Chất lượng thẩm định dự án chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi thông tin và chất lượng thu thập, xử lý thông tin. Mặc dù khi chủ đầu tư lập dự án đầu tư xin vay cũng đã tiến hành thu thập thông tin, tuy nhiên, đối với công tác thẩm định của ngân hàng, việc thu thập thông tin, thẩm định dự án là một công việc bắt buộc và vô cùng quan trọng. Các dự án đầu tư xin vay hoặc là không đủ thông tin để dự kiến chính xác các yếu tố tính toán của dự án hoặc là được cố ý "xếp đặt, dàn xếp" cho có tính khả quan, lạc quan để tranh thủ sự chấp thuận cho vay vốn. Do đó nếu ngân hàng không có đầy đủ thông tin, chính xác để thẩm định trước khi cho vay thì rủi ro không thu hồi được vốn đúng hạn hoặc mất vốn sẽ rất lớn. Thẩm định cần một khối lượng thông tin phong phú hơn, chi tiết hơn và chính xác hơn.
Xuất phát từ thực tế hiện nay trong công tác thẩm định dự án tại Trụ sở chính NHNo&PTNTVN, luận văn cho rằng vấn đề thu thập, xử lý thông tin trong quá trình thẩm định cần: (1) Xác định rõ những thông tin cần phải thu thập phục vụ cho việc thẩm định; (2) Khai thác, xử lý tốt các loại thông tin.
gồm các loại sau:
- Thông tin về tình hình tài chính của doanh nghiệp, chủ đầu tư như: Tính minh bạch về tài chính, hạch toán kế toán, công nợ, hàng hóa kém mất phẩm chất… Đặc biệt chú ý đến quan hệ tín dụng với các tổ chức tín dụng, chất lượng tín dụng, nợ vay phải cơ cấu lại, nợ quá hạn, nợ vay theo nhóm khách hàng, ngành hàng.
- Thông tin về tính năng, đặc điểm hoạt động của máy móc thiết bị, công nghệ sản xuất… để đánh giá công suất, sản lượng bảo đảm cho doanh thu dự án cũng như góp phần thẩm định chi phí sản xuất kinh doanh (vì công suất máy móc thiết bị càng lớn thì khả năng hạ giá thành càng nhiều).
- Thông tin về thị trường tiêu thụ sản phẩm, đối thủ cạnh tranh, thị trường nguyên liệu… để thẩm định giá cả tiêu thụ sản phẩm, chi phí sản xuất kinh doanh, doanh thu.
- Thông tin về biến động giá cả, tỷ giá hối đoái để bổ sung cho việc thẩm định giá bán sản phẩm, chi phí sản xuất kinh doanh, xác định lãi suất tiền vay ngân hàng (đây là cơ sở cho việc xác định lãi suất chiết khấu).
- Thông tin có tính bao quát như chính sách đầu tư, chính sách thuế nhập khẩu.
Ngoài ra, cần nắm bắt các thông tin về cơ chế quản lý vĩ mô, chính sách pháp luật, quy hoạch phát triển, bối cảnh kinh tế chung tác động đến dự án như lộ trình tự do hóa thương mại khi Việt Nam gia nhập WTO…
(2) Về khai thác, xử lý các loại thông tin. Hệ thống ngân hàng lâu nay đã quan tâm xây dựng hệ thống thông tin phòng ngừa rủi ro. Song, hệ thống này chỉ cung cấp thông tin về khách hàng như tình hình tài chính, dư nợ… nên có hạn chế nhất định. Để khắc phục tình trạng này, luận văn cho rằng: Một mặt ngân hàng cần tăng cường hoàn thiện về hệ thống này. Mặc khác, ngân hàng cần phải nghiên cứu chọn lựa, khai thác đầy đủ các loại thông tin đầy đủ
chính xác, hiệu quả nhất qua các kênh thông tin;
- Kênh thông tin về định mức kinh tế kỹ thuật, suất đầu tư của ngành chuyên môn, quản lý Nhà nước… thuộc lĩnh vực mà dự án đang đầu tư (ngành công nghiệp, ngành đánh bắt hải sản, ngành tiểu thủ công nghiệp, ngành khách sạn du lịch…).
- Kênh thông tin của các cơ quan quản lý chức năng (thống kê, tài chính, thuế…).
- Kênh thông tin từ các báo cáo, nghiên cứu và hội thảo khoa học chuyên đề về từng ngành nghề, các dự án cùng loại.
- Kênh thông tin về những vấn đề có tính vĩ mô có thể ảnh hưởng đến dự án đầu tư như tình hình thị trường tiền tệ, tình hình xuất nhập khẩu…
- Kênh thông tin của các phương tiện truyền thông, tin tức như báo chí, truyền hình… đặc biệt chú ý khai thác các thông tin qua mạng nội bộ NHNo, qua Trung tâm thông tin tín dụng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, qua mạng Internet… (việc tạo ra nhu cầu khai thác và sử dụng tải qua mạng là điều quan trọng và phổ biến).