Đổi mới phương thức giải quyết các vấn đề văn hó a tôn giá o dân tộc ở vùng Tây Nam Bộ

Một phần của tài liệu vấn đề mâu thuẫn dân tộc trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở vùng tây nam bộ (Trang 129 - 135)

Giải quyết các vấn đề văn hóa - tôn giáo - dân tộc là nhóm giải pháp có ý nghĩa chiến lược trong việc giải quyết vấn đề lợi ích đối với đồng bào dân tộc Khmer ở vùng Tây Nam Bộ hiện nay nhằm ngăn chặn từ xa khả năng xảy ra bất ổn chính trị phát sinh từ mâu thuẫn dân tộc. Do vậy, đổi mới phương thức để giải quyết có hiệu quả các vấn đề đang còn tồn đọng cộng với những vấn đề mới nẩy sinh trong lĩnh vực này đang là những đòi hỏi bức bách.

4.1.2.1. Đổi mới phương thức giải quyết các vấn đề văn hóa

Đổi mới phương thức giải quyết các vấn đề văn hóa đối với cộng đồng người Khmer ở vùng Tây Nam Bộ cần chú trọng đến một số giải pháp cơ bản, như sau:

Thứ nhất, định hướng bảo tồn, phát huy, phát triển tinh hoa văn hóa tộc người. Đây là vấn đề vừa có ý nghĩa chiến lược vừa mang tính cấp bách.

Trong thực tiễn, công tác thông tin, tuyên tuyền cần tập trung hướng về cơ sở; làm tốt công tác nghiên cứu sưu tầm những giá trị truyền thống tốt đẹp đang

tiềm ẩn trong các sinh hoạt văn hoá của đồng bào; củng cố ý thức trân trọng, gìn giữ, phát huy, phát triển những giá trị văn hóa truyền thống đó; tiếp nhận có chọn lọc, cải biến các yếu tố văn hóa tiên tiến, tích cực của các dân tộc khác trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; chung tay xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phong phú trong đa dạng.

Thứ hai, kiên quyết đấu tranh xóa bỏ những yếu tố văn hóa ngoại lai tiêu cực, những quan điểm không đúng về văn hóa dân tộc. Đồng thời cũng

nỗ lực giáo dục thuyết phục để sớm xóa đi những quan niệm lệch lạc ở một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên trong cộng đồng dân tộc Khmer hiện nay: tính tự ti tộc người mà xuất phát từ quan niệm “hiện đại hoá đồng nghĩa với “Tây phương hoá”, “hiện đại hoá là sự đứt đoạn về văn hóa”, coi văn hóa truyền thống hình thành từ nông nghiệp lạc hậu, trì trệ chỉ ứng hợp với xã hội mang nền kinh tế đó” [20, 4].

Có như vậy thì văn hoá các tộc người mới có sức sống lâu dài, mới trở thành một trong những động lực cơ bản của quá trình phát triển và đủ sức đề kháng để đào thải những yếu tố không phù hợp và loại trừ những yếu tố độc hại từ bên ngoài.

Thứ ba, đào tạo đội ngũ cán bộ hoạt động trong lĩnh vực văn hóa. Đào tạo lực lượng trí thức hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật ở vùng đồng bào dân tộc Khmer Tây Nam Bộ là một trong những yếu tố, động lực bảo đảm cho sự ổn định và phát triển bền vững.

Thực hiện giải pháp này, (1), trước tiên cần rà soát bổ sung, quy hoạch cán bộ từ xã đến tỉnh, đặc biệt là đối với cán bộ công tác tại các vùng có đông đồng bào Khmer, các chức danh chủ chốt thường xuyên tiếp xúc với đồng bào Khmer nhất thiết là người Khmer hoặc thông tạo tiếng Khmer. Bởi lẽ, ít ai nắm được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, phong tục tập quán, truyền thống dân tộc của người Khmer bằng chính cán bộ là người Khmer; (2), nên tạo nguồn cán bộ Khmer bằng nhiều hình thức khác nhau, trước mắt, cần tuyển chọn, sử dụng hợp lý những em đã tốt nghiệp đại học theo chính sách cử

tuyển của Chính phủ hiện nay vẫn chưa có việc làm; (3), kế đến, trong cơ cấu đầu tư cho các vùng đặc biệt khó khăn cần ưu tiên cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là người dân tộc Khmer.

Đào tạo lực lượng trí thức hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật ở vùng đồng bào dân tộc Khmer Tây Nam Bộ cần ưu tiên tuyển chọn con em của đồng bào dân tộc Khmer. Vì là con em của đồng bào Khmer nên họ rất thuận lợi trong giao tiếp, được đồng bào tin tưởng, cởi mở và cán bộ Khmer của chúng ta cũng dễ chia sẻ cùng đồng bào, lợi thế trong việc định hướng văn hóa, tập hợp, vận động giáo dục, thuyết phục đồng bào thực hiện chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước…

Hiệu quả trên mang lại không chỉ cho lĩnh vực văn hóa mà còn góp phần không nhỏ vào mục tiêu giải tỏa mâu thuẫn, ổn định chính trị - xã hội và phát triển bền vững.

4.1.2.2. Đổi mới phương thức giải quyết các vấn đề tôn giáo

Ở vùng Tây Nam Bộ, Phật giáo Nam tông chi phối mọi sinh hoạt tinh thần của người Khmer, trở thành yếu tố văn hóa, tư tưởng gắn kết mọi thành viên trong cộng đồng với nhau. Do vậy, để tránh những va chạm, xung đột không đáng có như đã từng xảy ra trước đây, việc giải quyết các vấn đề về tôn giáo đối với người Khmer ở vùng Tây Nam Bộ cần có những bước đổi mới nhất định như sau:

Thứ nhất, phát huy vai trò tích cực của Phật giáo Nam tông Khmer đối với cộng đồng. Đạo Phật như Đảng ta khẳng định có nhiều mặt tích cực, nhất

là giá trị của nó trong lĩnh vực đạo đức, lối sống. Đạo Phật khuyên con người luôn giữ tính thiện, từ bi, hỉ xã, không làm điều ác. Điều này có tác dụng chi phối tích cực đến cách nghĩ, lối sống của người Khmer Nam Bộ.

Trên tinh thần đó, giới lãnh đạo, quản lý xã hội cần phát huy vai trò của Hội đoàn kết sư sãi yêu nước, tạo điều kiện, phương tiện và kinh phí cho Hội cùng với chính quyền vận vận động đồng bào tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, tôn trọng pháp luật góp

phần tích cực thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của địa phương; xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng phương hướng hành đạo theo chủ trương, chính sách, phát luật của Đảng và Nhà nước; tích cực xây dựng cuộc sống tốt đời đẹp đạo góp phần vào chương trình xây dựng nông thôn mới trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay.

Tuy nhiên, bên cạnh vai trò tích cực của mình, Phật giáo Nam tông Khmer đã duy trì quá lâu những quy định lạc hậu, lỗi thời như tín đồ phải đóng góp nhiều, hình thức tồn tại không đáp ứng được sự thay đổi và phát triển của nền kinh tế thị trường, đã tác động cản trở quá trình phát triển kinh tế - xã hội của người Khmer ở vùng Tây Nam Bộ…

Vì vậy, song song với việc phát huy vai trò tích cực của Phật giáo Nam tông Khmer, các cấp chính quyền Tây Nam Bộ cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đấu tranh khắc phục những khía cạnh tiêu cực, lạc hậu trên, nhằm nâng cao dân trí và nhận thức của đồng bào. Đây có thể được coi là một trong những phương thức cơ bản và thường xuyên trong giải quyết các vấn đề tôn giáo ở vùng Tây Nam Bộ.

Thứ hai, đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu của các thế lực thù địch. Trước tình hình tôn giáo vùng đồng bào dân tộc Khmer khu vực

Tây Nam Bộ còn không ít diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định, nhất là ở các vùng đồng bào dân tộc dọc theo tuyến biên giới Việt Nam -Camphichia thuộc địa phận các tỉnh Kiên Giang, An Giang và Đồng Tháp; tình hình khiếu kiện và tranh chấp liên quan đến đất đai và cơ sở vật chất tôn giáo ngày càng tăng, có nơi gay gắt, phức tạp; ở một số nơi, nhất là các vùng dân tộc thiểu số, một ít nhà tu hành đã lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để tiến hành những hoạt động chống đối, phá hoại…

Do vậy, các cấp chính quyền Tây Nam Bộ cần tích cực đổi mới nội dung và phương thức tuyên truyền, vận động đồng bào đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại mọi hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo của các thế lực thù địch; nghiêm cấm việc ép buộc đồng bào theo đạo hoặc bỏ đạo và xử lý

nghiêm theo pháp luật những người hoạt động truyền đạo trái pháp luật, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội ở khu vực.

Ngoài ra, các cấp ủy Đảng còn phải tăng cường củng cố nhận thức của cán bộ, đảng viên, giáo dục quán triệt đầy đủ các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về tôn giáo; khắc phục tư tưởng chủ quan, nóng vội, giản đơn trong xử lý vấn đề tôn giáo.

Thứ ba, thực hiện tốt chính sách tôn giáo ở vùng Tây Nam Bộ. Người

Khmer ở vùng Tây Nam Bộ đều theo Phật giáo Nam tông Khmer, họ sống quần cư xung quanh ngôi chùa, nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng. Vì thế, để thực hiện có hiệu quả chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước đối với dân tộc Khmer, cần giải quyết một số vấn đề mang tính giải pháp như sau:

(1), cần coi trọng việc đầu tư xây dựng cơ sở thờ tự ở những địa bàn có đông đồng bào dân tộc Khmer nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo của họ; tạo điều kiện thuận lợi cho các chùa Khmer được tổ chức dạy và học các lớp Kinh, Luật, Giới và chữ Pali sơ cấp, dạy chữ Khmer trong các điểm chùa cho con em đồng bào dân tộc; nâng cao chất lượng dạy và học các trường Dân tộc nội trú; hỗ trợ kinh phí để xây dựng lò hỏa táng ở các chùa trung tâm.

(2), chức sắc phật giáo Nam tông Khmer là tầng lớp trí thức, đại diện cho dân tộc, có vai trò to lớn và ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống tinh thần của đồng bào Khmer, vì thế cần nghiên cứu thực hiện tốt chính sách đối với đội ngũ chức sắc Phật giáo Nam tông Khmer, như: Đối với các vị chức sắc phẩm từ Thượng tọa trở lên, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ kinh phí để mua bảo hiểm y tế cho họ, nhằm kịp thời động viên sự đóng góp của họ trong sự nghiệp Đạo pháp và Dân tộc; đồng thời cũng cần có kế hoạch, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ chức sắc trẻ trong Phật giáo Nam tông Khmer, đáp ứng nhu cầu về lâu dài trong sinh hoạt tôn giáo của đồng bào.

(3), cần hỗ trợ các chùa di tích, các chùa có công trong kháng chiến, mà tín đồ ở xung quanh khu vực chùa còn nghèo, không có điều kiện để sửa chữa

cơ sở thờ tự; tạo điều kiện để các chùa có được ghe Ngo và dàn nhạc Ngũ âm, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của đồng bào.

Thực hiện đổi mới phương thức giải quyết các vấn đề tôn giáo đối với phật giáo Nam tông của người Khmer ở vùng Tây Nam Bộ hiện nay nhằm đem lại những thành quả to lớn. Thứ nhất, giải quyết được nhiều vấn đề phức tạp về tâm lý, mặc cảm, về tư tưởng ly khai, về thù hận quá khứ… đã và đang tiềm ẩn bấy lâu nay ở người Khmer. Thứ hai, ngăn chặn và làm thất bại âm mưu lợi dụng tôn giáo để chống phá Đảng và Nhà nước ta của các thế lực thù địch bên ngoài. Thứ ba, giúp cho Đảng và chính quyền nhà nước ở các địa phương Tây Nam Bộ thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý và giải tỏa mâu thuẫn, xung đột xã hội, đặc biệt là mâu thuẫn, xung đột về những vấn đề tôn giáo - dân tộc.

4.1.2.3. Đổi mới phương thức giải quyết các vấn đề dân tộc ở vùng Tây Nam bộ

Quá trình tồn tại và phát triển vùng đất Tây Nam Bộ đã hình thành khối đại đoàn kết gồm nhiều dân tộc anh em Việt (Kinh), Khmer, Hoa, Chăm... Tuy nhiên, thực tiễn lịch sử Tây Nam Bộ cho thấy, một khi điều kiện khách quan có những khó khăn, bất lợi; việc xử lý chủ quan của lực lượng cầm quyền đôi khi còn bộc lộ những yếu kém, lệch lạc, thì những vấn đề quá khứ tiềm ẩn trong các tộc người lại dễ dàng bộc lộ ra thành xu hướng ly khai, kỳ thị. Căn nguyên tiềm ẩn của xu hướng này còn bắt nguồn từ những hẫng hụt, mặc cảm về lịch sử, về không gian sinh tồn, …

Trước tình hình các thế lực thù địch đã và đang lợi dụng vấn đề lịch sử, lãnh thổ vùng đất Tây Nam Bộ để kích động lòng hận thù, chia rẽ dân tộc và chống đối lại sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, các cấp ủy Đảng và Chính quyền ở các địa phương vùng Tây Nam Bộ cần phải chú trọng một số giải pháp cơ bản sau: (1), đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi những quan điểm về lịch sử vùng đất Tây Nam Bộ dưới góc độ khoa học, quan điểm lịch sử và tư tưởng tiến bộ nhằm đánh giá đúng quan hệ lịch sử

giữa các tộc người ở vùng đất này; (2), khắc phục xu hướng ly khai, kỳ thị tộc người, mà cơ bản nhất, hiệu quả nhất vẫn là sự gần gũi, tôn trọng và giúp đỡ tận tình những tộc người anh em, yếu thế để họ có điều kiện phát triển về kinh tế, văn hóa ngang bằng với các dân tộc khác, xóa dần những mặc cảm, định kiến lệch lạc đã sẵn có từ lâu. (3), khắc phục những biểu hiện tư tưởng dân tộc lớn của một số cán bộ và đồng bào người Việt; những sai phạm xảy ra trong quá trình thực hiện chính sách dân tộc như: một số cán bộ có tư tưởng ngờ vực ý thức quốc gia Việt Nam của người Khmer. (4), xây dựng khối đoàn kết và tạo điều kiện để tất cả các cộng đồng dân tộc anh em ở vùng Tây Nam Bộ cùng phát triển, giải tỏa sự ngờ vực, mất lòng tin của một bộ phận đồng bào Khmer đối với chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước.

Hỗ trợ đồng bào dân tộc Khmer bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tôn giáo gắn với sự phát triển của dân tộc Khmer; hướng hoạt động tôn giáo vào những cuộc vận động mang tính chất sinh hoạt văn hóa, nhân đạo, từ thiện; ngăn chặn kịp thời những hành vi lợi dụng tôn giáo để chống phá cách mạng, phản dân tộc, phản nhân văn; thường xuyên tạo dựng sự đồng thuận giữa các dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn; hòa giải các tranh chấp dân sự ngay từ khi vấn đề còn nhỏ nhất; giải quyết kịp thời khiếu kiện, những nguyện vọng chính đáng của đồng bào… tất cả việc làm đó vừa thể hiện tinh thần bình đẳng, đoàn kết, tương trợ cùng phát triển trong chính sách dân tộc của Đảng ta và Nhà nước ta vừa góp phần quan trọng trong việc giải tỏa những nguyên nhân sâu xa có thể dẫn đến những mâu thuẫn xung đột dân tộc ở vùng Tây Nam Bộ.

4.1.3. Tuyên truyền nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc Khmer ở vùng Tây Nam Bộ

Một phần của tài liệu vấn đề mâu thuẫn dân tộc trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở vùng tây nam bộ (Trang 129 - 135)