đất đai, về công nhiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa
Thực tế cho thấy cơ chế, chính sách về đầu tư, đất đai ở vùng Tây Nam Bộ bên cạnh những thành tựu đã đạt được, cũng xuất hiện nhiều tồn tại, bức xúc đã được các phương tiện thông tin đại chúng nêu lên, trong đó đáng lưu ý là tình hình khiếu kiện tố cáo về đất đai tăng lên cả về số lượng lẫn về quy mô cùng với vấn đề ô nhiễm môi trường, … Để khắc phục một số bất cập của cơ chế, chính sách đối với vùng Tây Nam Bộ hiện nay, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc Khmer, chúng ta cần tích cực khắc phục một số bất cập chủ yếu như sau:
Thứ nhất, khắc phục tình trạng nông thôn đang được đô thị hóa và công
nghiệp hoá trong bối cảnh chưa có quy hoạch tổng thể, rõ ràng về sử dụng đất. Các tỉnh vùng Tây Nam Bộ cần rà soát lại việc quy hoạch tổng thể trong sử dụng đất đai cho phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, khu công
nghiệp và đô thị nhằm kiểm soát, hạn chế tối đa việc ô nhiễm môi trường, khiếu kiện tố cáo về đất đai ngày càng tăng,…
Thứ hai, cần chú ý đúng mức đến nhiệm vụ CNH, HĐH và đô thị hóa
vùng đồng bào dân tộc Khmer ở Tây Nam Bộ nhằm đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội một cách tương đối đồng đều giữa các vùng lãnh thổ khác nhau, vì trong chừng mực nhất định, hạn chế yếu kém về lĩnh vực này có ảnh hưởng đến an sinh xã hội và an ninh quốc phòng vùng Tây Nam Bộ.
Thứ ba, thực tế cho thấy, UBND cấp tỉnh và thành phố có quyền lực
lớn trong việc định đoạt về quy mô và mức độ chuyển đất nông nghiệp thành đất phi nông nghiệp và quy định giá thu hồi. Mặc dù người dân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng ruộng đất nhưng tính sở hữu về quyền, tài sản đất đai chưa được phân định rõ. Cơ chế đó dẫn đến tình trạng quy hoạch bừa bãi, đền bù tùy tiện mà thực chất là mua rẻ bán đắt ruộng đất của nông dân ở nhiều địa phương vùng Tây Nam Bộ vài năm nay. Do vậy, cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản dưới luật quy định cụ thể về chuyển nhượng, mua, bán đất đai, góp vốn bằng đất vào kinh doanh... các hoạt động này cần được bảo vệ bởi một hành lang pháp lý phù hợp; cần có những chế tài đúng mức hơn nữa về nội dung quyền định đoạt trong quyền sở hữu ruộng đất chứ không phải là quyền chuyển nhượng như tập quán đã qua.
Thứ tư, cần vận dụng cơ chế thị trường trong việc chuyển đổi mục đích
sử dụng đất nông nghiệp, giá bồi thường đất nông nghiệp phải sát với thị trường: Cần chấp nhận thị trường đất đai một cách đầy đủ. Đất đai là hàng hóa thì giá đất giao dịch trên thị trường phải theo quy luật thị trường, có sự thỏa thuận giữa người mua đất và bán đất, đảm bảo công khai và minh bạch. Khi Nhà nước và nhà đầu tư cần sử dụng đất của dân thì mua lại theo giá thỏa thuận. Về lý luận cũng như thực tiễn không thể có thị trường đích thực về quyền sử dụng đất mà chỉ có thị trường đích thực về đất gắn với quyền sở hữu. Thực hiện tích cực, hiệu quả vấn đề như trên, ít nhất cũng hạn chế được
những hiện tượng như một ít quan chức tiêu cực biến thành địa chủ mới ở Cà Mau trước đây, hay lối quy hoạch bừa bãi ở nhiều địa phương vài năm nay.
Thứ năm, hạn điền 3 ha là quá nhỏ, hạn chế sức sản xuất và phát triển
nông nghiệp theo hướng hàng hóa, phân công lại lao động trong nông thôn. Năm 2011, cả nước có khoảng 20 nghìn trang trại thì hơn 81% số chủ trang trại, nhất là ở vùng sản xuất hàng hóa như Đồng bằng sông Cửu Long, bức xúc về vấn đề hạn điền [121, 4]. Mức hạn điền quá nhỏ và tính chung cho tất cả các loại cây trồng, vật nuôi là không hợp lý. Điều này đã gây khó khăn cho việc tích tụ ruộng đất, thu hút lao động nông nghiệp, khiến nhiều gia đình đã tách thành các hộ nhỏ trong khi chưa cần thiết, để ứng phó với chính sách. Do vậy, cần nới rộng hạn điền một cách phù hợp và phải tính đến yếu tố hiệu quả. Hạn điền quá nhỏ sẽ dẫn đến làm cho sản xuất manh mún, quá lớn sẽ dẫn đến tình trạng đầu cơ về ruộng đất, bất ổn về mặt xã hội. Bởi vậy, hạn điền của ta cần được nghiên cứu lại một cách khoa học và thực tiễn cho từng vùng, từng nhóm cây trồng, vật nuôi cụ thể để có thời hạn giao đất hợp lý.
Thứ sáu, việc dồn điền, đổi thửa để giảm sự manh mún về đất đai phải
được dựa theo nguyên tắc thị trường, nghĩa là phải từ giá trị thu được trên đơn vị diện tích của từng loại đất để trao đổi, không nên dựa vào sự phân hạng đất theo chỉ số nông hóa thổ nhưỡng để làm hệ số quy đổi. Vì chỉ số này phân hạng chủ yếu dựa vào năng suất lúa tiềm năng, trên thực tế, không phải đất nào cũng sản xuất lúa.
Trong điều kiện quỹ đất ở vùng Tây Nam Bộ có hạn, người đông và là một trong những vùng chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu nên khi nước biển dâng lên thì sẽ nhấn chìm một diện tích lớn đất nông nghiệp... Do vậy, quá trình thực hiện CNH, HĐH và đô thị hóa ở vùng Tây Nam Bộ hiện nay nếu thiếu thận trọng trong quy hoạch sử dụng đất thì chúng ta sẽ phải trả giá không chỉ về mặt kinh tế mà cả về chính trị - xã hội, mục tiêu giải quyết mâu thuẫn và ổn định trật tự xã hội ở vùng Tây Nam Bộ sẽ gặp khó khăn.
4.2.2. Khắc phục một số bất cập của cơ chế, chính sách về xóa đói giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc Khmer ở vùng Tây Tây Nam Bộ