Sự cần thiết phải khai thác dịch vụ cảng biển

Một phần của tài liệu khai thác dịch vụ cảng biển tại công ty cổ phần cảng đoạn xá (Trang 36 - 38)

CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ KHAI THÁC DỊCH VỤ CẢNG BIỂN

1.3Sự cần thiết phải khai thác dịch vụ cảng biển

Theo lý thuyết kinh tế chính trị học, chu trình luân chuyển hàng hóa gồm sản xuất – phân phối – lưu thông – tiêu dùng. Như vậy để thực hiện được chu trình này không thể thiếu được khâu lưu thông hay nói cách khác lưu thông đóng một vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế xã hội của loài người, và quá trình này được thực hiện nhờ vận tải “Lưu thông có ý nghĩa là hành trình thực tế của hàng hóa trong không gian được giải quyết bằng vận tải. Vận tải là sự tiếp tục của quá trình sản xuất ở trong quá trình lưu thông và vì quá trình lưu thông ấy” (Các Mác). Trong các phương thức vận tải, vận tải đường biển chiếm vai trò chủ đạo. Hàng năm, hơn 80% hàng hóa thế giới được vận chuyển bằng đường biển. Cảng biển và dịch vụ cảng biển gắn liền với việc vận tải đường biển, cùng đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế. Thực tiễn cho thấy, hầu hết các quốc gia ven biển trên thế giới và trong khu vực đều trở thành những nước có nền kinh tế phát triển rất nhanh, nhất là ngành kinh tế biển. Bởi vì cảng biển là đầu mối quốc gia quan trọng, nối liền các khu vực của quốc gia và nối quốc gia đó với thế giới bên ngoài bằng các huyết mạch giao

thông như đường sông, đường bộ, đường sắt, hàng không phục vụ vận chuyển hàng hóa và hành khách.

Cảng biển không chỉ đóng một vai trò quan trọng trong dây chuyền sản xuất của nền kinh tế quốc dân mà hoạt động của nó còn liên quan đến nhiều lĩnh vực khác như buôn bán, giao dịch, đại lý, môi giới, bảo hiểm, luật pháp, tài chính, ngân hàng, du lịch… Và chính những hoạt động này đem lại một nguồn lợi đáng kể đối với các quốc gia có biển. Chẳng hạn, một con tàu ra vào cầu cảng kéo theo bao dịch vụ đi kèm chẳng hạn như dịch vụ lai dắt, hoa tiêu cho tàu vào vị trí an toàn. Khi tàu đã vào vị trí neo đậu an toàn, dịch vụ bốc xếp hoặc dỡ hàng tiếp tục phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó còn hàng loạt các dịch vụ khác như lưu kho lưu bãi hàng hóa hay cung ứng cho tàu lương thực, thực phẩm và nhiên liệu. Tất cả những hoạt động này đều được thu phí và đem lại một nguồn lợi đáng kể cho ngân sách quốc gia.

Đối với chức năng thương mại và buôn bán quốc tế có thể nói cảng biển là “cái cổng” của kinh tế đối ngoại. Tuy nhiên hoạt động thương mại ở đây không chỉ thể hiện ở sự trao đổi hàng xuất nhập khẩu, chuyển tải hàng nội địa mà còn là nơi lưu thông buôn bán theo hình thức quá cảnh thương mại. Đặc biệt trong quá trình giao lưu quốc tế đang ngày càng mở rộng thì sự hợp tác giữa các quốc gia về dịch vụ cảng biển như hình thức quá cảnh ngày càng lớn. Việt Nam nằm trên tuyến đường biển quốc tế, nơi có mật độ tàu bè qua lại cao, nối liền các khu vực hàng hải Đông và Tây bán cầu. Đây là một điều kiện thuận lợi để phát triển dịch vụ quá cảnh thương mại.

Cảng biển còn gắn liền với sự phát triển thành phố cảng cùng với những trung tâm giải trí, nghỉ ngơi cho thủy thủ, sĩ quan và khách du lịch.

Rõ ràng, cảng biển có một ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong nền kinh tế quốc dân và đem lại những nguồn lợi đáng kể cho quốc gia. Đồng thời ta cũng phải thấy rằng muốn khai thác những lợi thế mà cảng biển đem lại thì cảng biển đó phải có một sức hấp dẫn đó chính là các dịch vụ mà cảng biển đem lại cho người sử dụng những dịch vụ đó. Như vậy, vai trò của cảng biển đối với nền kinh tế của một quốc gia được thực hiện như thế nào phụ thuộc phần lớn vào các dịch vụ tại cảng biển.

Việt Nam là một quốc gia có nhiều tiềm năng về phát triển cảng biển, nhưng trong những năm qua khối lượng hàng hóa/ người thông qua cảng chẳng đáng là bao. Do đó, phát triển các dịch vụ tại cảng biển để khai thác lợi thế của cảng Việt Nam là nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

Trong thời đại Việt Nam mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế, sự cạnh tranh giữa các công ty khai thác dịch vụ cảng biển trong nước và ngoài nước ngày càng trở nên gay gắt đặc biệt là những công ty nước ngoài có truyền thống lâu đời về dịch vụ cảng biển của Nhật Bản, Hoa Kỳ, sự ra đời của nhiều công ty dịch vụ cảng biển mới như Tân Cảng, Vietfact..., Bên cạnh đó, nền kinh tế thế giới suy thoái, đang trên con đường dần dần hồi phục, nền kinh tế trong nước cũng không thoát khỏi ngoại lệ của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp thắt chặt chi phí, khiến cho ngành hàng hải nói chung và khu vực khai thác dịch vụ cảng biền nói riêng ngày càng trở nên khó khăn hơn trong vấn đề mở rộng kinh doanh,tăng doanh thu, lợi nhuận...Vì thế việc phát huy thế mạnh của công ty mình để có thể đạt hiệu quả cao nhất là một vấn đề vô cùng cấp bách, đòi hỏi mỗi công ty khai thác dịch vụ cảng biển phải nắm rõ những điểm mạnh và điểm yếu của mình để có thể đứng vững và cạnh tranh tốt.

Đối với một công ty chuyên về dịch vụ hàng hải thì vấn đề hệ thống cảng biển là một vấn đề sống còn, hệ thống kho bãi không chất lượng, hay ách tắc trong quá trình vận chuyển hàng hóa vào cảng, hệ thống thoát nước ở kho kém gây ngập lụt, bãi nhỏ hẹp, bố trí không gọn gàng, hệ thống cầu cảng không đảm bảo chất lượng, luồng vào cảng hay bị bồi lấp mà không chú trọng tới vấn đề nạo vét đường vào cảng khiến cho tàu không thể cập cảng...Vì vậy vấn đề nâng cao năng lực khai thác cảng biển luôn là một yêu cầu cần thiết và rất cấp bách đối với ngành hàng hải nói chung và công ty khai thác dịch vụ cảng biển nói chung.

Một phần của tài liệu khai thác dịch vụ cảng biển tại công ty cổ phần cảng đoạn xá (Trang 36 - 38)