Hoàn thiện công tác quản trị rủi ro cho vay đối với cá nhân

Một phần của tài liệu Giải pháp phát triển dịch vụ cho vay cá nhân tại Chi nhánh Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Đà Nẵng giai đoạn 2011 - 2015 (Trang 37)

+ Nhận diện rủi ro:

Rủi ro tín dụng là loại rủi ro phát sinh do khách nợ không còn khả năng chi trả. Trong hoạt động ngân hàng, rủi ro cho vay xảy ra khi khách hàng vay nợ có thể mất khả năng trả nợ một khoản vay nào đó. Lưu ý rằng trong hoạt động tín dụng, khi ngân hàng thực hiện nghiệp vụ cấp tín dụng thì đó mới chỉ là một giao dịch chưa hoàn hành. Giao dịch chỉ được xem là hoàn thành khi nào ngân hàng thu hồi về được khoản tín dụng cả gốc và lãi.

Khi thực hiện giao dịch tín dụng, từ lúc giải ngân đến khi thu hồi vốn về cả gốc và lãi, ngân hàng không biết chắc được giao dịch đó có hoàn thành hay không. Do đó rủi ro cho vay thể hiện ở khả năng hay xác xuất hoàn thành giao dịch tín dụng đó. Có thể nói tất cả các hình thức cấp tín dụng của ngân hàng bao gồm cho vay ngắn hạn, cho vay trung – dài hạn...đều chứa đựng trong nó rủi ro. Lúc quyết định cấp tín dụng , ngân hàng chỉ có thể nắm chắc được một phần khả năng trả nợ của khách hàng vì lúc đó việc thu hồi khoản vay chưa xảy ra.

+ Đo lường rủi ro: Việc đo lường rủi ro cho vay đối với khách hàng cá nhân đơn giản hơn đối với khách hàng tổ chức. Tuy nhiên, nếu không có phương pháp đo lường hợp lý thì Ngân hàng khó có thể quản lý rủi ro cho vay hiệu quả.

Có thể ứng dụng các mô hình đo lường rủi ro thông dụng như: Application Scorecards, Behaviour scorecards, PD/LGD/EAD models cũng như các mô hình tính toán Risk Weighted Assets, thực hiện Stress Test.

+Kiểm soát rủi ro:

Hoạt động kiểm soát phải được thực hiện ở nhiều cấp với các mức độ khác nhau. Ở cấp Hội đồng Quản trị và Ban điều hành được thực hiện thông qua nhận được các bản trình bày và các báo cáo định kỳ về vị thế rủi ro, sự tuân thủ và các ngoại lệ về rủi ro, báo cáo thực trạng rủi ro. Ở cấp độ phòng ban gồm việc kiểm tra các hoạt động rủi ro, các báo cáo vị thế rủi ro, tình trạng và các ngoại lệ về rủi ro. Các báo cáo về rủi ro phải cung cấp thông tin thích hợp, chính xác và kịp thời. Bên cạnh đó, cần đánh giá tính hiệu quả trong quản lý rủi ro với quan điểm phát hiện sai sót để sửa chữa và hoàn thiện hơn.

Để kiểm soát rủi ro, ngân hàng nên thiết lập và truyền đạt các hạn mức rủi ro thông qua các chính sách hạn chế rủi ro, các tiêu chuẩn và các thủ tục xác định trách nhiệm và quyền hạn của các cán bộ, các cấp lãnh đạo. Các giới hạn rủi ro sẽ được sử dụng như một phương tiện để kiểm soát các rủi ro khác nhau liên quan đến hoạt động của ngân hàng. Ngân hàng cũng cần thẩm tra và đối chiếu trực tiếp để phát hiện các sai sót hoặc các vấn đề ẩn chưa trong các hoạt động. Kết quả của việc thẩm tra và đối chiếu cần được báo cáo lên lãnh đạo cấp cao phù hợp.

Cuối cùng, cần phải nhấn mạnh một điều rằng, mục tiêu áp dụng quy trình quản lý rủi ro không phải là để giảm thiểu mức rủi ro tuyệt đối mà chính là tối ưu hóa quan hệ đánh đổi giữa rủi ro – lợi nhuận.

+Xử lý rủi ro

Xử lý rủi ro là một hoạt động thụ động nếu đem so với kiểm soát rủi ro. Trong khi hoạt động kiểm soát rủi ro là chủ động nhằm giảm tổn thất của một hoạt động hoặc tài sản, thì xử lý rủi ro lại đối phó theo nghĩa nó chỉ hành động sau khi

tổn thất đã xuất hiện. Tuy nhiên, khi rủi ro đã xảy ra thì dù bất cứ nguyên nhân nào đi nữa thì việc xử lý rủi ro là một vấn đề cấp bách và đáng quan tâm nhất.

Dưới đây là một số biện pháp được sử dụng để xử lý cho các khoản nợ xấu trong ngân hàng:

• Khẩn trương nắm bắt thông tin và báo cáo kịp thời vấn đề thực chất liên quan đến khoản vay của khách hàng.

• Trích lập dự phòng rủi ro tạo nguồn bù đắp cho các tổn thất do rủi ro tín dụng theo QĐ 493/2005/QĐ/NHNN ngày 22/04/2005.

• Mua bảo hiểm đối với khoản vay của khách hàng.

• Tận dụng tối đa các cơ hội để thu hồi nợ, dự tính những nguồn có thể dùng để thu hồi nợ xấu, tận thu nợ từ việc phát mãi tài sản bảo đảm.

• Bán nợ cho công ty mua bán nợ (DATC…).

Một phần của tài liệu Giải pháp phát triển dịch vụ cho vay cá nhân tại Chi nhánh Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Đà Nẵng giai đoạn 2011 - 2015 (Trang 37)