Dân tộc được dùng để chỉ một tộc người cụ thể, chúng tôi xin đề cập
đến một vài khái niệm tương đối phổ biến hiện nay:
Theo GS Phan Huy Lê, từ "dân tộc" do các trí thức cấp tiến Nhật Bản sáng tạo trên cơ sở chữ Hán để dịch từ "Nation" trong tiếng Anh. Nhưng ở Việt Nam, trong quá trình sử dụng, từ "dân tộc" mang nhiều nghĩa khác nhau:
Thứ nhất, là một đơn vị tộc người nói chung, không phân biệt cấp độ
loại hình cộng đồng như trường hợp nói: dân tộc Việt, dân tộc Tày, dân tộc Thái, Việt Nam có 54 dân tộc... Thứ hai, là cộng đồng quốc gia bao gồm nhiều cộng đồng cư dân, tộc người sống trên một lãnh thổ do một nhà nước quản lí, như trường hợp nói dân tộc Việt Nam, dân tộc Lào, dân tộc Campuchia...Thứ ba, là một cộng đồng mang tiêu chí của "Nation" như phương Tây [55, 07].
Theo tác giả Trần Bình, thực tiễn ở Việt nam cho thấy, các khái niệm
dân tộc và tộc người đều đã, đang và sẽ đồng thời tồn tại. Khái niệm dân tộc
được dùng để chỉ Dân tộc Việt Nam (tất cả những người là công dân Việt Nam, sinh sống trên đất Việt Nam và Việt kiều ở nước ngoài). Tuy thế, dân tộc cũng được dùng để chỉ các cộng đồng tộc người cụ thể như dân tộc Chăm, dân tộc Tày, dân tộc Việt (Kinh), dân tộc Mảng, dân tộc Sán Dìu,…Như vậy
trong thực tiễn Việt Nam, dân tộc có hai nội hàm: chỉ dân tộc ở cấp độ quốc gia - Nation (Dân tộc Việt Nam); chỉ cộng đồng tộc người cụ thể -
Thế giới đã và đang sử dụng năm tiêu chí để xác định Dân tộc (Ethnic - cộng đồng tộc người cụ thể): 1. Cùng tiếng mẹ đẻ (có ngôn ngữ tộc người thống nhất); 2. Cùng một khu vực lãnh thổ (có lãnh thổ tộc người thống nhất); 3. Có nền kinh tế tộc người thống nhất; 4. Có các đặc trưng văn hoá thống nhất; 5. Có ý thức tự giác tộc người thống nhất.
Các nhà Dân tộc học Xô Viết đã dùng bốn tiêu chí để xác định thành phần dân tộc ở Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô Viết: 1. Cùng cư trú
trên một phạm vi lãnh thổ nhất định; 2. Cùng nói một ngôn ngữ; 3. Có chung các đặc điểm văn hóa; 4. Có cùng ý thức dân tộc hay là tự giác dân tộc.
Tóm lại, dân tộc là một hình thức tổ chức cộng đồng người có tính chất ổn định được hình thành trong lịch sử, là sản phẩm của quá trình phát triển lâu dài của lịch sử xã hội.
Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam, dân tộc (nation) hay quốc gia dân tộc là cộng đồng chính trị - xã hội được chỉ đạo bởi một nhà nước, thiết lập trên một lãnh thổ nhất định, ban đầu được hình thành do sự tập hợp của nhiều bộ lạc, sau này của nhiều cộng đồng mang tính tộc người, của bộ phận tộc người; một cộng đồng dân tộc thường bao gồm nhiều cộng đồng tộc người, với nhiều yếu tố ngôn ngữ, yếu tố văn hóa, thậm chí nhiều chủng tộc khác nhau. Ngày nay do không gian xã hội được mở rộng mang tính toàn cầu, do phương tiện đi lại, mỗi cộng đồng dân tộc này lại có thêm nhiều bộ phận của các cộng đồng tộc người tham gia, nên tình trạng dân tộc đa tộc người là phổ biến [102, 655]
Theo GS, TS Vũ Dũng, khái niệm dân tộc được dùng theo những quan điểm khác nhau, thường có hai quan điểm chính: Thứ nhất, dân tộc với tư cách là một quốc gia. Ví dụ: dân tộc Việt Nam ( nước Việt Nam), dân tộc Đức (nước Đức) và dân tộc với nghĩa là một tộc người trong một quốc gia đa dân tộc. Ví dụ dân tộc Kinh (Việt), dân tộc Tày, Nùng, Ê Đê, Gia Rai… Như vậy, trong dân tộc lớn (quốc gia) có thể có dân tộc các thành phần. Quan điểm này cũng được nhiều nhà nghiên cứu hiện nay sử dụng. Thứ hai, dân tộc mang tính quốc gia. Ví dụ: dân tộc Việt Nam, dân tộc Lào, dân tộc Pháp… Còn các
dân tộc thành phần trong một dân tộc quốc gia được gọi là tộc người. Như vậy, trong dân tộc có thể có một số tộc người. Đây là quan điểm được nhiều nhà dân tộc học hiện nay tán thành. Theo đó, dân tộc Việt Nam có các dân tộc thành phần trong như: dân tộc Thái, Mường, Ba Na… Các dân tộc thành phần này được hiểu là các tộc người trong cộng đồng năm mươi bốn dân tộc Việt Nam. Nói cách khác, trong dân tộc Việt Nam có năm mươi bốn tộc người hay năm mươi bốn dân tộc thành phần [19, 122].
Chúng tôi nhất trí với các quan điểm vừa nêu. Thuật ngữ Dân tộc mà chúng tôi sử dụng trong luận án này được hiểu là cộng đồng tộc người, là một trong năm mươi bốn dân tộc ở Việt Nam (Dân tộc Kinh, Dân tộc Ba na, Dân
tộc Tày, Dân tộc Chăm, Dân tộc Khmer…).. Trong từng văn cảnh cụ thể,
chúng tôi có thể sử dụng thuật ngữ hoặc Dân tộc hoặc Tộc người.