CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ KHAI THÁC DỊCH VỤ CẢNG BIỂN
1.4.3 Tổ chức, cơ chế quản lý cảng biển
Cơ chế quản lý cảng biển của Việt Nam hiện nay đã và đang bộc lộ nhiều mặt hạn chế như:
+ Do cơ chế quản lý cảng biển ở nước ta có sự tham gia của nhiều bộ cũng như nhiều ban ngành địa phương khác nhau nên sẽ rất khó để tìm được tiếng nói chung. Sự đầu tư cho các cảng do những cơ quan quản lý khác nhau sẽ có những mục tiêu không giống nhau.
+ Các cảng quan trọng, có ảnh hưởng đến việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của cả một vùng hay một khu vực thì không được đầu tư đúng mức. Ngược lại, một số cảng không có các yếu tố thuận lợi để mở rộng, phát triển lại được đầu tư lớn để rồi họat động không hiệu quả, gây lãng phí.
+ Tình trạng phát triển cảng biển một cách manh mún, tự phát, phá vỡ qui họach tổng thể cũng có một phần nguyên nhân do cơ chế quản lý cảng biển như hiện nay. Điển hình là tình trạng phát triển cảng biển tại các tỉnh miền Trung như vừa qua.
Trong cơ chế quản lý cảng biển hiện nay đang có sự trùng lắp giữa chức năng quản lý nhà nước và điều hành kinh doanh hay nói cách khác là tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, mà Cục Hàng hải Việt Nam (Vinamarine) là một ví dụ. Hiện Cục Hàng hải Việt Nam là đơn vị trực tiếp giám sát và quản lý các họat động
của các cảng Nghệ Tỉnh, Quy Nhơn và Nha Trang. Điều này cho thấy Cục Hàng hải Việt Nam không chỉ là một cơ quan quản lý nhà nước về cảng biển mà còn lấn sang lĩnh vực kinh doanh, khai thác cảng biển. Việc Cục Hàng hải (Vinamarine), một cơ quan quản lý nhà nước về phát triển và thực hiện qui họach tổng thể cảng biển, lại là đối tác tích cực trong việc thành lập các liên doanh phát triển cảng biển với các công ty nước ngòai, sẽ khó tránh khỏi tình trạng xung đột lợi ích. Rõ ràng điều này hòan tòan không phù hợp với thông lệ quốc tế và làm triệt tiêu động lực cạnh tranh để phát triển, làm méo mó môi trường kinh doanh và có thể làm phương hại đến lợi ích quốc gia.