Những năm gần đây các tổ chức quốc tế đã chú ý nhiều đến việc đánh giá hiệu quả của các HTTN trên toàn thế giới. Việc đánh giá hiệu quả của hệ thống sẽ giúp người quản lý so sánh hiệu quả hoạt động của hệ thống qua các năm hoặc dự báo xu hướng phát triển của nó. Các hệ thống được đánh giá hiệu quả thì có thể so sánh với nhau, những điều này giúp người quản lý có công cụ để tìm ra những yếu điểm của hệ thống, phương pháp khắc phục nhằm ngày càng nâng cao hiệu quả khai thác, mang lại lợi ích lớn nhất.
Theo định nghĩa của IWMI thì: “Hiệu quả tưới của hệ thống là mức độ đạt được của những mục tiêu ban đầu đề ra đối với hệ thống đó”.
Để đánh giá hiệu quả của một hệ thống tưới người ta dùng các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật. Viện quản lý nước Quốc tế IWMI (International Water Management Institute) đã giới thiệu một bộ chỉ tiêu gồm 27 chỉ tiêu, được chia làm 3 nhóm chính.
Nhóm 1: Hiệu quả việc thực hiện tưới (service delivery performance): gồm hai lĩnh vực:
+ Vận hành hệ thống: Xét đến quá trình vận hành hệ thống để chuyển nước từ đầu mới cho đến tận nơi dùng nước (ô ruộng): tổn thất trên đường kênh, qua các công trình…
+ Chi phí: Xét đến toàn bộ chi phí đảm bảo hoạt động của hệ thống
Nhóm 2: Hiệu quả sản xuất (Productive efficiency): Tính toán lợi ích tưới tiêu mang lại cho nông nghiệp thông qua đánh giá năng suất, sản lượng cây trồng.
+ Nhóm 3: Tác động môi trường (Environmental performance) đánh giá ảnh hưởng của việc tưới tiêu cho nông nghiệp đến môi trường.
Các chỉ tiêu theo IWMI
Nhóm 1: Hiệu quả việc thực hiện tưới
- Tổng lượng nước cấp vào mặt ruộng hàng năm (m3/ha): Tổng lượng nước cần chuyển đến tại mặt ruộng trong một năm hoặc một vụ, xác định dữ liệu: đo đạc tại mặt ruộng.
- Lượng nước đến hàng năm trên một đơn vị diện tích (m3/ha): (Tổng lượng nước vào đầu hệ thống hàng năm/Tổng diện tích phụ trách của hệ thống). Xác định: Tổng lượng nước vào đầu hệ thống hàng năm: tổng lượng nước hàng năm được lấy vào hoặc bơm lên cho tưới (không kể lượng nước tận thu trong nội vùng), tổng diện tích phụ trách của hệ thống: tổng diện tích phụ trách của hệ thống theo thiết kế.
- Lượng nước đến hàng năm trên một đơn vị diện tích được tưới (m3/ha): (Tổng lượng nước vào đầu hệ thống hàng năm/Tổng diện tích cây trồng được tưới). Xác định: Tổng diện tích cây trồng được tưới: Tính cho toàn bộ diện tích cây trồng được tưới trong cả năm.
- Hệ số sử dụng nước toàn hệ thống: (Tổng lượng nước cấp vào mặt ruộng hàng năm/Tổng lượng nước lấy vào đầu mối hàng năm). Xác định: Tính theo công thức.
- Hệ số lợi dụng nguồn nước có thể: (Tổng lượng nguồn nước có thể lợi dụng/Tổng lượng nước cần tưới cho cây trồng). Xác định: Tổng lượng nguồn nước có thể sử dụng: Bao gồm tổng lượng nước mặt chảy đến, nước ngầm bổ sung vào, lượng nước do mưa cung cấp, ngoại trừ lượng nước được tái sử dụng trong hệ thống.
- Hệ số lợi dụng nguồn nước cho tưới: (Tổng lượng nước lấy vào hệ thống/Tổng lượng nước cần tưới cho cây trồng). Xác định: Tổng lượng nước lấy vào đầu hệ thống: Wbr, Tổng lượng nước cần tưới cho cây trồng: Wnet
- Khả năng vận chuyển nước của kênh: Khả năng chuyển nước của kênh tại đầu kênh. Lượng nước cần lấy vào đầu kênh
Lĩnh vực 2: Chi phí
- Tỷ suất lợi nhuận: (Tổng thu của toàn hệ thống/Tổng chi phí vận hành, bảo dưỡng). Xác định: Tổng thu: Chủ yếu là thu thủy lợi phí; Tổng chi phí vận hành, bảo dưỡng: Toàn bộ chi phí cho sự vận hành của hệ thống (tiền điện, tiền lương) cộng với chi phí sửa chữa bảo dưỡng hệ thống.
- Tỷ lệ chi phí bảo dưỡng: (Tổng chi phí cho sửa chữa/Tổng thu của toàn hệ thống). Xác định: Tổng chi phí cho bảo dưỡng: Số tiền được chi cho sửa chữa bảo dưỡng hệ thống kênh mương, sửa chữa máy móc, công trình.
- Tổng chi phí vận hành bảo dưỡng trên một đơn vị diện tích (đ/ha): (Tổng chi phí vận hành bảo dưỡng/Tổng diện tích phụ trách của hệ thống). Xác định: Tổng diện tích phụ trách của toàn hệ thống: Diện tích tưới thiết kế của hệ thống.
- Tổng chi phí trên mỗi nhân công: (Tổng chi phí nhân công/Tổng số nhân công). Xác định: Nhân công: bao gồm tất cả nhân công phục vụ trong hệ thống (tưới và tiêu)
- Hiệu quả thu phí: (Tổng tiền thu được/Tổng tiền theo hợp đồng)
- Số nhân công phụ trách một đơn vị diện tích (người/ha): (Tổng số nhân công/Tổng diện tích phụ trách của hệ thống).
- Giá thành 1m3 nước (đ/m3): (Tổng tiền thu được/Tổng lượng nước tưới đến mặt ruộng)
Nhóm 2: Hiệu quả sản xuất
- Tổng lượng lương thực thu được hàng năm (tấn): Tổng sản lượng tính bằng tấn của các loại cây trồng.
- Tổng giá trị hàng hóa nông nghiệp hàng năm (đ): Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp người sản xuất thu được hàng năm.
- Giá trị tổng sản phẩm trên một đơn vị diện tích (đ/ha): (Tổng giá trị hàng hóa nông nghiệp hàng năm/Tổng diện tích phụ trách của hệ thống).
- Giá trị tổng sản phẩm trên một đơn vị diện tích tưới (đ/ha): (Tổng giá trị hàng hóa nông nghiệp hàng năm/Tổng diện tích được tưới của hệ thống).
- Giá trị tổng sản phẩm trên một m3 nước đến (đ/m3): (Tổng giá trị hàng hóa nông nghiệp hàng năm/Tổng lượng nước lấy vào đầu hệ thống).
- Giá trị tổng sản phẩm trên một m3 nước dùng (đ/m3): (Tổng giá trị hàng hóa nông nghiệp hàng năm/Tổng lượng nước cây trồng đã dùng). Xác định: Tổng lượng nước cây trồng đã dùng: Lượng nước cây trồng dùng bù vào lượng bốc thoát hơi nước. Với lúa, lượng nước này không bao gồm lượng nước mất do thấm xuống sâu.
Nhóm 3: Chỉ tiêu về tác động môi trường
- Độ mặn của nước: Tính mặn của nước tưới và tiêu - BOD: BOD của nước tưới và tiêu
- COD: COD của nước tưới và tiêu
- Độ sâu mực nước ngầm (m): Độ sâu mực nước ngầm trung bình hàng năm trong hệ thống dựa vào quan sát trên vùng tưới.
- Thay đổi độ sâu mực nước ngầm theo thời gian (m): Sự thay đổi mực nước ngầm trong 5 phút gần nhất
- Cân bằng muối: Sự khác nhau về lượng muối vào và ra.