Có rất nhiều nhân tố tác động đến chất lượng tín dụng Ngân hàng, nhưng gộp chung lại có thể phân thành 4 nhóm nhân tố chính sau:
1.2.7.1 Nhóm nhân tố thuộc về môi trường kinh tế - xã hội
Nền kinh tế là một hệ thống bao gồm nhiều hoạt động có liên quan biện chứng, ràng buộc lẫn nhau. Cho nên, bất kỳ sự biến động nào của nền kinh tế cũng gây ra những biến động trong tất cả các lĩnh vực khác, trong đó có hoạt động kinh doanh của Ngân hàng nói chung và hoạt động tín dụng cá nhân nói riêng.
Khi nền kinh tế ổn định sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tín dụng Ngân hàng phát triển. Nền kinh tế ổn định, lạm phát thấp không có khủng hoảng thì hoạt động tín dụng của Ngân hàng phát triển, chất lượng tín dụng được nâng cao. Ngược lại trong thời kỳ suy thoái kinh tế, sản xuất kinh doanh bị thu hẹp, đầu tư, tiêu dùng giảm sút, lạm phát cao, nhu cầu tín dụng giảm, vốn tín dụng đã thực hiện cũng khó có thể sử dụng có hiệu quả hoặc trả nợ đúng hạn cho Ngân hàng. Hoạt động tín dụng Ngân hàng giảm sút về quy mô và chất lượng.
Mức độ phù hợp giữa lãi suất Ngân hàng với mức doanh lợi kỳ vọng của khách hàng cũng ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng, lợi tức của Ngân hàng thu được bị giới hạn bởi thu nhập của khách hàng.
Môi trường xã hội mà đặc trưng gồm các yếu tố như: tình hình trật tự xã hội, thói quen, tâm lý, trình độ học vấn, bản sắc dân tộc (thể hiện qua những nét tính
cách tiêu biểu của người dân như niềm tin, tính cần cù, trung thực, ham lao động, thích tằn tiện và ưa thưởng thụ…) hoặc các yếu tố về nơi ở, nơi làm việc... cũng ảnh hưởng lớn đến thói quen tiêu dùng của người dân.
Thông thường, nơi nào tập trung nhiều người có địa vị trong xã hội, trình độ, thu nhập cao thì chắc chắn nhu cầu tiêu dùng ở đó lớn, do vậy, nhu cầu vay vốn cao hơn nơi khác, do đó có khả năng mở rộng tín dụng cá nhân. Còn phần lớn những người lao động chân tay thì chỉ mong muốn đảm bảo cuộc sống ở mức bình thường, họ chưa nghĩ tới chuyện đi vay để mua sắm hàng hóa và nâng cao mức sống.