Cộng đồng dân tộc Khmer (người Khmer)

Một phần của tài liệu vấn đề mâu thuẫn dân tộc trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở vùng tây nam bộ (Trang 95)

Dân tộc Khmer còn có tên gọi khác là: Cur, Cul, Cu, Thổ, Việt gốc Miên, Khmer Krôm; thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khmer; cư trú tập trung tại các tỉnh Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang.

Theo số liệu tổng hợp từ Tổng cục Thống kê; Vụ Địa phương III, Uỷ ban Dân tộc, tính đến năm 2011, đồng bào Khmer tại 9 tỉnh, thành phố phố vùng đồng bằng sông Cửu Long có 284.738 hộ, chiếm tỷ lệ 10,63 % so với tổng số hộ chung của 9 tỉnh, thành phố; với dân số là 1.198.499 người, chiếm tỷ lệ 10,64 % so với dân số chung của 9 tỉnh, thành phố và chiếm tỷ lệ 6,93% so với dân số 13 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long. Những tỉnh có đông người Khmer là Sóc Trăng 397.014 người, Trà Vinh có 318.288 người, Kiên Giang 213.310 người, An Giang 91.018 người [2, 4].

Về địa bàn cư trú và nghề nghiệp của người Khmer

Khi nghiên cứu về vùng môi sinh của các cư dân đồng bằng sông Cửu Long, các tác giả đã phân chia đồng bằng sông Cửu Long thành 3 vùng môi sinh: vùng nội địa, vùng ven biển, vùng đồi núi Tây Nam.

Ở vùng nội địa đồng bằng sông Cửu Long người Khmer cư trú trên các giồng (phno), gồm cả các giồng ở vùng duyên hải (như ở tỉnh Trà Vinh) và các giồng ven sông (như ở Vĩnh Long); vùng ven biển có người Khmer sinh sống thuộc các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Người Khmer tập trung sống ở những vùng ven biển là nhóm nông dân có đời sống thấp

nhất trong đồng bằng sông Cửu Long. Đây là vùng đất bị nhiễm mặn, thiếu nước ngọt, cây trồng, vật nuôi khó phát triển; vùng đồi núi Tây Nam bao gồm vùng tứ giác Long Xuyên, vùng Bảy Núi và các vùng dân cư dọc biên giới Campuchia thuộc hai tỉnh An Giang và Kiên Giang. Các phum sóc người Khmer được xây dựng trên những sườn đồi núi. Người Khmer cư trú ở vùng này thưa thớt, các phum sóc ở cách xa nhau. Tại đây, người Khmer chủ yếu làm nghề đục đá, làm cối đá, nghề gốm, làm thuyền. (Xem bảng 3. 6 và 3. 7).

Về kinh tế của cộng đồng dân tộc Khmer

Người Khmer đã biết thâm canh lúa nước từ lâu đời. Song, nền kinh tế của người Khmer ở vùng Tây Nam bộ vẫn còn mang tính chất tự cấp, tự túc. Nông sản và các sản phẩm thủ công, chăn nuôi...hầu như chỉ đủ cung cấp cho sinh hoạt của phum sóc, của gia đình nông dân; kinh tế hàng hóa chưa giữ được vị trí thỏa đáng và phổ biến.

Đặc điểm nổi bật của người Khmer là phân bố cư trú ở những vùng có điều kiện địa lý - tự nhiên khó khăn, có đến trên 90% đồng bào Khmer sinh sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, chỉ có một bộ phận nhỏ sinh sống ở thành thị; hoạt động kinh tế chủ yếu là tập trung vào sản xuất nông nghiệp, trong đó nghề trồng lúa chiếm đa số (87,8% dân số lao động Khmer).

Trong những năm gần đây, quá trình đổi mới và nền kinh tế thị trường nói chung đã có ảnh hưởng tích cực đến đời sống của người Khmer, số hộ đủ ăn đến dư ăn tăng lên rõ rệt (74,83%); song vẫn còn một bộ phận khá lớn dân cư sống dưới mức trung bình (gần 25%).

Theo tiêu chí nghèo mới (giai đoạn 2011 - 2015), tỷ lệ hộ nghèo chung và tỷ lệ hộ nghèo dân tộc Khmer chiếm khá lớn ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó các tỉnh như Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang, Cà Mau và Vĩnh Long là những tỉnh có tỷ lệ hộ dân tộc Khmer nghèo cao so với các tỉnh khác trong vùng.

Người Khmer Nam Bộ có hệ thống chữ Khmer cổ truyền, ra đời vào thế kỷ thứ VII, bắt nguồn từ chữ Sanskrit, vẫn còn được lưu dụng và phổ biến trong cộng đồng.

Đồng bào Khmer Nam Bộ có nhiều phong tục tập quán và có nền văn hóa nghệ thuật khá độc đáo. Những chùa lớn thường có đội trống, kèn, đàn, có đội ghe ngo... Hàng năm người Khmer có nhiều ngày hội, ngày tết dân tộc. Đồng bào Khmer có các ngày lễ lớn như: Chôn Khơ nam thơ mây (năm mới), lễ Phật đản, lễ Đôn ta (xá tội vong nhân), Oóc bom boóc (cúng trăng). Người Khmer Nam Bộ là một tộc người có những đóng góp không nhỏ vào quá trình hình thành nên quốc gia, dân tộc Việt Nam.

Người Khmer Nam Bộ theo đạo Phật Tiểu thừa Theravada, một tôn giáo mới du nhập từ thế kỷ XIII nhưng đã thay thế đạo Bà La Môn, chi phối rất sâu sắc đời sống của người Khmer. Đối với người Khmer, Phật là chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất, là đấng thiêng liêng nhất, còn sư sãi là những người thay Đức Phật để hoằng hóa độ sinh, vì vậy rất được mọi người tôn kính. Đồng bào Khmer có mặt ở vùng Tây Nam Bộ từ rất sớm, được coi là cư dân bản địa, đại đa số theo Phật giáo Nam tông.

Đồng bào Khmer sống xen kẽ với đồng bào Kinh, Hoa trong các phum, sóc, ấp. Tín đồ Phật giáo Nam tông người Khmer ở Tây Nam Bộ hiện nay có trên một triệu người với 8.415 sư và 440 ngôi chùa, phân bố ở 8 tỉnh: Trà Vinh, Sóc Trăng, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu. Phật giáo Nam tông chi phối cộng đồng người Khmer ở Nam bộ khá sâu sắc và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội (Xem bảng 3. 9).

Về tâm lý dân tộc. Do sự hội nhập của người Khmer vào cộng đồng các

dân tộc Việt Nam khá phức tạp; do nhiều nguyên nhân lịch sử để lại mà trong đồng bào Khmer Nam Bộ vẫn chưa có nhận thức rõ ràng, đúng đắn về vùng đất này. Đây là rào cản vô hình nhưng lại có sức mạnh tác động, chi phối không nhỏ đến vấn đề đoàn kết dân tộc trong cộng đồng người Khmer ở Nam

Bộ. Từ đó, cảm nhận về sự mất mát do những thay đổi quan hệ tộc người trong lịch sử vẫn còn rơi rớt trong một bộ phận đồng bào Khmer.

Về chính trị của người Khmer

Phật giáo Nam tông của người Khmer ở vùng Tây Nam Bộ thực sự có vai trò to lớn trong tất cả các lĩnh vực đời sống của cộng đồng, từ kinh tế, văn hóa đến giáo dục, chính trị;… đã góp phần không nhỏ cho việc thực hiện mục tiêu an dân trong tiến trình phát triển, đổi mới của đất nước. Các vị sư trụ trì trong chùa Khmer có vị trí quan trọng, có uy tín lớn đối với tín đồ, có thể vận động tín đồ tham gia, hưởng ứng nhiều phong trào chung, đem lại hiệu quả và lợi ích to lớn cho cộng đồng.

Các vị chức sắc tôn giáo, Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước ở các địa phương đã góp phần tích cực cùng với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp trong việc giáo dục, vận động sư sãi, đồng bào Khmer chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tham gia tốt các phong trào cách mạng của địa phương. Nhiều vị sư tiêu biểu được cử tham gia là thành viên của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội đồng Nhân dân các cấp, có vị là đại biểu Quốc hội.

Thực tế cũng đã cho thấy, hiện nay, tổ chức Liên Hiệp Hội KKK (Campuchia Khmer Krom) cũng đang ra sức lôi kéo đồng bào Khmer Nam Bộ, sư sãi Khmer để phục vụ ý đồ chính trị xấu xa của chúng, nhằm bôi nhọ chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta.

Một phần của tài liệu vấn đề mâu thuẫn dân tộc trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở vùng tây nam bộ (Trang 95)