Khái niệm cảng biển

Một phần của tài liệu khai thác dịch vụ cảng biển tại công ty cổ phần cảng đoạn xá (Trang 29 - 30)

CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ KHAI THÁC DỊCH VỤ CẢNG BIỂN

1.1.1 Khái niệm cảng biển

Theo quan điểm mang tính kinh điển thì cảng biển là đầu mối giao thông lớn, bao gồm nhiều công trình và kiến trúc bảo đảm cho tàu thuyền ra vào và neo đậu yên ổn, các phương tiện vận tải nôi địa ra vào thuận lợi, nhanh chóng để thực hiện công việc tiếp chuyển hàng hóa và hành khách từ các phương tiện giao thông trên đất liền sang các tàu biển hoặc ngược lại; bảo quản và gia công hàng hóa, thực hiện các dịch vụ pháp luật cũng như dịch vụ chuyên ngành hàng hải và là nơi trú đậu của tàu thuyền khi gặp bão hoặc sự cố khẩn cấp.

Theo quan điểm hiện đại thì cảng biển được xem là nơi thu hút các hoạt động kinh tế, là điểm đầu mối của hoạt động vận tải. Theo quan điểm này thì cảng biển là khu vực tiếp nối giữa đất liền và biển, được phát triển thành một trung tâm công nghiệp và logistics, đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới công nghiệp và logistics toàn cầu.Ngoài vai trò xếp dỡ hàng hóa (vai trò cơ bản) cảng còn thực hiện hoạt động trung chuyển đơn giản và logistics tạo giá trị gia tăng với khu hậu phương cảng tương đối rộng lớn.

Trong tương lai, cảng sẽ có khu hậu phương đủ lớn để phục vụ cho tất cả các hoạt dộng của các doanh nghiệp. Như vậy, ngoài vai trò cơ bản, chuyển tải đơn giản và logistics tạo giá trị gia tăng cảng còn có vai trò của chuỗi kinh doanh. Lúc đó, hoạt động của cảng gắn liền với hoạt động của khu kinh tế mở, khu thương mại tự do, khu công nghiệp, khu chế xuất…

Theo Bộ luật Hàng hải Việt Nam và Nghị định 71/2006/NĐ-CP, cảng biển, bến cảng và cầu cảng được quy định như sau:

- “Cảng biển” là khu vực bao gồm vùng đất cảng và vùng nước cảng, được xây dựng kết cấu hạ tầng và lắp đặt trang thiết bị cho tàu biển ra, vào hoạt động để bốc dỡ hàng hóa, đón trả hành khách và thực hiện các dịch vụ khác.

Cảng biển có một hoặc nhiều bến cảng. Bến cảng có một hoặc nhiều cầu cảng. Bến cảng bao gồm cầu cảng, kho, bãi, nhà xưởng, trụ sở, cơ sở dịch vụ, hệ thống giao thông, thông tin liên lạc, điện, nước, luồng vào bến cảng và các công trình phụ trợ khác. Cầu cảng là kết cấu cố định thuộc bến cảng, được sử dụng cho tàu biển neo đậu, bốc dỡ hàng hóa, đón, trả hành khách và thực hiện các dịch vụ khác.

Kết cấu hạ tầng cảng biển bao gồm kết cấu hạ tầng bến cảng và kết cấu hạ tầng công cộng cảng biển.

-Kết cấu hạ tầng bến cảng bao gồm cầu cảng, vùng nước trước cầu cảng, kho, bãi, nhà xưởng, trụ sở, cơ sở dịch vụ, hệ thống giao thông, thông tin liên lạc, điện, nước, luồng nhánh cảng biển và các công trình phụ trợ khác được xây dựng, lắp đặt cố định tại vùng đất cảng và vùng nước trước cầu cảng.

-Kết cấu hạ tầng công cộng cảng biển bao gồm luồng cảng biển, hệ thống báo hiệu hàng hải và các công trình phụ trợ khác.

Cảng quân sự, cảng cá và cảng, bến thủy nội địa nằm trong vùng nước cảng biển chịu sự quản lý nhà nước về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường theo quy định của Bộ luật này.

- Luồng cảng biển là phần giới hạn vùng nước từ biển vào cảng được xác định bởi hệ thống báo hiệu hàng hải và các công trình phụ trợ để bảo đảm cho tàu biển và các phương tiện thủy khác ra, vào cảng biển an toàn. Luồng nhánh cảng biển là phần giới hạn vùng nước từ luồng cảng biển vào bến cảng, được xác định bởi hệ thống báo hiệu hàng hải và các công trình phụ trợ, để bảo đảm cho tàu biển và các phương tiện thủy khác ra, vào bến cảng an toàn.

Một phần của tài liệu khai thác dịch vụ cảng biển tại công ty cổ phần cảng đoạn xá (Trang 29 - 30)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(111 trang)
w