Xây dựng Tập đoàn Công nghiệp – Xây dựng và Cơ khí nặng Việt Nam thành một Tập đoàn kinh tế mạnh, đa ngành nghề, đa sở hữu, hoạt động sản xuất kinh doanh trên nhiều lĩnh vực quan trọng của xã hội, có quy mô tài chính lớn, có đội ngũ cán bộ công nhân lành nghề, có trình độ khoa học, kỹ thuật, công nghệ sản xuất và quản lý hiện đại làm nền tảng cho việc nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.
Mục tiêu cụ thể
Tập đoàn Công nghiệp – Xây dựng và Cơ khí nặng Việt Nam là một Tập đoàn kinh tế Nhà nước, kinh doanh đa ngành các mặt hang quan trọng của xã hội, cơ cấu sản phẩm của Tập đoàn được xác định dựa trên 5 trục cính là: xây lắp, sản xuất công nghiệp, kinh doanh bất động sản, đầu tư tài chính và lắp máy. Ngoài ra, để phát huy hết tiềm năng sẵn có và tận dụng thời cơ Tập đoàn sẽ chủ động tìm kiếm cơ hội để vươn ra sản xuất kinh doanh nhiều mặt hàng mới có tính kinh tế và hiệu quả cao.
*Về xây lắp: Hiện nay, Tập đoàn triển khai thi công xây lắp rất đa dạng, ngoài các ngành nghề chính là xây lắp các công trình thuỷ điện, công trình ngầm, công trình công nghiệp dân dung, lắp đặt thiết bị thuỷ điện; ngoài ra còn mở rộng các công trình giao thông, công trình hạ tầng khác.
- Xây lắp các công trình công nghiệp, dân dụng, hạ tầng
Với lực lượng cán bộ, công nhân xây dựng trên 15 nghìn người có năng lực và tay nghề cao do đã gắn bó với nghề xây dựng hàng chục năm nên đây được xem là một mũi nhon trong chiến lược phát triển lâu dài của Tập đoàn. Hiện tại, giá trị kinh doanh xây lắp công trình công nghiệp, dân dụng, hạ tầng
chiếm tỉ trọng 30% - 35% doanh thu xây lắp của Tập đoàn. Thời gian tới lĩnh vực này vẫn được giữ vững và phát triển tới mức độ cao hơn cả về quy mô và chất lượng.
- Xây lắp các công trình thuỷ điện
Đây là lĩnh vực mũi nhọn của Tập đoàn đã được hình thành và phát triển hơn 45 năm nay, đã trực tiếp xây dựng tất cả các công trình thuỷ điện lớn của đất nước như Thuỷ điện Thác Bà, Trị An, Hoà Bình, Yaly, Sê San 3, Sê San 3A, Bản Vẽ, Pleikrông, Nậm Chiến, Xê Ka Mản 3, đặc biệt là Thuỷ điện Sơn LA, Huội Quảng… Tỷ trọng xây lắp ở các công trình thuỷ điện của Tập đoàn chiếm 80% trong lĩnh vực xây lắp của cả nước.
Để chi phối thị trường xây dựng thuỷ điện, hiện nay Tập đoàn đã có đủ năng lực với các mặt: Với hơn 30.000 cán bộ, công nhân viên có trình độ tay nghề cao trong quản lý và thi công, với hơn 1.000 kỹ sư tư vấn các loại có trình độ kỹ thuật công nghệ cao, hợp tác chặt chẽ với các hãng tư vấn của nước ngoài (Canada, Thuỵ Điển, Nga, Ucraina…), cùng với lực lượng xe máy thiết bị chuyên ngành hiện đại, hùng hậu có khả năng làm tổng thầu EPC hoặc thi công đảm bảo chất lượng và tiến độ các công trình thuỷ điện quy mô lớn ở trong nước và nước ngoài.
Trong thời gian tới Tập đoàn sẽ dành ưu tiên mọi mặt để nâng cao hơn nữa năng lực xây lắp thuỷ điện, bảo đảm duy trì chi phối 80% thị trường trong nước, tiến tới nhận thầu xây lắp hoặc tổng thầu EPC các dự án thuỷ điện ở nước ngoài.
- Xây lắp các công trình ngầm
Đây cũng là ngành nghề mũi nhọn chi phối 75% tỷ trọng công việc của thị trường trong nước. Hầu hết các công trình ngầm lớn của Việt Nam từ trước tới nay đều do các đơn vị của Tập đoàn thực hiện như Thuỷ điện Yaly, Hoà Bình, Sông Hinh, Nậm Chiến, Xê Ka Mản 3, đường hầm Hải Vân, đèo
Ngang… Hiện nay Tập đoàn có 4.500 cán bộ, công nhân viên, cán bộ kỹ thuật thi công, cán bộ tư vấn có trình độ kỹ thuật - công nghệ cao kết hợp với nhiều tổ hợp máy móc hiện đại, chuyên ngành, là lực lượng chính đang thi công các dự án trong và ngoài nước. Tập đoàn xác định trong tương lai xây lắp các công trình ngầm là một trong những ngành nghề chủ yếu.
Ngoài ra để thích ứng với thị trường và phát huy khả năng hiện có trong thi công các công trình ngầm, Tập đoàn đang nghiên cứu chuyển hướng mở rộng phạm vi hoạt động sang lĩnh vực giao thông đô thị như tàu điện ngầm, các công trình dưới mặt đất của thành phố…
- Gia công xây lắp cơ khí
Với đội ngũ 10.000 cán bộ, công nhân viên cơ khí có tay nghề cao đã thi công nhiều công trình quan trọng quốc gia về công nghiệp bao gồm cả thiết kế, chế tạo, lắp đặt, hiệu chỉnh thiết bị, chiếm khoảng 15% tỷ trọng lĩnh vực hoạt động này của cả nước. Tập đoàn xác định đây là ngành nghề chính trong hoạt động xây lắp nên sẽ tập trung đầu tư về mọi mặt để trước mắt tự thực hiện gia công, lắp đặt tất cả các dự án đầu tư của Tập đoàn và dần dần vươn lên chiếm một thị phần đáng kể trong nước.
Về tổng thể, để nâng cao thị phần và năng lực cạnh tranh, hiệu quả SXKD trong lĩnh vực xây lắp, Tập đoàn xác định hướng đi một cách hợp lý, xây dựng đội ngũ cán bộ công nhân lớn mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng, đầu tư thiết bị và công nghệ mới để trong thời gian ngắn nhất không những chiếm lĩnh thị trường trong nước mà còn vươn ra thị trường khu vực và quốc tế.
- Lắp máy
Với đội ngũ cán bộ, công nhân viên có nhiều năm kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao, chuyên lắp đặt các thiết bị siêu trường, siêu trọng cho nhà máy thuỷ điện, nhiệt điện, khu công nghiệp… Đây là một trong những ngành nghề mà Tập đoàn cũng hết sức quan tâm phát triển.
*Về sản xuất công nghiệp
Đây là một trong những ngành nghê chủ yếu trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn. Tuy vậy, hiện nay tỷ trọng lĩnh vực hoạt động này chỉ chiếm khoảng 20% - 25% tổng doanh thu. Do đó, nhiệm vụ trước mắt của Tập đoàn là ưu tiên đặc biệt để lĩnh vực sản xuất công nghiệp phát triển mạnh mẽ, dự kiến đến năm 2010 đạt 25% - 30% và đến 2020 đạt 40% doanh thu, bao gồm các ngành nghề:
- Sản xuất điện
Hiện nay đã có 12 nhà máy đi vào hoạt động, đang triển khai, chuẩn bị đầu tư hơn 24 nhà máy với tổng công suất lên đến 3.000MW. Dự kiến đến năm 2010 sẽ sản xuất trên 5 tỷ KWh điện cung cấp cho đất nước. Về lâu dài, đây là ngành nghề rất quan trọng, nó gắn liền với sự phát triển của Tập đoàn. Tập đoàn sẽ xây dựng định hướng chiến lược phát triển ngành điện trong thời gian tới của mình và đầu tư vào thuỷ điện, nhiệt điện, địa điện, điện nguyên tử với tỷ trọng từ 15% - 20% điện cả nước.
- Công nghiệp khai khoáng và chế biến khoáng sản
Tập đoàn đã liên kết với các đơn vị chuyên ngành và đã được Chính phủ đồng ý để đầu tư vào khai thác mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh), mỏ sắt, mỏ kali ở Hạ Lào (Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào), mỏ boxit nhôm ở Tây Nguyên. Tập đoàn cũng đã liên kết với một số đơn vị trong nước khai thác khoáng sản như kali, muối mỏ, sắt. Khai khoáng và chế biến khoáng sản sẽ là một ngành nghề sản xuất quan trọng của Tập đoàn.
- Sản xuất vật liệu xây dựng
Ngành xây dựng nước ta đang phát triển rất mạnh mẽ. Do vậy, yêu cầu về vật liệu xây dựng ngày càng tăng cao, đặc biệt là sắt thép và xi măng. Các dự án hiện nay cho phép đến 2010 Tập đoàn có công suất sản xuất 3 triệu tấn clinke và xi măng, gần 1 triệu tấn sắt thép… chiếm từ 10% - 15% thị phần cả nước.
- Ngành công nghiệp chế tạo
Với số lượng hơn 10 nghìn cán bộ công nhân cơ khí có trình độ kỹ thuật cao, đang sản xuất hàng năm hơn 50 nghìn tấn thiết bị cùng với đội ngũ cán bộ có tay nghề cao trong chế tạo, lắp đặt thiết bị: Nhà máy thuỷ điện, nhà máy xi măng, dầu khí. Đây là lĩnh vực quan trọng hỗ trợ công tác đầu tư, công tác xây dựng nó là cột trụ chính trong sự phát triển kinh tế của Tập đoàn. Ngành này chế tạo được 70% các thiết bị nhà máy thuỷ điện, nhiệt điện và gia công cơ khí xây dựng khác.
- Về may mặc (gồm may quần áo xuất khẩu, may vỏ bao công nghiệp, vỏ bao xi măng, vỏ bao sản xuất phân đạm…)
Với lợi thế đã có cơ sở vật chất, con người và kinh nghiệm hoạt động trong thời gian qua, hiện tại mỗi năm sản xuất hàng chục triệu sản phẩm tiêu thụ trên thị trường nội bộ trong và ngoài nước. Đây là một ngành nghề có tác dụng tổng hợp, giúp Tập đoàn xử lý lao động rất hiệu quả.
*Ngành dịch vụ
- Đầu tư kinh doanh nhà, đô thị và hạ tầng khu công nghiệp
Lĩnh vực này nhiều đơn vị trong Tập đoàn đã kinh doanh và có nhiều năm kinh nghiệm trong quản lý điều hành thực hiện dự án với lợi thế, hiệu quả cao, gắn liền với ngành nghề xây dựng , giải quyết tốt việc làm cho CBCNV. Hiện nay, kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng từ 10 – 15% doanh thu, 30 – 40% lợi nhuận của các đơn vị. Hiện tại đã có gần 50 dự án đã được Tập đoàn đầu tư với diện tích hơn 30 triệu m2 đất. Đây là ngành nghề rất quan trọng trong hoạt động kinh tế của Tập đoàn. Vì vậy trong thời gian tới Tập đoàn sẽ tập trung mở rộng đầu tư về mọi mặt, đặc biệt là về quy mô và công nghệ để tạo thành một thương hiệu lớn của đất nước.
- Dịch vụ đào tạo xuất khẩu lao động và xuất nhập hang hoá vật tư thiết bị khác
Đa số các đơn vị trong Tập đoàn đều hoạt động trong lĩnh vực đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng, xây lắp, gia công cơ khí… nên có nhu cầu lớn về mua bán vật tư thiết bị. Các đơn vị đều có tổ chức các bộ phận chuyên ngành để thực hiện công việc này. Hiện tại doanh thu đạt khoảng 1.200 tỷ đồng (xấp xỉ 66,7 triệu USD). Thời gian tới nhu cầu trao đổi hàng hoá rất lớn nên Tập đoàn sẽ tổ chức thành lập một Công ty riêng để điều tiết, điều phối hoạt động trong nội bộ và mở ra thị trường trong nước cũng như nước ngoài. Dự kiến năm 2010 giá trị kinh doanh dịch vụ này đạt khoảng 3.200 tỷ đồng (xấp xỉ 177,8 triệu USD).
Công tác xuất khẩu lao động cũng đã được triển khai mạnh mẽ, đã co trên 12.000 lao động làm việc ở nước ngoài với doanh thu khoảng 20 tỷ đồng (13,3 triệu USD). Dự kiến đến năm 2010 sẽ có trên 20.000 lao động làm việc ở nước ngoài với giá trị doanh thu khoảng 450 tỷ đồng (xấp xỉ 25 triệu USD).
- Dịch vụ tư vấn
Đây là lĩnh vực mà Tập đoàn rất chú trọng đầu tư. Hiện tại đã có một hệ thống tư vấn thiết kế, tư vấn đầu tư quan trọng nhất là tư vấn về thuỷ điện gồm 3 Công ty trong nước và liên doanh nước ngoài với trên 1.000 CBCNV đạt doanh thu khoảng 150 tỷ đồng/năm. Đến năm 2010 giá trị doanh thu sẽ đạt khoảng 300 tỷ đồng. Thời gian tới Tập đoàn sẽ đầu tư thêm vào lĩnh vực tư vấn tài chính, tăng cường chất lượng công tác tư vấn khác, liên doanh, liên kết với các đơn vị tư vấn nước ngoài để phát triển đồng bộ và vững chắc hơn.
- Dịch vụ tài chính, bảo hiểm
Là doanh nghiệp với doanh thu hàng chục nghìn tỷ đồng/năm nên lĩnh vực này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong hoạt động của Tập đoàn. Nó sẽ chủ động giải quyết vốn cho yêu cầu sản xuất kinh doanh, yêu cầu đầu tư và
các hoạt động khác. Để giải quyết tốt việc này Tổng công ty Sông Đà đã cùng các đơn vị khác tham gia thành lập Công ty cổ phần Tài chính Sông Đà. Thời gian tới Tập đoàn sẽ phối hợp với các doanh nghiệp khác thành lập Công ty cổ phần Bảo hiểm Sông Đà.
Ngoài ra để nâng cao hiệu quả SXKD và giảm bớt rủi ro, các đơn vị cuat Tập đoàn Sông Đà đã tham gia đầu tư tài chính vào nhiều dự án có hiệu quả cao như: sản xuất điện, sản xuất thép, sản xuất phân bón, dự án hạ tầng, cảng biển, dự án trồng cao su…
- Dịch vụ du lịch, khách sạn
Các đơn vị trong Tập đoàn có cơ sở hầu hết ở các thành phố lớn, các khu du lịch quan trọng của đất nước. Đây là lợi thế để Tập đoàn phát triển kinh doanh dịch vụ du lịch, khách sạn. Hiện tại đã có các cơ sở ở Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hoà, thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu. Trong thời gian tới sẽ đầu tư vào các địa bàn mới như khu nghỉ dưỡng Tam Đảo II (Vĩnh Phúc), Sầm Sơn (Thanh Hoá), Vân Phong (Khánh Hoà) tạo nên một chuỗi hệ thống dịch vụ du lịch, khách sạn đồng bộ từ Bắc vào Nam với giá trị doanh thu hàng năm chiếm 16 – 20% giá trị dịch vụ của Tập đoàn.