Dạy học tự chọn trong trường THPT.

Một phần của tài liệu đánh giá thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong trường trung học phổ thông ở đà nẵng (Trang 34 - 38)

1.4.3.1. Cơ sở xác định dạy học tự chọn trong trường THPT.

Cơ sở để xác định mục tiêu, nội dung và PPDH tự chọn là Quy định tạm thời về mục tiêu và kế hoạch GD của trường THPT, trong đó xác định "đưa các tiết học tự chọn, một phần giành cho việc bám sát, nâng cao kiến thức kỹ năng của các môn học, phần khác dành cho việc cung cấp một số nội dung mới theo nhu cầu của người học và theo yêu cầu của cộng đồng" [12, tr.8], và Đề án Đổi mới Chương trình và sách giáo khoa giai đoạn sau năm 2015 của Bộ GD&ĐT, trong đó nhấn mạnh việc: “Tăng các môn học, các chủ đề tự chọn đáp ứng nhu cầu, năng khiếu, định hướng nghề nghiệp của HS” [35, tr.18].

Yêu cầu của dạy học tự chọn là để củng cố, hệ thống hóa, khắc sâu kiến thức, kỹ năng các môn học, hoạt động GD nhằm giúp HS rèn luyện năng lực tự học, phát

huy tính tích cực, chủ động sáng tạo và năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn, góp phần hướng nghiệp cho HS; đồng thời nhằm thực hiện có hiệu quả hơn mục tiêu cấp học, đưa hoạt động dạy học phù hợp với đội ngũ GV, cơ sở vật chất của nhà trường, với thời lượng quy định và nội dung dạy học tự chọn thích hợp [13].

Nội dung dạy học tự chọn bao gồm các môn học tự chọn, hoạt động GD tự chọn và các chủ đề tự chọn. Các chủ đề tự chọn gồm có các chủ đề bám sát, chủ đề nâng cao và chủ đề đáp ứng.

Ở trường THPT quy định có phần dạy môn thể thao tự chọn trong chương trình với mục tiêu củng cố, bổ sung và khai thác sâu CTMH; đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của HS về học tập và tập luyện TDTT; rèn luyện tính tích cực, tự giác và khả năng tự học của HS. Ngoài ra, các trường được phép tự chọn các môn thể thao phổ biến, có thế mạnh hoặc các môn thể thao truyền thống của địa phương để dạy học cho HS trên cơ sở vừa sức tiếp thu, phù hợp với tâm sinh lý và đảm bảo an toàn. Việc vận dụng phương pháp dạy các chủ đề đáp ứng rất phù hợp đối với đối tượng HS THPT trong việc hướng vào nhu cầu tự học, sở thích hướng nghiệp, đồng thời giúp HS có thể tập luyện và chơi thành thạo 1-2 môn thể thao [11],[13].

1.4.3.2. Các hình thức dạy học tự chọn.

Dạy học tự chọn là vấn đề khá mới ở nước ta, vì vậy để có cơ sở thực hiện cần phải tiếp cận các lý luận về dạy học tự chọn nói chung và dạy học tự chọn môn TD nói riêng ở trường THPT, đồng thời phải tìm hiểu nội dung, PPDH tự chọn của các nước có nền GD tiên tiến. Qua tổng hợp nhiều nguồn tài liệu khác nhau cho thấy ngày nay CTGD của các nước thể hiện ngày càng rõ tinh thần dạy học tự chọn, đặc biệt các lớp cuối của CTGD phổ thông. Có thể kể đến một số hình thức dạy học tự chọn chủ yếu được áp dụng rộng rãi:

- Học ở nhà: HS có thể lựa chọn giữa việc học ở trường với việc tự học ở nhà, bởi sự giúp đỡ của cha mẹ và các phương tiện thông tin hiện đại. Hình thức học tập này đang trở thành một trào lưu, đầu tiên là ở Mỹ, sau đó lan rộng sang các nước phát triển khác. Ở Mỹ kiểu học tập này đã được hợp pháp hoá từ năm 1993 ở

50 bang, đến nay có hơn 1,5 triệu HS theo học. Người ta dự báo xu thế “học ở nhà” sẽ ngày càng phát triển không những ở Mỹ mà còn ở nhiều nước phát triển.

- Trường học tự chọn: HS có thể lựa chọn từ nội dung, phương pháp, phân phối thời gian các môn học đến tốc độ học tập phù hợp với năng lực và nguyện vọng cá nhân. Có thể nói mỗi HS được học tập theo một chương trình và kế hoạch học tập do mình lựa chọn. Trường học tự chọn xuất hiện đầu tiên vào năm 1990 tại bang Virgina (Mỹ). Hiện nay, cùng với sự phát triển của các phương tiện thông tin hiện đại, đặc biệt của các máy tính và mạng internet, kiểu dạy học này đang được sử dụng tại nhiều nước, kể cả các nước phát triển và các nước đang phát triển.

- Chương trình tự chọn: là chương trình mà ngoài các môn học, nội dung học tập và hoạt động học tập bắt buộc, còn có các môn học, nội dung học tập tự chọn cho các đối tượng HS khác nhau. Chương trình tự chọn bao gồm các môn học, nội dung học tập và hoạt động học tập lựa chọn (còn gọi là tự chọn bắt buộc hay tự chọn có giới hạn) và các môn học, nội dung học tập và hoạt động học tập tuỳ chọn (tự chọn không bắt buộc hay tự chọn tuỳ ý). Hình thức học này đang được áp dụng ở hầu hết các trường trung học phân ban ở các nước tiên tiến như Nga, Mỹ, Nhật và các nước chịu ảnh hưởng của GD Pháp và của GD Anh [36],[41],[45],[85].

Nhìn chung, dạy học tự chọn trên thế giới tuy có nhiều sự khác biệt, nhưng xu thế chung là hình thức này được áp dụng từ những lớp cuối của trường tiểu học và tỷ lệ thời gian dành cho các nội dung tự chọn so với thời gian cho các nội dung bắt buộc tăng dần theo bậc học, cấp học và lớp học. Ở trường THPT của nhiều nước, sau khi kết thúc chương trình cơ bản vào cuối lớp 11, HS chỉ còn học tập theo một chương trình hoàn toàn tự chọn bao gồm nội dung tự chọn bắt buộc và tự chọn tuỳ ý. Đối với nước ta, dạy học tự chọn ở nước ta là vấn đề mới và đã được đưa vào trường học. Trong đó, CTGD môn TD THPT đã dành 20/70 tiết học tự chọn, chiếm tỷ lệ 28,57%, tỷ lệ này khá thấp và hầu như do các trường quyết định, HS không được tự chọn theo nhu cầu đúng như ý nghĩa của nó [87].

Đặc điểm của môn học có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình tìm tòi và thiết kế giải pháp dạy học. Các môn học tuỳ theo đặc trưng riêng mà có thể sử dụng những cách thức, nội dung, phương pháp tiếp cận khác nhau. Tuy không có một khuôn mẫu cứng nhắc vì dạy học là sáng tạo, nhưng để có thể áp dụng dễ dàng và hiệu quả thì cần có một “quy trình chung” linh hoạt để GV định hướng khi suy nghĩ hoặc thao tác trong quá trình chuẩn bị và thực hiện giảng dạy, tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa dạy và học.

Đổi mới dạy học môn TD ở trường THPT, xuất phát từ đặc điểm mục tiêu, nhiệm vụ môn TD, đòi hỏi phải đổi mới nội dung chương trình, PPDH và hình thức đánh giá.

Về chương trình, cần phải thiết kế sao cho tăng thời lượng tự chọn để đáp ứng nhu cầu cá nhân và nhu cầu tự chọn môn thể thao của HS. Về nội dung, cần lựa chọn, giảm tải nội dung sao cho phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, nhu cầu hoạt động của HS.Về phương pháp tổ chức, cần phối hợp các hình thức dạy học trên lớp với các HĐTT ngoại khoá có tổ chức và giờ tự học để HS có thói quen rèn luyện. Không có HĐTT ngoại khoá thường xuyên sẽ khó cải thiện sức khoẻ, thể lực HS theo mục tiêu, yêu cầu môn học [41],[53].

Điểm nổi bật của đổi mới CTGD hiện nay là đổi mới PPDH nhằm phát huy tính chủ động, tích cực của HS. Trong quá trình dạy học phải tạo cơ hội để HS được rèn luyện kỹ năng tự học, biết cách kiến tạo nên kiến thức với sự hướng dẫn của GV. Do vậy trong dạy học tự chọn môn TD, sự hướng dẫn ban đầu của GV là quan trọng, tuy nhiên HS tự học là chính, khi biên soạn tài liệu hướng dẫn, GV cần cụ thể hóa PPDH đối với từng chủ đề và đối tượng HS, các bài giảng thiết kế sao cho HS có thể tham khảo và tự học ở nhà (thông qua mạng).

PPDH theo chủ đề tự chọn môn TD được thể hiện dưới các hình thức khác nhau như GV có thể gợi ý và sử dụng rộng rãi các PPDH khác nhau; đổi mới PPDH theo yêu cầu tự chọn kết hợp dạy học truyền thống, sử dụng công nghệ tin học với các công cụ, thiết bị hiện đại; sắp xếp các nội dung dạy học hợp lý tùy theo tính chất môn học tự chọn; áp dụng các hình thức lên lớp linh hoạt…[41],[54]

Kiểm tra, đánh giá kết quả học tập theo chủ đề tự chọn của HS là một khâu quan trọng của quá trình dạy học. Trong thực tiễn, ta có thể đánh giá chất lượng GDTC một cách trực tiếp đối với sản phẩm GD (người học) hoặc đánh giá gián tiếp thông qua việc đánh giá các điều kiện bảo đảm chất lượng GDTC, cũng có thể kết hợp cả hai cách đánh giá này.

Để kiểm tra đánh giá HS, có thể áp dụng nhiều phương pháp khác nhau. Hiện nay, tiêu chuẩn đánh giá, xếp loại HS THPT được thực hiện theo Thông tư 58 của Bộ GD&ĐT, trong đó môn TD được đánh giá bằng nhận xét kết quả học tập trên cơ sở chuẩn kiến thức, kỹ năng môn học quy định trong chương trình và thái độ cố gắng tích cực, sự tiến bộ của HS trong môn học TD [19].

Ngoài ra, việc đánh giá thể lực còn có thể thực hiện thông qua kiểm tra thành tích vận động của HS theo Thông tư 53 của Bộ GD&ĐT về việc đánh giá, xếp loại thể lực HSSV [16]. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định này chưa được thực hiện thường xuyên do có nhiều khó khăn về thời gian, kinh phí thực hiện.

Tóm lại, với dạy học tự chọn, HS có nhiều thuận lợi như: được chọn chủ đề, được GV hướng dẫn, có nhiều cơ hội khẳng định mình thông qua nỗ lực cá nhân khi học chủ đề mình yêu thích hoặc có nhu cầu tập luyện. Đây là yếu tố thuận lợi để đổi mới chương trình, nội dung, PPDH môn TD trong trường THPT ở Đà Nẵng.

Một phần của tài liệu đánh giá thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong trường trung học phổ thông ở đà nẵng (Trang 34 - 38)