NCI và việc sàng lọc dược liệu kháng ung thư

Một phần của tài liệu KHẢO SÁT KHẢ NĂNG KHÁNG PHÂN BÀO IN VITRO CỦA MỘT SỐ CHỦNG NẤM LINH CHI GANODERMA LUCIDUM, GANODERMA COLOSSUM; NẤM VÂN CHI TRAMETES VERSICOLOR VÀ NẤM THƯỢNG HOÀNG PHELLINUS LINTEUS NUÔI TRỒNG Ở VIỆT NAM TRÊN MỘT SỐ DÒNG TẾ BÀO UNG THƯ (Trang 44 - 46)

Từ năm 1955, NCI (US National Cancer Institute) đưa ra việc sàng lọc các hợp chất có nguồn gốc thiên nhiên nhằm hỗ trợ cho các nhà nghiên cứu ung thư trên toàn thế giới. Cho đến tận năm 1985, chương trình sàng lọc của NCI vẫn chủ yếu dựa trên các nghiên cứu in vivo trên mẫu bệnh bạch cầu L1210 và P388 và các mẫu khối u có thể cấy ghép khác. Giữa năm 1985, NCI tiến hành kiểm tra tính khả thi của đề xuất sử dụng các dòng tế bào ung thư nuôi cấy in vitro để sàng lọc thuốc kháng ung thư. Sau đó, NCI phát triển hệ thống sàng lọc các chất có khả năng kháng phân bào thông qua xác định hoạt tính ức chế tăng sinh tế bào của các chất trên mô hình 60 dòng tế bào ung thư nuôi cấy in vitro ở người là ung thư sắc tố da, ung thư máu, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi, ung thư ruột, ung thư vú, ung thư buồng trứng, thận v.v…

NCI sử dụng 3 thử nghiệm xác định sự tăng sinh tế bào cho hệ thống sàng lọc mới này. Trong đó, có 2 thử nghiệm hoạt động trao đổi chất là MTT và XTT. Hai thử nghiệm này dựa vào sự khử muối tetrazolium không màu (MTT và XTT) tạo thành formazan có màu, chỉ có tế bào còn sống mới thực hiện được sự chuyển hóa này. Tuy nhiên, hai phương pháp này cũng có một vài điểm bất tiện, phương pháp MTT thì tạo ra formazan rất khó hòa tan, XTT thì khắc phục được nhược điểm này của phương pháp MTT nhưng cả hai đều giống nhau ở chổ phản ứng khử muối

tetrazolium hình thành màu dựa trên hoạt động của ty thể, cho nên những yếu tố như nồng độ NADH, glucose, sự biến động pH của môi trường nuôi cấy và một số yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến phản ứng tạo màu này [35],[77].

Chính vì những hạn chế của hai phương pháp trên mà phương pháp SRB được ưa chuộng hơn. Đây là thử nghiệm độc tế bào so màu sử dụng thuốc nhuộm protein và sinh khối. SRB là thuốc nhuộm thể hiện nhiều ưu điểm hơn các thuốc nhuộm protein khác nên được chọn [60]. Qua các thí nghiệm so sánh, cuối cùng NCI quyết định chọn SRB làm thử nghiệm sàng lọc ban đầu [77].

Một phần của tài liệu KHẢO SÁT KHẢ NĂNG KHÁNG PHÂN BÀO IN VITRO CỦA MỘT SỐ CHỦNG NẤM LINH CHI GANODERMA LUCIDUM, GANODERMA COLOSSUM; NẤM VÂN CHI TRAMETES VERSICOLOR VÀ NẤM THƯỢNG HOÀNG PHELLINUS LINTEUS NUÔI TRỒNG Ở VIỆT NAM TRÊN MỘT SỐ DÒNG TẾ BÀO UNG THƯ (Trang 44 - 46)