Bản sắc văn hoá dân tộc Thái

Một phần của tài liệu Quản lý hoạt động giáo dục văn hóa dân tộc ở trung tâm học tập cộng đồng huyện tủa chùa tỉnh điện biên (Trang 45)

Dân tộc Thái còn có các tên gọi Tày, Tày Ðăm, Tày Khào, Tày Mười, Tày Thanh, Hàng Tổng, Pu Thay, Thờ Ðà Bắc. Dân số theo tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 có 1.550.423 người. Ðịa bàn cư trú: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình, Nghệ An. Là cộng đồng dân tộc đông nhất ở tỉnh Điện Biên, chiếm 38,4% dân số, gồm các nhóm Tay Đăm (Thái đen) và

Tay Khao (Thái trắng). Ngôn ngữ tiếng Thái thuộc nhóm ngôn ngữ Tày – Thái. Về trang phục, nam giới mặc âu phục, vải thổ cẩm; phụ nữ thường mặc áo cóm màu trắng bó sát thân mình với hàng cúc bướm rất đẹp, váy màu đen, đầu đội khăn piêu được thêu thùa công phu với những hoa văn tinh tế. Người Thái ở nhà sàn, mái nhà cong hình mai rùa có cầu thang lên ở hai đầu, mỗi bản có từ 40 - 60 nóc nhà kề bên nhau. Bản của người Thái thường ở vùng chân đồi, gần suối, gắn với sản xuất ruộng nước.

Đồng bào Thái có đời sống văn hoá rất đặc sắc, có tiếng nói, chữ viết riêng. Trong kho tàng văn hoá của mình, đồng bào Thái có thần thoại, cổ tích, truyền thuyết, truyện thơ, ca dao với các tác phẩm nổi tiếng như “Xống chụ xon xao” (Tiễn dặn người yêu), “Khun Lú – Nàng Ủa”, “Hiến Hom – Căm Đôi”, “Táy pú xấc” (Kể cha ông chinh chiến)…Dân tộc Thái rất ưa ca hát, múa xoè, đặc biệt là lối ngâm thơ, hát theo lời thơ, có đệm đàn và múa (gọi là “khắp”).

Trong lễ hội của người Thái, đáng chú ý là lễ hội cầu mưa. Người Thái canh tác nông nghiệp chủ yếu dựa và thiên thiên, với quan niệm vạn vật hữu linh và tin rằng mọi hoạt động trong đời sống hằng ngày đều do một lực lượng siêu nhiên chi phối đó là các vị thần linh. Một trong các vị thần đó là vị thần mưa. Lễ hội cầu mưa của dân tộc Thái được tổ chức trong phạm vi của một bản vào khảng từ 13 đến 15 tháng 3 âm lịch. Sau 3 ngày, 3 đêm diễn ra phần lễ, lễ cầu mưa kết thúc trong niềm vui hân hoan của mọi người dân trong bản. Vào đêm 30 tháng 3 âm lịch, phần hội của lễ cầu mưa mới được tổ chức. Rượu cần được làm từ xôi của các nhà trong bản biếu đoàn đi cầu mưa. Ngoài ra, dân bản đem góp những thứ mà họ kiếm được trong rừng, dưới suối như cá, thịt thú rừng, rau, măng… để tổ chức bữa ăn chung cho cả bản và chia cho những gia đình khó khăn trong bản. Ngoài phần ẩm thực người dân còn tổ chức ca hát, nhảy múa, đồng thời nam nữ trong bản cũng tổ chức hát đối đáp, hát giao duyên.

Ở Tủa Chùa, dân tộc Thái có dân số thứ hai sau dân tộc Mông trong toàn huyện, địa bàn cư trú của người Thái là những vùng đồi, phiêng bãi,

thung lũng ven suối. Người Thái trồng lúa nước và hoa màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo lối chăn thả tự nhiên; đồng bào chú trọng các nghề thủ công truyền thống như thêu thùa (làm khăn piêu), dệt vải thổ cẩm, làm chăn đệm, đan lát (sọt, gùi, ếp, ghế, mâm tròn), rèn đúc (dao, chóp, rìu, thuổng)... Người Thái Tủa Chùa mang đặc trưng cơ bản của con người vùng Tây Bắc, đồng thời cũng có nét văn hoá riêng độc đáo thể hiện ở trang phục phụ nữ (váy, áo cóm), tục tằng cẩu, đội khăn piêu, thổi khèn bè, múa xoè vòng và tục uống rượu cần. Với tiếng nói và chữ viết riêng, dân tộc Thái ở Tủa Chùa bảo tồn được một kho tàng văn hoá dân gian phong phú.

Một phần của tài liệu Quản lý hoạt động giáo dục văn hóa dân tộc ở trung tâm học tập cộng đồng huyện tủa chùa tỉnh điện biên (Trang 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)