HĐTT ở trường THPT.

Một phần của tài liệu đánh giá thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong trường trung học phổ thông ở đà nẵng (Trang 26 - 29)

Theo dự thảo Nghị định của Bộ GD&ĐT trình Chính phủ ban hành, HĐTT trường học bao gồm 02 nội dung cơ bản là tập luyện TDTT ngoại khóa và thi đấu các môn thể thao phù hợp [95].

1.3.4.1. Nội dung tập luyện ngoại khóa trường học:

Nội dung ngoại khóa rất đa dạng, tùy theo điều kiện, đặc điểm của cơ sở GD có thể thực hiện các nội dung như: (1) Cho HS tập luyện các bài TD, TD nhịp điệu, khiêu vũ thể thao trong giờ nghỉ giải lao giữa các tiết học. (2) Khuyến khích, động viên HS tự tập luyện hằng ngày các môn thể thao theo sở thích. (3) Tổ chức cho HS tập luyện các môn thể thao dân tộc, trò chơi vận động theo điều kiện địa phương. (4) Thành lập, duy trì, tập luyện thường xuyên đội tuyển năng khiếu thể thao từng môn để làm nòng cốt cho HĐTT nhà trường. (5) Tổ chức các giải thi đấu thể thao thường xuyên trong trường và tham gia các hoạt động thi đấu thể thao các cấp. (6) Tổ chức các lớp học thể thao tự chọn ngoài giờ theo hướng XHH [10],[17].

Theo các tài liệu lý luận và phương pháp TDTT trường học, HĐTT ngoại khóa có các đặc điểm:

- Về tính chất: thể hiện sự phối hợp giữa tham gia bắt buộc và tự nguyện, trong đó tự nguyện là chủ yếu.

- Về nội dung và không gian hoạt động: đa dạng, vượt ra ngoài qui định của chương trình. Hoạt động TDTT ngoại khoá có thể tiến hành trong và ngoài trường. Các buổi tập ngoại khóa thường có cấu trúc đơn giản và nội dung hẹp hơn so với buổi tập chính khoá. Nhiệm vụ cụ thể và nội dung buổi tập chủ yếu phụ thuộc vào sở thích và hứng thú cá nhân.

- Về hình thức và thời gian hoạt động: đa dạng, linh hoạt, có thể tiến hành dưới dạng tập thể đông hoặc theo nhóm, cá nhân nên có thể thoả mãn yêu cầu khác nhau của HS. Thời gian hoạt động cũng không yêu cầu như giờ học nội khóa, có thể tiến hành bất kỳ khi nào, miễn là phù hợp với điều kiện của HS.

- Về vai trò của GV: GV đóng vai trò tư vấn giúp HS phát huy vai trò chủ thể, qua đó giúp HS phát huy được năng lực, tính tích cực, chủ động và sáng tạo của mình, bồi dưỡng lòng say mê, hứng thú TDTT và nhiều phẩm chất quý báu khác.

- Về quy mô hoạt động: HS tham gia nhiều, người tham gia tổ chức đông. Ở đây có sự tham gia của GV chủ nhiệm, GV TDTT, cán bộ Đoàn, Đội, Công đoàn, thậm chí cả phụ huynh HS.

- Về quan hệ phổ cập và nâng cao: Hoạt động TDTT ngoại khoá có đặc điểm là kết hợp mật thiết giữa phổ cập và nâng cao. Với tất cả HS thì nó có tính phổ cập, còn với đội tuyển thể thao thì mang tính nâng cao. Tất nhiên ở đây chỉ là tương đối.

- Vừa có tính bổ sung vừa có tính độc lập: Do bị hạn chế về thời gian và nội dung, giờ học TD không thể thoả mãn mọi yêu cầu đối với vận động, yêu cầu điều tiết thăng bằng tâm lý của HS, nên hoạt động ngoại khoá có tính bổ sung cho giờ học nội khoá. Nhưng TDTT ngoại khoá lại có tính độc lập riêng, nó không phải là sự kéo dài của TDTT nội khoá [38],[55],[100].

Nhiều quy tắc được GV sử dụng trong giờ học chính khoá có thể áp dụng ở đây. Đồng thời do nội dung buổi tập ngoại khóa có nét khác biệt nên cách tổ chức tập luyện cũng có đặc trưng riêng. Theo tính chất hướng dẫn, người ta phân chia các buổi tập ngoại khoá thành: các buổi tự tập, các buổi tập theo nhóm tự nguyện, các buổi tập theo nhóm có tổ chức (lớp học).

- Các buổi tự tập thể dục, thể lực cá nhân: thường được tổ chức dưới dạng TD buổi sáng, TD vệ sinh, TD thể hình, thẩm mỹ. Các hình thức tự tập thể lực cá nhân có cấu trúc tương đối phức tạp. Đặc điểm thể hiện ở tính hệ thống chặt chẽ trong xác định nhiệm vụ và lựa chọn bài tập, đòi hỏi nhiều thời gian, tuân thủ chế độ sinh hoạt. Cần phải xem các buổi tự tập thể lực cá nhân có cấu trúc như giờ học chính khoá. Lưu ý rằng, tự tập cá nhân chỉ có hiệu quả khi người tập có được các kiến thức cần thiết về lý luận, phương pháp chung của GDTC.

- Các buổi tập theo nhóm tự nguyện: như trò chơi, du lịch, dã ngoại, thi đấu… Người tổ chức các buổi tập này được các thành viên của nhóm bầu hoặc chỉ định. Hình thức tập theo nhóm tự nguyện phổ biến nhất là trò chơi vận động mang tính giải trí, thi đấu. Thống nhất trước về nội dung và qui tắc là vấn đề rất quan trọng làm cho các buổi tập trở thành biện pháp GD quan trọng.

- Các buổi tập theo nhóm tổ chức: được tiến hành dưới sự điều khiển của những người làm công tác chuyên môn. Tập luyện theo nhóm tổ chức thường là các lớp thể dục tự chọn theo sở thích, các buổi tập nâng cao sức khoẻ trong các cơ quan, xí nghiệp, các hoạt động hội thao…[17],[55]

1.3.4.2. Hoạt động thi đấu thể thao.

Thi đấu là một hiện tượng xã hội phổ biến, có ý nghĩa quan trọng như một phương thức tổ chức và kích thích hoạt động trong những lĩnh vực khác nhau của đời sống như sản xuất, nghệ thuật, GD, TDTT… Tất nhiên, ý nghĩa cụ thể của thi đấu ở các lĩnh vực khác nhau cũng có sự khác biệt.

Trong hoạt động thể thao trường học, phương pháp thi đấu được sử dụng như một yếu tố phụ thuộc trong tổ chức chung của một buổi tập nhằm kích thích hứng thú và động viên tính tích cực trong việc thực hiện các bài tập riêng lẻ của buổi tập. Ngoài ra, thi đấu còn được sử dụng như một hình thức tương đối độc lập (như thi đấu kiểm tra, các cuộc thi đấu thể thao chính thức trong và ngoài nhà trường..) [72].

Đặc điểm cơ bản của phương thức thi đấu là so sánh sức lực trong điều kiện đua tranh thứ bậc, vị trí vô địch để đạt thành tích cao của bản thân hoặc đồng đội. Đây là đặc điểm chi phối các đặc điểm khác của phương pháp này. Yếu tố đua tranh

trong thi đấu sẽ tạo ra nền cảm xúc về sinh lý, đặc biệt làm tăng thêm tác dụng của bài tập thể lực và có thể động viên tối đa khả năng của cơ thể. Mặt khác, trong thi đấu đồng đội còn đòi hỏi phát huy tinh thần đồng đội hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau, đề cao tinh thần trước tập thể, có ý nghĩa giáo dục cao.

Phương pháp thi đấu còn có đặc điểm chuẩn hóa đối tượng thi, quy tắc thi và phương thức đánh giá thành tích. Trong thi đấu thể thao, sự chuẩn hóa được củng cố bằng luật thi đấu thống nhất. Việc chuẩn hóa trong phương pháp thi đấu không định mức chi tiết hoạt động của người thi. Vì vậy phương pháp thi đấu hạn chế việc định mức lượng vận động chính xác và trực tiếp điều khiển hoạt động của người tập.

Trong HĐTT trường học, thi đấu thể thao được sử dụng để giải quyết nhiều nhiệm vụ sư phạm khác nhau như giáo dục các tố chất vận động, các phẩm chất đạo đức, ý chí, hoàn thiện kỹ năng kỹ xảo vận động và năng lực sử dụng hợp lý chúng trong trong những hoàn cảnh phức tạp. So với các phương pháp GDTC khác thì phương pháp thi đấu có yêu cầu cao nhất đối với khả năng chức phận của con người và do vậy sẽ thúc đẩy cơ thể phát triển mạnh mẽ nhất. Phương pháp thi đấu còn có ý nghĩa đặc biệt trong giáo dục các phẩm chất đạo đức, ý chí, lòng tự trọng, dũng cảm, tính đồng đội nhưng cũng có thể hình thành nên những nét tính cách tiêu cực như hiếu thắng, ích kỷ, háo danh… Vì vậy, phương pháp thi đấu chỉ phát tuy tác dụng trong giáo dục đạo đức khi có sự hướng dẫn sư phạm ở trình độ cao và đúng đắn [38],[55],[72],[96],[100].

Tóm lại, HĐTT ngoại khóa tính chất bổ sung kiến thức thực hành cho giờ học chính khóa, HĐTT ngoại khóa cùng với GDTC hình thành một thể thống nhất của TDTT trường học, vừa bổ sung cho nhau, vừa phát huy đặc thù của riêng mình.

Một phần của tài liệu đánh giá thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong trường trung học phổ thông ở đà nẵng (Trang 26 - 29)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(199 trang)
w