Dân tộc Mông có các tên gọi khác là Mông Đơ (Mông Trắng), Mông Lềnh (Mông Hoa), Mông Si (Mông Đỏ), Mông Đu (Mông Đen). Theo số liệu thống kê năm 2009 dân tộc Mông ở Việt Nam có 1.068.189 người, địa bàn cư trú tập trung ở miền núi vùng cao thuộc các tỉnh Điện Biên, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng, Nghệ An. Ở Điện Biên dân tộc Mông sinh sống hầu khắp các huyện, thường ở trên các triền núi cao. Đồng bào Mông ở Điện Biên có nhiều nhóm, gồm Mông trắng, Mông hoa, Mông đen, tiếng Mông thuộc nhóm ngôn ngữ Mông - Dao. Nguồn sống chính của đồng bào Mông là làm nương rẫy, trồng ngô, lúa. Ở một số nơi đồng bào Mông biết làm ruộng bậc thang. Người Mông có nghề thủ công mang tính chất truyền thống như đan lát, làm đồ gia dụng, làm nghề rèn. Ngoài ra, đồng bào trồng lanh để lấy sợi, dệt vải và trồng cây dược liệu. Quần áo của đồng bào Mông chủ yếu may bằng vải lanh tự dệt. Trang phục phụ nữ Mông thường có váy, áo xẻ ngực, tạp dề trước và sau, xà cạp quấn chân. Váy may và trang trí nhiều hoa văn rất công phu, là váy mở xếp, nếp xoè rộng. Đồng bào dân tộc Mông cho rằng những người cùng dòng họ là anh em cùng tổ tiên, có thể ở trong nhà nhau và chết trong nhà nhau, phải luôn giúp đỡ nhau trong cuộc sống, cưu mang nhau lúc nguy nan và tính tự trọng, gắn kết cộng đồng rất cao. Hôn nhân của người Mông theo tập quán kén chọn bạn
đời, những người cùng dòng họ không được lấy nhau, đặc biệt người Mông đã lấy nhau thì rất ít bỏ nhau mà sống yêu thương hoà thuận cho đến cuối đời. Nhạc cụ của dân tộc Mông có nhiều loại, nhưng phổ biến là khèn và đàn môi. Vào ngày 2/9 hằng năm, dân tộc Mông ăn tết độc lập rất to, thường tập trung ở trung tâm huyện, hình thành một tập tục đẹp và là một ngày hội lớn của dân tộc Mông.
Một trong những lễ hội đặc sắc của người Mông là lễ hội Gầu Tào. Cứ mỗi độ xuân về, khi hoa lê, hoa mận, hoa đào nở trắng các bản làng vùng cao cũng là lúc dân tộc Mông gác lại công việc ruộng nương để bước vào mùa lễ hội Gầu Tào với mục đích cúng tạ trời đất đã ban cho dân bản sức khoẻ. Trước đây Lễ hội Gầu Tào thường được tổ chức trong 3 năm liền, mỗi năm từ 3 đến 5 ngày. Nếu chỉ làm 1 năm lễ hội sẽ kéo dài 10 đến 12 ngày. Ngày nay, năm nào người dân tộc Mông cũng tổ chức Lễ hội Gầu tào vào dịp tết âm lịch. Khoảng ngày 25 tết, các chàng trai khoẻ mạnh đi chặt che để dựng cây nêu. Cây nêu được dựng ở một bãi đất bằng phẳng, rộng rãi nơi được chọn làm trung tâm lễ hội. Chủ lễ treo lên cây nêu 1 cây nỏ, thể hiện sức mạnh dân tộc Mông và xua đuổi tà ma. Khi cây nêu dựng xong, một mâm lễ gồm thủ lợn, xôi, rượu…được đặt dưới để cúng tổ tiên và đất trời. Sau phần lễ, mọi người náo nức tham gia các cuộc thi, trò chơi bổ ích và lý thú của ngày hội. Không gian đầy ắp âm thanh rộn rã của các loại nhạc cụ như khèn, sáo trúc, đàn môi, khèn lá, tâu…và tiếng hát giao duyên. Trong ngày hội còn có các trò chơi dân gian như đua ngựa, ném Pao, bắn nỏ, tù lu…
2.4. Thực trạng hoạt động giáo dục VH dân tộc và quản lý hoạt động giáo dục VH dân tộc ở Trung tâm học tập cộng đồng huyện Tủa Chùa