* Cơ sở lý luận chung
Sự cần thiết của phương pháp
Trong so sánh, đánh giá, lựa chọn các phương án đầu tư có trường hợp phải dùng nhiều chỉ tiêu khác nhau với các đơn vị đo khác nhau.
Từ đây nảy sinh nhu cầu so sánh các phương án bằng một chỉ tiêu nào đó tổng hợp được, tính gộp được tất cả các chỉ tiêu muốn so sánh. Trong khi các chỉ tiêu muốn so sánh lại có đơn vị khác nhau nên không thể cộng lại để so sánh hay so sánh một cách trực tiếp. Muốn vậy, trước hết phải làm mất đơn vị đo của chúng (vô thứ
nguyên hóa), làm cho chúng trở nên đồng hướng rồi mới có thể tính gộp lại được. Đó là lý do ra đời phương pháp dùng một vài chỉ tiêu tổng hợp không đơn vị đo để xếp hạng phương án đầu tư.
Về bản chất, chỉ tiêu tổng hợp không đơn vị đo là tất cả các chỉ tiêu cần thiết để đánh giá các phương án đầu tư vốn có ý nghĩa, vai trò khác nhau, đơn vị đo khác nhau được làm cho đồng hướng, làm mất đơn vị đo, được đánh giá về mức độ quan trọng (theo phương pháp chuyên gia) rồi tính gộp lại trong một chỉ tiêu bằng mức độ quan trọng đã đánh giá
Phương pháp dùng một chỉ tiêu tổng hợp không đơn vị đo thường được áp dụng để so sánh lựa chọn các phương án khi mà chúng có nhiều chỉ tiêu, mà mức độ quan trọng của mỗi chỉ tiêu đều đáng kể, ví dụ như các trong phân tích kinh tế - xã hội của dự án đầu tư xây dựng công trình thủy lợi thì các chỉ tiêu cần được xem xét có thể là: thúc đẩy kinh tế khu vực phát triển, đảm bảo an ninh quốc gia, góp phần xóa đói giảm nghèo
Ưu, nhược điểm của phương pháp
a. Ưu điểm:
- Việc so sánh lựa chọn đơn giản và thống nhất vì chỉ dùng một chỉ tiêu duy nhất: Chỉ tiêu tổng hợp không đơn vị đo;
- Có thể đưa nhiều chỉ tiêu vào so sánh, giúp cho việc so sánh có tính tổng hợp và phản ánh được tất cả các mặt, các khía cạnh của các phương án;
- Có thể tính đến cả các chỉ tiêu khó thể lượng hóa và các chỉ tiêu chỉ có thể diễn tả bằng lời, ví dụ như tính thẩm mỹ, khía cạnh tâm lý… bằng phương pháp cho điểm của chuyên gia.
b. Nhược điểm:
Dễ mang tính chủ quan trong bước cho điểm mức độ quan trọng của các chỉ tiêu vì phải lấy ý kiến chuyên gia.
- Dễ che lấp mất chỉ tiêu chủ yếu nếu đưa quá nhiều chỉ tiêu vào so sánh. - Các chỉ tiêu đưa vào so sánh có thể bị trùng lặp ở một mức độ nhất định.
Nội dung của phương pháp
- Lựa chọn các chỉ tiêu để đưa vào so sánh: là một công việc quan trọng, có ảnh hưởng nhiều đến kết quả so sánh. Chú ý trùng lặp chỉ tiêu.
- Xác định hướng cho các chỉ tiêu và làm cho các chỉ tiêu đồng hướng. Trước hết phải xác định chỉ tiêu tổng hợp không đơn vị đo (hàm mục tiêu) là cực đại hay cực tiểu thì tốt nhất. Các chỉ tiêu nghịch hướng được làm đồng hướng bằng cách đổi bằng số nghịch đảo của chúng.
- Triệt tiêu đơn vị đo của các chỉ tiêu. Có nhiều phương pháp để triệt tiêu đơn vị đo của các chỉ tiêu như phương pháp Pattern, phương pháp giá trị nhỏ nhất, phương pháp giá trị lớn nhất, phương pháp so sánh cặp đôi…