BSVH dân tộc là khái niệm được các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu, một số định nghĩa và nhận định sau sẽ góp phần làm sáng tỏ nội hàm khái niệm này:
Nhà dân tộc học Liên Xô (cũ) Iu. V. Bromlei cho rằng, nằm trong tiến trình lịch sử hình thành dân tộc, bản sắc dân tộc được hình thành và được nhận biết thông qua các sự vật, hiện tượng, các dấu vết... còn lưu lại ở cách ăn mặc, phong tục tập quán, cách giao tiếp, kỹ thuật sản xuất... tạo nên hiện tượng không thuần nhất giữa các dân tộc [34,tr12; 40].
Nhà thơ Tố Hữu phát biểu: “Trong đồng bào các dân tộc thiểu số, BSVH biểu hiện đậm đà nhiều mặt. Dân tộc nào cũng có tinh thần dũng cảm trong sản xuất và chiến đấu, tính chân thật thuỷ chung, lòng thương người mến khách. Ở nhà sàn, ăn cơm nếp, uống rượu cần. Đội mũ, khăn, áo, quần nhiều màu sắc, đàn hát, nhảy múa đông người… Những đức tính và nét sinh hoạt đó thường nổi bật trong đời sống của đồng bào ở miền núi” [18, tr.26].
Ông Vũ Oanh nguyên uỷ viên Bộ chính trị trung ương Đảng khẳng định: “Những tinh hoa văn hoá dân tộc, những cốt cách tâm hồn người dân tộc, những thẩm mỹ về ăn, mặc, quan hệ ứng xử, trong thơ, ca nhạc, hoạ… không ít thuần phong mỹ tục, cái hay, cái đẹp, tinh thần cao thượng của đồng bào dân tộc thiểu số có khả năng phong phú, đa dạng văn hoá của đại gia đình các dân tộc Việt Nam, niềm tự hào của bà con người dân tộc.” [18, tr.37].
Nghị quyết hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành trung ương Đảng khoá VIII định nghĩa: “Bản sắc dân tộc bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước” [02, tr.42,43].
Từ quan điểm được tổng thuật ở trên, có thể hiểu BSVH dân tộc của văn hoá Việt Nam bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa được vun đắp qua hàng ngàn năm lịch sử, tạo thành những nét đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam. Xét về bản chất, lịch sử dân tộc ta ngay từ thời dựng nước là lịch sử không ngừng đấu tranh chống ngoại xâm để giành và giữ nền độc lập, tạo nên phẩm chất cao cả và thiêng liêng nhất của BSVH dân tộc, đó là tinh thần yêu nước thương nòi. Chủ nghĩa yêu nước của văn hoá dân tộc ta không chỉ biểu lộ ở lòng dũng cảm, đức hy sinh mà
còn ở tinh thần đoàn kết, nhân ái, yêu thương con người, ý thức bảo vệ nhân phẩm, giữ gìn đạo lý.
Nói đến BSVH tức là ta nói đến cái mặt bất biến của văn hoá trong suốt quá trình phát triển của lịch sử. Bản là cái gốc, cái căn bản, cái lõi, cái hạt nhân của một sự vật. Sắc là thể hiện ra ngoài. Nói BSVH dân tộc của văn hóa Việt Nam tức là nói những giá trị gốc, căn bản, cốt lõi, những giá trị hạt nhân của dân tộc Việt Nam. Nói những giá trị hạt nhân tức là không phải nói tất cả mọi giá trị, mà chỉ là nói những giá trị tiêu biểu nhất, bản chất nhất, chúng mang tính dân tộc sâu sắc đến nỗi chúng biểu hiện trong mọi lĩnh vực của nền văn hoá Việt Nam, trong các lĩnh vực văn học nghệ thuật, sân khấu, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, trong sinh hoạt, giao tiếp, ứng xử hằng ngày của người Việt Nam.
BSVH dân tộc là những vấn đề căn cốt nhất, nền tảng nhất để làm nên nét riêng của cộng đồng dân tộc này so với cộng đồng dân tộc khác. Nó có tính ổn định vì phải trải qua quá trình đúc kết, tích lũy và sàng lọc lâu dài. Đó là tổng thể các giá trị đặc trưng bản chất của văn hóa dân tộc, được hình thành, tồn tại và phát triển suốt quá trình lịch sử lâu dài của đất nước, các giá trị đặc trưng ấy ở "tầng nền" mang tính bền vững, trường tồn, trừu tượng và tiềm ẩn. Do vậy, muốn nhận biết nó, phải thông qua vô vàn các sắc thái văn hóa, với tư cách là sự biểu hiện của BSVH ấy. Nếu BSVH là cái gì trừu tượng, tiềm ẩn, bền vững, thì các sắc thái biểu hiện của nó thường tương đối cụ thể, bộc lộ và có khả năng biến đổi cụ thể hơn. Từ quan niệm chung như vậy, có thể xem xét các sắc thái văn hóa vô cùng phong phú và đa dạng của BSVH Việt Nam, như là chủ nghĩa yêu nước, tính cộng đồng, tinh thần cởi mở, dễ hòa hợp, thích ứng trong giao lưu văn hóa.., tính duy tình trong các cư xử xã hội, tính thích ứng và hài hòa trong ứng xử với tự nhiên...
Như vậy BSVH dân tộc là một khái niệm không dễ xác định, nó không phải là một khái niệm có một nội hàm thống nhất mà có nhiều lớp khái niệm với các tầng nội hàm khác nhau. Tuy vậy, qua phân tích như trên có thể khẳng
định rằng BSVH dân tộc là hệ thống các giá trị, truyền thống, thẩm mỹ và lối sống của dân tộc tạo thành những đặc trưng tiêu biểu, tiến bộ, riêng biệt, không thể trộn lẫn của một nền văn hoá, của một dân tộc. BSVH dân tộc biểu hiện sức sống, sức sáng tạo, sức phát triển của một dân tộc. Trong luận văn, BSVH được hiểu hẹp hơn, đó là những đặc trưng tiêu biểu, tiến bộ, riêng biệt của các dân tộc thiểu số khu vực miền núi Tây Bắc của tổ quốc.
Trong luận văn, giữ gìn BSVH dân tộc là giữ lại những đặc trưng tiêu biểu, tiến bộ, riêng biệt, không thể trộn lẫn của nền văn hoá các dân tộc thiểu số khu vực miền núi Tây Bắc của tổ quốc. Theo Quyết định số 124/2003/QĐ- TTg ngày 17/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam thì việc giữ gìn BSVH dân tộc thiểu số được thể hiện qua những phương diện sau:
- Điều tra, khảo sát, thống kê, quản lý, trùng tu các di tích lịch sử, di tích cách mạng, di tích văn hoá, danh lam thắng cảnh, khu vực sinh thái đặc biệt, vườn quốc gia ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số.
- Sưu tầm, giữ gìn, nghiên cứu, giới thiệu các kiểu kiến trúc, trang phục, nhạc cụ, khí cụ, công cụ sản xuất, hàng thổ cẩm của các dân tộc thiểu số trong các bảo tàng, các trung tâm văn hoá, các triển lãm và trong đời sống hằng ngày; ngăn chặn việc thất thoát, hư hại các di vật, cổ vật quý của các dân tộc còn đang tiềm ẩn trong đồng bào.
- Tổ chức sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu, lưu giữ các loại hình văn học, nghệ thuật dân gian của các dân tộc; sáng tạo những giá trị mới về văn học, nghệ thuật trên cơ sở kế thừa và phát huy những sắc thái riêng, độc đáo truyền thống của các dân tộc thiểu số; tổ chức và hướng dẫn những biện pháp quản lý, giữ gìn, phát huy các hoạt động văn hoá lễ hội truyền thống, phong tục tập quán lành mạnh của các dân tộc thiểu số.
- Điều tra, khảo sát, phân loại, bảo tồn, phát huy và phát triển các nghề thủ công truyền thống, VH ẩm thực của các dân tộc thiểu số.
truyền bá, giao lưu VH, thông tin kinh tế, khoa học - kỹ thuật, luật pháp, trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
- Phát triển sự nghiệp VH, thông tin, nâng cao mức hưởng thụ của đồng bào: Củng cố, phát triển về chất và lượng các đội chiếu bóng, đội thông tin lưu động, các đội văn nghệ quần chúng, các thư viện, tủ sách kết hợp với các điểm Bưu điện - VH xã; tăng cường đưa VH, nghệ thuật về cơ sở phục vụ đồng bào với những nội dung, chương trình phù hợp; tăng cường củng cố, phát triển toàn diện hệ thống thông tin cơ sở; đẩy mạnh các hình thức giao lưu VH, nghệ thuật giữa các vùng dân tộc thiểu số.
- Xây dựng gia đình, bản VH; thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống VH” tại các khu dân cư vùng dân tộc thiểu số.
- Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ: Nâng cao trình độ nhận thức chủ trương, chính sách của Đảng, luật pháp của Nhà nước về VH dân tộc và năng lực quản lý công tác chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức và cộng tác viên nòng cốt có đủ khả năng tham mưu cho cấp uỷ và chính quyền nhằm đáp ứng những yêu cầu đặt ra đối với hoạt động VH, thông tin ở cơ sở. [10, tr.35,36].