Biện pháp phòng chống dịch chuyển đất đá trên sườn dốc, mái dốc

Một phần của tài liệu luận án tiến sĩ nghiên cứu hiện tượng dịch chuyển đất đá trên sườn dốc vùng đồi núi quảng trị thừa thiên huế, đề xuất phương pháp dự báo và phò (Trang 30)

11. Lời cảm ơn

1.2.4.Biện pháp phòng chống dịch chuyển đất đá trên sườn dốc, mái dốc

Để loại trừ hoặc giảm thiểu nguy cơ dịch chuyển trọng lực đất đá ở các SD, MD, ở nước ta và vùng nghiên cứu đã áp dụng nhiều giải pháp mà thế giới đã và đang sử dụng: Điều tiết dòng chảy mặt (san phẳng mặt dốc, xây dựng hệ thống rãnh đỉnh kết hợp với dốc nước, trồng cây, cỏ chống xói mòn đất v.v..); tháo khô đất đá chứa nước bằng lỗ khoan hút nước, hầm hào tháo khô v.v..; phân bố lại khối đất đá (phân bố lại ứng suất trọng lực) bằng biện pháp gọt đầu đắp chân MD; chống hoạt động xói lở của sông, suối bằng kè áp mái hộ bờ, mỏ hàn v.v..; gia cố đất đá SD

hoặc MD bằng công trình tường chắn và neo giữ; cải tạo TCCL đất đá... Nói chung, công nghệ, thiết bị xử lý dịch chuyển trọng lực đất đá ngày càng đa dạng, hiện đại và hiệu quả hơn. Tuy vậy, bên cạnh nhiều phương pháp xử lý đã cơ bản ngăn chặn được trượt lở, đảm bảo ổn định SD hoặc MD, vẫn còn không ít giải pháp công trình phòng chống đầu tư lớn mà hiệu quả không như mong muốn.

Trong những năm gần đây, một số đề tài, dự án nghiên cứu khá toàn diện về hiện tượng trượt lở đất đá dựa trên các quan điểm tiếp cận và phương pháp khác nhau đã được triển khai thực hiện.

Đề tài “Nghiên cứu, đánh giá tổng hợp các loại hình tai biến địa chất trên lãnh thổ Việt Nam và các giải pháp phòng tránh”, (Giai đoạn 1 phần Bắc Trung Bộ) do Trần Trọng Huệ làm chủ nhiệm đã tập trung nghiên cứu, đánh giá 7 loại tai biến địa chất quan trọng, trong đó có tai biến TLĐĐ. Tác giả đề tài đã tập trung đánh giá hiện trạng, qui mô phát triển và những thiệt hại do các tai biến địa chất gây ra ; phân tích nguyên nhân và cơ chế hình thành tai biến TLĐĐ. Đề tài đã sử dụng tư liệu ảnh viễn thám và GIS để xây dựng bản đồ tai biến trượt lở đất đá và lũ quét, trên cơ sở đó dự báo sự phát triển của tai biến và kiến nghị các giải pháp phòng tránh giảm nhẹ thiệt hại [29].

Trần Tân Văn (2004) đã triển khai đề tài “Nghiên cứu, đánh giá điều kiện địa chất, kiến tạo và các yếu tố liên quan tới tai biến địa chất, môi trường dọc một số đoạn trên tuyến đường HCM”. Đề tài này tập trung nghiên cứu các nguyên nhân và hiện trạng trượt lở đất đá và lũ quét ở một số đoạn trên tuyến đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2004 - 2005. Kết quả của đề tài là cơ sở khoa học giúp cho công tác dự báo về trượt lở đất đá và lũ quét ở vùng nghiên cứu [79].

Đậu Văn Ngọ và nnk (2004) thực hiện đề tài “Nghiên cứu các tai biến địa chất SD dọc đường HCM (khu vực Tây Nguyên), kiến nghị các giải pháp ngăn ngừa, phòng chống”. Đề tài tập trung phân tích nguyên nhân gây mất ổn định mái dốc đường HCM và xây dựng mô hình tính toán ổn định mái dốc đường thông qua các số liệu thực địa và trong phòng, từ đó dự báo trượt lở đất và lũ quét.

Nguyễn Trọng Yêm (2006) tiến hành đề tài “Nghiên cứu đánh giá trượt lở, lũ quét - lũ bùn đá một số vùng nguy hiểm ở miền núi Bắc Bộ, kiến nghị các giải

pháp phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại”, trong đó gồm các đề tài nhánh “Nghiên cứu đánh giá trượt lở, lũ quét - lũ bùn đá tại vùng trọng điểm Lào Cai (huyện Bát Xát, Sa Pa và thành phố Lào Cai) và kiến nghị các giải pháp phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại”; “Nghiên cứu đánh giá trượt lở, lũ quét - lũ bùn đá lưu vực Nậm Lay, Nậm Rốn, tỉnh Điện Biên”; “Nghiên cứu đánh giá trượt lở, lũ quét - lũ bùn đá ở huyện Yêm Minh, huyện Hoàng Su Phì và huyện Xí Mần, tỉnh Hà Giang”. Các đề tài này đã đưa ra một cái nhìn tổng thể về tình hình TLĐĐ và lũ quét ở vùng núi phía Bắc Việt Nam trên cơ sở đánh giá tổng hợp, phân tích nguyên nhân, quy luật phân bố theo không gian và dự báo nguy cơ phát sinh trượt lở và lũ bùn đá ở vùng đồi núi Bắc Bộ. Đề tài đã tiến hành phân vùng nguy cơ (dự báo) trượt lở, lũ quét - lũ bùn đá một số vùng nguy hiểm ở vùng núi Bắc Bộ. Kết quả nghiên cứu phản ánh khá trực quan các tai biến địa chất SD trên lãnh thổ Việt Nam [87], [88].

Trần Tân Văn (2006) nghiên cứu đề tài “Khảo sát, đánh giá hiện trạng, nguy cơ TLĐĐ trên một số đoạn trên tuyến đường HCM, Quốc lộ 1A và đề xuất biện pháp xử lý đảm bảo an toàn giao thông, sản xuất, sinh hoạt của các vùng dân cư”. Đề tài tiến hành nghiên cứu hiện trạng, nguy cơ, nguyên nhân TLĐĐ trên đường HCM và QL 1A, nêu lên các đặc điểm địa chất bất lợi và đưa ra các giải pháp xử lý, khắc phục hậu quả TLĐĐ nhằm giảm thiểu thiệt hại do chúng gây ra [82].

Tạ Đức Thịnh (2007) với đề tài “Nghiên cứu quy luật hình thành và phát triển các tai biến địa chất (lũ quét, trượt lở) tại các huyện miền núi tỉnh Bắc Giang làm cơ sở khoa học định hướng chiến lược quy hoạch phát triển bền vững KT-XH”. Tác giả đã làm rõ khả năng phát sinh, phát triển trượt lở, lũ quét ở tỉnh Bắc Giang, đã XD hệ thống chỉ tiêu đánh giá, dự báo và phân vùng trượt lở, lũ quét bằng phần mềm ILLWIS 3.4, từ đó đưa ra các giải pháp phòng chống thích hợp, có hiệu quả [67].

Đoàn Ngọc Toản thực hiện đề tài “Hiện trạng sạt lở đường HCM khu vực đèo Lò Xo và kiến nghị các giải pháp phòng chống”. Tác giả đã thống kê và đưa ra các điểm sạt lở tiêu biểu trong khu vực nghiên cứu, đánh giá và phân tích các điều kiện tự nhiên và nhân tạo có ảnh hưởng trực tiếp đến sự mất ổn định mái dốc bằng phần mềm SLOPE/WV.5 và kiến nghị giải pháp khắc phục hiện tượng sạt lở.

Trên quan điểm tiếp cận hệ thống, sử dụng GIS và các phần mềm chuyên dụng, cùng với việc phân tích, đánh giá các yếu tố chủ yếu chi phối TLĐĐ, tiến hành xác định trọng số cho từng lớp dữ liệu và ảnh hưởng của từng loại dữ liệu đầu vào, sau đó tích hợp GIS theo mô hình phân tích yếu tố mà không sử dụng mô hình toán học, Nguyễn Trọng Yêm, Nguyễn Quốc Thành, và Phạm Văn Hùng đã xây dựng được BĐ phân vùng tai biến TLĐĐ. Từ đó, đưa ra các giải pháp phòng tránh giảm thiểu thiệt hại do trượt lở đất đá gây ra [33],[59],[86].

Hiện nay, dự án hợp tác giữa Bộ GTVT và JICA “Phát triển công nghệ đánh giá rủi ro do trượt đất dọc các tuyến giao thông chính tại Việt Nam” do Viện KH & CN GTVT chủ trì và Đề án "Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ TLĐĐ các vùng miền núi Việt Nam" (2012 - 2020), do Viện Khoa học ĐC & KS chủ trì mới triển khai, hứa hẹn sẽ cung cấp những luận cứ khoa học thuyết phục về TLDĐ dọc các tuyến giao thông chính và ở vùng núi Việt Nam.

Vùng đồi núi nghiên cứu là một trong những vùng chịu sự tác động mạnh mẽ của quá trình DCĐĐ trên SD, MD do tác động của BĐKH với những trận mưa rất to, kéo dài và ảnh hưởng của hoạt động KT - XD ngày một gia tăng, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản của nhân dân. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có một công trình nào nghiên cứu một cách có hệ thống, chi tiết, chưa XD được CSDL và thành lập BĐ cảnh báo nguy cơ DCĐĐ để đề xuất giải pháp phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại do quá trình DCĐĐ gây ra ở vùng này. Một số công trình nghiên cứu có thể kể đến là:

. Hoàng Anh Tuấn, 2008, “ Nghiên cứu tai biến trượt đất đá vùng đồi núi Thừa Thiên - Huế”, Luận văn Thạc sĩ Địa chất, Đại học Huế [72].

. Nguyễn Thành Long, “Landslide susceptibility mapping of the mountainous area in Aluoi district, ThuaThienHue province, VietNam”, Luận án Tiến sĩ 2008.

. Nguyễn Thám và nnk, 2012: “Nghiên cứu XDBĐ nguy cơ lũ quét và trượt lở đất ở tỉnh Quảng Trị và đề xuất các giải pháp phòng tránh”. Đề tài đã nghiên cứu, đánh giá hiện trạng và XD hệ thống các chỉ tiêu ảnh hưởng đến quá trình trượt lở và lũ quét, từ đó tích hợp vào mô hình trọng số GIS để XDBĐ phân vùng nguy cơ lũ quét và trượt lở đất ở tỉnh Quảng Trị.

Trên cơ sở phân tích lý thuyết và thực tiễn nghiên cứu, khảo sát nhiều năm về hiện tượng trượt lở và tổng quan về tình hình nghiên cứu, phòng chống các quá trình DCĐĐ trên SD, MD trên thế giới và ở nước ta đã trình bày ở trên, có thể thấy rằng, hiện tượng dịch chuyển đất đá trên SD, MD được nghiên cứu chủ yếu ở các tỉnh miền Bắc của nước ta với tỷ lệ nhỏ; công tác dự báo quá trình dịch chuyển đất đá trên SD, MD và đề xuất các phương án phòng chống có hiệu quả cho từng vùng cụ thể còn rất hạn chế. Trong khi đó, trước yêu cầu của thực tiễn cuộc sống, trên quan điểm của địa chất công trình hiện đại thì tai biến trượt lở đất đá phải được nghiên cứu một cách hệ thống, toàn diện để từ đó đề xuất được những giải pháp phòng chống có hiệu quả hơn.

Những thành tựu, kinh nghiệm nghiên cứu, phòng chống quá trình dịch chuyển trọng lực đất đá trên sườn dốc trên thế giới và ở Việt Nam nêu trên sẽ hỗ trợ cho tác giả định hướng nghiên cứu, hoàn thiện phương pháp luận và cách tiếp cận nghiên cứu để giải quyết trọn vẹn mục tiêu của đề tài luận án.

Chương 2

Một phần của tài liệu luận án tiến sĩ nghiên cứu hiện tượng dịch chuyển đất đá trên sườn dốc vùng đồi núi quảng trị thừa thiên huế, đề xuất phương pháp dự báo và phò (Trang 30)