Nghiên cứu về hoạt tính sinh học và tác dụng dược lý

Một phần của tài liệu KHẢO SÁT KHẢ NĂNG KHÁNG PHÂN BÀO IN VITRO CỦA MỘT SỐ CHỦNG NẤM LINH CHI GANODERMA LUCIDUM, GANODERMA COLOSSUM; NẤM VÂN CHI TRAMETES VERSICOLOR VÀ NẤM THƯỢNG HOÀNG PHELLINUS LINTEUS NUÔI TRỒNG Ở VIỆT NAM TRÊN MỘT SỐ DÒNG TẾ BÀO UNG THƯ (Trang 39 - 43)

Tác dụng dược lý và một số nghiên cứu về tác dụng sinh học của nấm Linh chi

ƒ Nấm Linh chi Ganoderma lucidum

Trong các nhóm hợp chất của Ganoderma lucidum, hai nhóm chất có nhiều hoạt tính sinh học được quan tâm nhiều nhất là triterpene và polysaccharide. Nhóm triterpene có khả năng kháng lại các khối u, chúng trực tiếp gây độc tế bào ung thư hơn là thông qua hệ miễn dịch. Người ta cho rằng nhóm polysaccharide kháng ung thư gián tiếp bằng cách kích thích hệ miễn dịch hơn là trực tiếp gây độc lên tế bào khối u. Tuy nhiên, trong nhóm polysaccharide có một số chất không chỉ điều hòa miễn dịch mà còn có thể trực tiếp gây độc tế bào, một trong số đó là các polysaccharide liên kết protein (glycoprotein) [54].

Ganoderma lucidum có tính năng kích thích và điều biến hệ miễn dịch. Polysaccharide của Ganoderma lucidum với chức năng kích thích miễn dịch có thể cảm ứng sự biệt hóa monocytic leukemic cell thành dendritic cell [16]. Mặt khác, polysaccharide của Ganoderma lucidum còn làm tăng khả năng gây độc tế bào của cytotoxic T-lymphocyte đặc hiệu được cảm ứng bởi dendritic cell [15].

Ganoderma lucidum có khả năng chống khối u và không gây hại cho tế bào bình thường. Ganoderic acid thu nhận từ Ganoderma lucidum làm ngừng chu trình tế bào, ức chế sự phát triển của dòng tế bào ung thư gan BEL7402 ở người, nhưng lại không gây ảnh hưởng tương tự trên dòng tế bào gan bình thường L02 [69]. Dịch nước nóng hòa tan bào tử và quả thể của Ganoderma lucidum (ở dạng bột) ức chế sự di căn của ung thư vú và tuyến tiền liệt [61]. Mặt khác,

Ganoderma lucidum cũng ức chế sự tăng sinh của tế bào ung thư vú bằng cách điều hòa giảm bớt sự biểu hiện của estrogen receptor và tín hiệu NF-κB [38].

Ganoderma lucidum có tác dụng như 1 chất chống oxi hóa. Dịch chiết nước nóng của Ganoderma lucidum có tác dụng chống oxi hóa trên gan chuột [59]. Dịch chiết ethyl acetate, methanol và nước của Ganoderma lucidum có tác dụng tiêu diệt các gốc superoxide và hydroxyl [9].

Ganoderma lucidum có một số công dụng khác như hạ huyết áp, hạ mỡ trong máu. Trong Ganoderma lucidum có chứa các phân tử 26-oxygenosterol có hoạt tính chống lại sự tổng hợp cholesterol [7],[28]. Bên cạnh đó Linh chi còn có thêm một số công dụng như: hiệu quả giảm đường huyết, trị bệnh suy nhược thần kinh, làm giảm sự mỏi mệt, làm thuyên giảm bệnh viêm gan và phục hồi hoạt động của tế bào gan, và đặc biệt Linh chi có khả năng chống HIV [7].

ƒ Nấm Linh chi vàng Ganoderma colossum

Trong nghiên cứu của Peter Kleinwätchter (2000), 7 hợp chất colossolactone A-G của Linh chi vàng Ganoderma colossum có tác dụng kháng viêm và có khả năng gây độc các dòng tế bào ung thư HeLa, K-562, L-929 [42].

Theo nghiên cứu của Riham Salah El Dine và cộng sự, các colossolactone (V, VI, VII, VIII, E, G), schisanlactone A, ganomycin B và ganomycin I có khả năng ức chế protease HIV-1 (một enzyme có vai trò quan trọng trong sự sao chép của virus HIV-1) [21],[23].

Ngoài ra, dịch chiết cồn của Linh chi vàng còn có khả năng ngăn cản sự di căn của tế bào ung thư gan HepG2 bị cảm ứng bởi PMA (phorbol-12-myristate-13- acetate) [66].

Tác dụng tăng cường miễn dịch và điều trị ung thư của nấm Vân chi

Trong y học cổ truyền của Trung Quốc và Nhật Bản, quả thể nấm Vân chi được thu hái, phơi khô, tán thành bột và chế biến thành trà [19]. Hoạt chất chiết xuất từ nước nóng của nấm Vân chi được dùng để trừ thấp, tiêu nhọt, bổ phế và tăng lực. Trong cuốn y thư xuất bản dưới triều Minh có ghi: nấm Vân chi có tác dụng dưỡng thần, tăng sức, mạnh gân cốt. Nếu dùng Vân chi trong thời gian dài sẽ làm tăng sức khỏe và tuổi thọ.

Một số nghiên cứu về tác dụng sinh học của nấm Vân chi trên thế giới: Nấm Vân chi có khả năng điều hòa miễn dịch. Polysaccharopeptide của nấm Vân chi có khả năng điều hòa miễn dịch bằng cách cảm ứng sự sản xuất của interleukin-6, interferon, immunoglobulin-G, đại thực bào và tế bào lympho T. Nó

có tác dụng chống lại sự ức chế miễn dịch do hóa trị và xạ trị gây nên và do khối u gây ra [19].

Nấm Vân chi có khả năng gây độc tế bào in vitro, cảm ứng apoptosis trên tế bào ung thư. Một thử nghiệm cho thấy PSK ly trích từ dịch chiết nước nóng hệ sợi nuôi cấy của nấm Vân chi có khả năng trực tiếp gây độc in vitro trên 2 dòng tế bào ung thư chuột (B16, B9) và 5 dòng tế bào ung thư người (Ando-2, AGS, A-549, HeLa và Jurkat) với tỷ lệ gây độc tế bào từ 22% – 84%. PSK ức chế sự tăng sinh các dòng tế bào ung thư này bằng cách ngăn chặn chu trình tế bào và cảm ứng apoptosis. Thử nghiệm này cũng chứng minh rằng PSK có khả năng cảm ứng sự tăng sinh và hoạt hóa tế bào NK [50].

Trong nghiên cứu của C.B.S. Lau (2004) cho thấy, dịch chiết ethanol-nước (thành phần chính trong dịch chiết này là các polysacharide và triterpene ) của nấm Vân chi mọc hoang dại, với sự phụ thuộc vào nồng độ sử dụng, dịch chiết có tác động ức chế rất rõ sự tăng sinh trên cả 3 dòng tế bào HL-60, NB-4 và Raji bằng sự cảm ứng apoptosis. Tuy nhiên, dịch chiết không thể hiện độc tính trên dòng tế bào gan bình thường. Ngược lại, mitomycin C - một thuốc hóa học chống ung thư thì lại ức chế sự tăng sinh của tất cả các dòng tế bào mà không có sự chọn lọc, kể cả dòng tế bào gan bình thường. Những kết quả này cho thấy, khi so sánh với việc sử dụng thuốc chống ung thư hóa học thông thường, thì sử dụng dịch chiết nấm Vân chi vừa có tác dụng diệt khối u vừa lại không có ảnh hưởng gây độc trên tế bào bình thường [44].

Nghiên cứu trong nước về tác dụng sinh học của nấm Vân chi:

Năm 2006, PGS.TS. Bùi Thị Bằng và các cộng sự đã nghiên cứu một số hoạt tính sinh học của một số chủng nấm Vân chi (Trametes versicolor (L.) Fr. Pilat.) có nguồn gốc khác nhau. Kết quả nghiên cứu cho thấy cao chiết cồn từ chủng nấm Vân chi thu hái tại Việt Nam thể hiện độc tính cao nhất trên cả 2 dòng tế bào ung thư gan HepG2 và ung thư màng tử cung PL so với các chủng nấm Vân chi khác, ngược lại cao chiết nước của nó lại không thể hiện độc tính trên 2 dòng tế bào ung thư này. Polysaccharide chiết xuất từ chủng nấm Vân chi này và cao chiết cồn đều có tác

dụng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư sarcoma 180. Ngoài ra, polysaccharide của nó có tác dụng tăng cường miễn dịch trên mô hình gây suy giảm miễn dịch bằng cyclophosphamide, thể hiện trên 3 tác dụng: tăng số lượng bạch cầu, tăng số lượng hoa hồng mẫn cảm, tăng bạch cầu trung tính [2].

Một số nghiên cứu về tác dụng sinh học của nấm Thượng hoàng

Nấm Thượng hoàng có tác dụng kích thích hệ thống miễn dịch. Cũng như nấm Vân chi, polysaccharide là thành phần hoạt chất được quan tâm nhiều nhất ở nấm Thượng hoàng. Đa phần các nghiên cứu về tác dụng chống ung thư hay điều hòa miễn dịch của nấm Thượng hoàng đều xem polysaccharide là đối tượng nghiên cứu. Nhiều nghiên cứu cho thấy nó có tác dụng điều hòa hệ miễn dịch làm tăng sự hoạt động của tế bào B, đại thực bào và tế bào NK (natural killer cell); qua đó gián tiếp làm tăng hoạt động chống ung thư của hệ miễn dịch [40],[64].

Nấm Thượng hoàng cũng có khả năng chống ung thư in vitro bằng cách trực tiếp cảm ứng apoptosis hoặc gián tiếp thông qua hệ thống miễn dịch. Kết quả cho thấy, polysaccharide của nấm Thượng hoàng có tác dụng kháng phân bào, gây apoptosis, ức chế sự phát triển của khối u hay hạn chế sự di căn của tế bào ung thư [27],[30],[46]. Có nghiên cứu cho thấy ở liều tương đối thấp (<500 µg/ml), polysaccharide của nấm Thượng hoàng không cảm ứng apoptosis [18], nhưng khi được sử dụng ở liều cao (750-1000 µg/ml) nó có thể cảm ứng apoptosis trên một số dòng tế bào ung thư [27],[71]. Cũng có nghiên cứu chứng mình rằng ở nồng độ thấp, tuy polysaccharide của Thượng hoàng không trực tiếp gây ra apoptosis nhưng nó có tác dụng kích thích khả năng tiêu diệt khối u của hệ thống miễn dịch [30]. Polysaccharide chiết xuất từ nấm Thượng hoàng khi phối hợp với các thuốc chữa ung thư thường làm tăng tác dụng điều trị của thuốc [18], [30]. Một điều quan trọng là sự phối hợp này không cảm ứng apoptosis ở tế bào bình thường [18],[27].

Ngoài polysaccharide, dịch chiết bằng dung môi hữu cơ (ethyl acetat) của nấm Thượng hoàng cũng thể hiện khả năng kháng phân bào và trực tiếp cảm ứng

apoptosis trên dòng ung thư HT-29 [53]. Dịch chiết phân đoạn n-BuOH của Thượng hoàng thì có tác dụng kháng viêm [41].

Kazuo Kojima và cộng sự (2007) đã tìm ra phellifuropyranon A - một hợp chất furopyranon mới được tách ra từ Phellinus linteus hoang dại. Phellifuropyranon A cùng với meshimakobnol A và meshimakobnol B cho thấy có tác dụng kháng lại sự tăng trưởng của tế bào u hắc sắc tố chuột và tế bào ung thư phổi người in vitro [43].

Một phần của tài liệu KHẢO SÁT KHẢ NĂNG KHÁNG PHÂN BÀO IN VITRO CỦA MỘT SỐ CHỦNG NẤM LINH CHI GANODERMA LUCIDUM, GANODERMA COLOSSUM; NẤM VÂN CHI TRAMETES VERSICOLOR VÀ NẤM THƯỢNG HOÀNG PHELLINUS LINTEUS NUÔI TRỒNG Ở VIỆT NAM TRÊN MỘT SỐ DÒNG TẾ BÀO UNG THƯ (Trang 39 - 43)