CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ KHAI THÁC DỊCH VỤ CẢNG BIỂN
1.4.2 Điều kiện phát triển kinh tế và lưu thông hàng hóa
- Vị trí địa lý
Với lợi thế là một quốc gia ven biển, nằm trên tuyến vận tải biển quốc tế quan trọng, sôi động nhất của khu vực và thế giới, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển cảng biển, vận tải biển và dịch vụ hàng hải khác, làm động lực để phát triển kinh tế- xã hội bền vững. Nước ta nằm ở rìa phía Tây Biển Đông, không chỉ có phần lục địa tương đối nhỏ hẹp “hình chữ S” mà còn có cả vùng biển rộng lớn gấp hơn ba lần diện tích đất liền chứa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng với trữ lượng vào loại khá. Sự hiện diện của hơn 3.000 đảo lớn, nhỏ và hai quần đảo ngoài khơi là Hoàng Sa và Trường Sa đã tạo thế và lực cho đất nước ta trong xây dựng các cụm dịch vụ hậu cần cho hoạt động biển xa, phát triển du lịch biển đảo và thế trận quốc phòng, an ninh. Bờ biển nước ta dài và dọc bờ biển có hơn 100 cảng biển, bến, 48 vũng, vịnh và trên 112 cửa sông, cửa lạch đổ ra biển.
Điều này đã tạo thuận lợi cho việc giao lưu thương mại quốc tế qua đại dương. Trong đó, việc hình thành và phát triển cảng biển nước sâu có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lớn, chạy tuyến biển xa tại miền Bắc và miền Nam của đất nước là yếu tố then chốt. Lưu ý trong phát triển cảng biển phải đầu tư hạ tầng như: cơ sở hạ tầng kết nối, các trung tâm phân phối hàng hóa, dịch vụ logistics và cơ chế ưu đãi đặc thù để vận hành, khai thác các bến cảng một cách thuận lợi, đồng bộ với phương thức quản lý hiện đại, thống nhất để hình thành những cảng trung tâm có quy mô mang tầm khu vực và quốc tế, đáp ứng nhu cầu vận tải biển xa của Việt Nam, thu hút nguồn hàng trung chuyển quốc gia và quốc tế.
Kinh tế biển của Việt Nam phát triển với hai lợi thế quan trọng. Một là tiềm năng tự nhiên to lớn với bờ biển dài, diện tích lãnh hải thuộc chủ quyền rộng, khả năng tiếp cận dễ dàng đến các đại dương, có các nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có, nhiều bãi biển đẹp… Hai là vị trí địa lý - kinh tế chiến lược, đặc biệt là nằm trên hai tuyến hải hành và các luồng giao thương quốc tế chủ yếu của thế giới, nhất là trong thời đại bùng nổ phát triển Châu Á – Thái Bình Dương.
Ngành hàng hải vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc về tính đồng bộ, thống nhất giữa chính sách hàng hải với Luật hàng hải; chính sách của một số ngành, lĩnh vực khác với luật hàng hải còn nhiều bất cập, đòi hỏi cần sớm được điều chỉnh phù hợp; các cầu cảng, bến cảng bố trí manh mún, thiếu cảng có quy mô lớn, chưa hiện đại và chuyên dụng hóa. Hiện Việt Nam chưa có cảng trung chuyển quốc tế và việc kết nối giữa cảng với đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa còn bất cập. Thiếu các trung tâm phân phối hàng hóa sau cảng. Điều kiện đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường của cầu cảng, bến cảng còn hạn chế. Phần lớn các tuyến luồng vào cảng đều có độ sâu hạn chế và luôn bị tác động mạnh từ thiên nhiên.
Nguyên nhân chính khiến cho các cảng biển không phát huy được hết năng lực do khả năng tài chính đầu tư vào cảng biển thấp nên hệ thống cầu cảng đã mọc lên manh mún, chắp vá, thiếu đồng bộ. Thậm chí, để chạy với yêu cầu, nhiều cảng cá trước đây nay cũng trở thành bến cảng xếp dỡ hàng hoá. Nhiều bãi
chứa container đua nhau "mọc” lên. Hệ thống thiết bị xếp dỡ hàng được đánh giá "mạnh ai nấy làm” đã khiến cho hàng hóa tại cầu tàu, bến bãi luôn trong tình trạng "nghẹt thở”.
- Văn bản pháp lý liên quan đến ngành hàng hải
Luật pháp cũng có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sanbr xuất kinh doanh và có tác động trực tiếp đến sự phát triển của dịch vụ hàng hải và dịch vụ cảng biển. Luật và các Văn bản dưới luật trong lĩnh vực này đang trong quá trình hoàn thiện, sự thay đổi về mặt chính sách luôn có thể xảy ra và khi xảy ra thì sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động quản trị, kinh doanh của các Công ty.