức mình ra cống hiến, thấm nhuần lời dạy của bác. Nếu không lại thời cơ và thách thức, hòa nhập chứ không hòa tan, đổi mới chứ không đổi màu. Phải nắm vững xê cộng vê cộng em (C+V+M)… Đấy chú cứ xem mà xem. Quanh đi quẩn lại chỉ vậy” [3, tr.404]. Một ông lãnh đạo xuất sắc trong thành phố, một nhà tổ chức tài ba, một nhà hùng biện tuyệt vời với những bài phát biểu trên ti vi khiến người nghe phải sởn gai ốc thán phục giờ đây hiện lên qua lời miêu tả của cậu con trai lại không khác gì một kẻ bình thường, thậm chí là tầm

thường, rỗng tuếch. Chỉ bằng vài lời nói của Cảnh, chân tướng vị lãnh đạo đã bị lật tẩy. Đằng sau giọng điệu chế giễu mỉa mai ấy phải chăng là cách nghĩ, cách nhìn của tác giả về một số cán bộ quản lý yếu kém, máy móc, quan liêu. Giọng văn hài hước giễu nhại còn được thể hiện trong những lời đối thoại giữa các thuyền viên với nhau. Đó là cuộc trò chuyện của Mây và Quân khi nói về Huy – một thủy thủ vì muốn xuống tàu đi nước ngoài mà sẵn sàng dâng vợ mình cho sếp: “Cái Hoa chiều thằng Huy hết mức đấy chứ. Chồng bảo ngủ với giám đốc là ngủ liền. Tôi hỏi ông: có ai chiều chồng như thế không?” Chỉ bằng một câu nói mà hành động bỉ ổi đáng khinh của Huy bị lật tẩy. Vì đồng tiền, Huy sẵn sàng giẫm đạp lên tình cảm vợ chồng thiêng liêng, coi đó cũng chỉ là một trong những phương tiện để trao đổi, mua bán. Tiếng cười trong tác phẩm của Bùi Ngọc Tấn được cất lên qua giọng điệu hài hước, châm biếm mỉa mai, tưởng như khách quan nhẹ nhàng đấy nhưng lại vô cùng thâm thúy, sâu cay.

Trong tiểu thuyết Biển và chim bói cá, nhà văn đề cập đến một vấn đề nhạy cảm, tế nhị là vấn đề đời sống sinh lý của con người nhưng cũng bằng một giọng rất hài hước, dí dỏm. Nhân vật Quán Mèo là một kẻ rất đê tiện, nhờ mưu mẹo, liều lĩnh mà trở nên giàu có. Đối với Quán, tình dục không còn là chuyện thiêng liêng trong tình cảm vợ chồng mà đơn giản chỉ là sự chung đụng xác thịt để thỏa mãn ham muốn. Quán luôn quan hệ với đám gái làng chơi, đến nỗi nằm trên vợ nhưng trong đầu anh ta vẫn luôn nghĩ đến hình ảnh những cô gái trẻ trung, thơm tho, chiều chuộng: “Dù đã tối om, nằm trên vợ, Quán vẫn nhắm nghiền hai mắt, lẩm nhẩm trong óc:

- Không phải vợ ta… - Không phải vợ ta…

Câu cuối cùng hình như là câu thứ ba mươi mốt, Quán bỗng bật lên trong một tiếng rên dài:

- Không phải vợ ta à à…”

Chỉ bằng một giọng kể có vẻ như hài hước, thản nhiên nhưng tác giả đã bóc trần được bản chất của một con người có lối sống, quan điểm sống nhạt nhẽo, phụ

bạc, đểu giả. Tiếng cười bật ra chua xót, mỉa mai cho sự tha hóa của con người trong xã hội mọi giá trị bị đảo ngược. Hay như câu chuyện tình yêu giữa Mơ và Cương cũng vậy. Khi tình cảm con người bị can thiệp thô bạo bởi ý thức chính trị thì những chuyện tự nhiên nhất, bản năng nhất của con người là chuyện quan hệ nam nữ cũng được thể hiện một cách cứng nhắc, khô khan, rạch ròi tính chất công việc: “Nào, ta sinh hoạt nào anh”, “Tự ái à? Không sinh hoạt à?”. Những câu nói ấy của Mơ như gáo nước lạnh làm tiêu tan bao xúc cảm lãng mạn và ham muốn nhục dục trong Cương, đặt dấu chấm hết cho quan hệ hai người. Tiếng cười bật lên rất tự nhiên, sảng khoái nhưng ẩn sau đó là nỗi buồn kín đáo của nhà văn trước sự chai sạn, cùn mòn dần đi của tâm hồn con người ở cái phần bản năng đẹp đẽ nhất và cũng nguyên sơ nhất. Và đúng như tác giả Dương Tường đã nhận xét về Bùi Ngọc Tấn: “Cái lớn lao của Bùi Ngọc Tấn là ở chỗ tất cả những vùi dập, cay nghiệt của số phận không làm anh hằn học, chua chát mà chỉ thêm bao dung. Phải là một tâm hồn quảng đại mới có thể nói về những nghiệm sinh ê chề của mình với chất u – mua độ lượng và lạc quan đến thế” (báo văn nghệ số 49 ngày 4 – 12 – 1999).

Giọng hài hước giễu nhại cũng là một trong những giọng điệu chủ đạo trong tiểu thuyết Gã tép riu của Nguyễn Bắc Sơn. Ngay từ những chương đầu tác phẩm, giọng giễu nhại đã xuất hiện nhưng chỉ thoáng qua, rất nhẹ nhàng mà phải tinh ý mới cảm nhận được, từ cách miêu tả: “Trên cột nóc lều trại phía ngoài, phần phật cờ Tổ Quốc, hoặc cờ Đoàn tay cầm cờ đỏ sao vàng hùng dũng, oai phong” , hay cách nhắc lại lời bài hát, lời phát biểu đầy hoa mĩ, nhưng có phần sáo của Bí thư Quận Đoàn - Diệu Thủy, như lời giễu nhại đối với nhân vật này của người viết. Rồi những cử chỉ mà Diệu Thủy thể hiện như của một diễn viên trong một vở kịch đã được dàn dựng mà tổng đạo diễn là “đồng chí chồng” Xuân Tùng. Ở đoạn văn này của tiểu thuyết giọng điệu đem lại hiệu quả hài hước khiến ta liên tưởng nhân vật Diệu Thủy phần nào thấp thoáng của vai diễn trong một vở hài kịch châm biếm nhẹ nhàng.

Trong đoạn miêu tả đồng chí lãnh đạo cấp cao dự cuộc họp tổ dân phố mà tác giả lại miêu tả vị này là “nổi hứng rẽ vào” thì thật đắc địa, tài tình. Sự im lặng trang trọng khi vị khách bất ngờ này hỏi mọi người trong cuộc họp lại được miêu tả là “ thin thít như thịt nấu đông”, đã tạo nên giọng điệu hài hước đặc biệt. Ở đây chính lời văn đã tạo nên giọng điệu đó. Hay cách phát biểu trong cuộc họp dân phố của nhân vật lãnh đạo cấp cao này vừa chỉ đạo, giáo huấn, lại có phần giáo điều cứng nhắc, cũng là dáng dấp của một bộ phận kiểu người dập khuôn máy móc nguyên tắc, nói nhiều thực hiện ít, quan liêu trong xã hội: “Chúng ta phải tin vào dân, phải dựa vào dân. Chở thuyền là dân, làm lật thuyền cũng là dân, thế mới biết sức dân mạnh như nước. Cụ Nguyễn Trãi đã dạy như vậy đấy” [28, tr.14]. Giọng điệu chi phối cách sử dụng ngôn từ thể hiện chủ ý của nhà văn trong miêu tả thiên nhiên, sự kiện, hay nhân vật.

Hay trong chương Ba, những đoạn nói về chuyện hai vợ chồng Tùng và Thủy vẫn còn đang thời kì hương lửa mặn nồng, lời lẽ họ nói chuyện mà tác giả sử dụng là hàng loạt ngôn từ khiến người đọc liên tưởng tới chuyện chăn gối buồng the, là lớp ngôn từ đầy ỡm ờ, ẩn ý của thành ngữ, chơi chữ, nói lái. Đoạn văn này cũng như trong nhiều chương, đoạn khác của tiểu thuyết đã vận dụng Truyện Kiều và thơ của Bà Chúa thơ Nôm - Hồ Xuân Hương. Tác giả còn dùng rất nhiều lớp từ đời thường rất mới của cuộc sống hiện đại hàng ngày. Chính lớp từ đó đã tạo nên giọng điệu tự nhiên, suồng sã, của đời sống sinh hoạt hàng ngày, và cũng thể hiện tính cách hài hước, dí dỏm của nhân vật Tùng, bởi những từ ngữ đó được thể hiện qua lời nhân vật, còn thấp thoáng cái chất dí dỏm, hài hước mà thâm trầm, sâu sắc của chính nhà văn Nguyễn Bắc Sơn trong đời sống thường ngày.

Ngoài việc sử dụng giọng điệu góp phần khắc họa tính cách nhân vật chính của tiểu thuyết là nhân vật Tùng Tép Riu ra, giọng điệu còn thể hiện tính cách của nhân vật khác. Như trong chương mười Hai của tác phẩm, xuất hiện nhân vật phụ như vai hề trong tích diễn chèo, có vai trò làm sinh động thêm đề tài của tác phẩm và nổi bật thêm tính cách của nhân vật chính. Đó là nhân vật

không có tên - người thích đùa, người dường như luôn luôn lật tẩy những điều trái khoáy, những sự thật bằng những cách nói châm chọc, cười cợt, giễu nhại, chua ngoa, quay quắt, nhưng thông minh trí tuệ. Nhân vật này so với Tùng có phần còn nói thẳng “nói toạc móng heo” ra sự thật, thể hiện rõ thái độ với đối tượng nói. Ngoài ra, nhân vật này cũng có cách nói chơi chữ độc đáo. Nhà văn đưa thêm nhân vật này để tôn thêm, phụ họa cho tính cách của Tùng - nhân vật chính của tác phẩm, làm nổi bật thêm nội dung của câu chuyện.

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết việt nam về đề tài thế sự qua biển và chim bói cá của bùi ngọc tấn và gã tép riu của nguyễn bắc sơn (Trang 92)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(108 trang)
w