- Phân phối thông qua các đại lý vé, các khu vui chơi giải trí hoặc các bộ phận chuyên trách về du lịch đi lại trong các công ty, cơ quan
3.3.2.3. Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến
Xúc tiến quảng bá du lịch là một trong những nội dung quan trọng mà Du lịch thủ đô đã tích cực thực hiện. Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến du lịch để nâng cao hình ảnh, vị thế của nước ta trên trường quốc tế, quảng bá sản phẩm du lịch, giới thiệu lịch sử và nền văn hóa truyền thống lâu đời nhằm lôi cuốn du khách. Nâng cao nhận thức xã hội về vai trò du lịch và ý thức trách nhiệm của toàn dân với việc bảo tồn di sản thiên nhiên, văn hóa
và môi trường tự nhiên, xã hội. Củng cố, mở rộng khai thác hiệu quả những thị trường quốc tế trọng điểm song song với việc phát triển thị trường nội địa phù hợp với điều kiện đất nước, đồng thời thúc đẩy đầu tư và hội nhập quốc tế. Đặc biệt chú ý tới việc xây dựng các ấn phẩm giới thiệu du lịch Hà Nội, phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền về du lịch, tổ chức các cụôc thi tìm hiểu, sáng tác về đề tài du lịch, phổ biến về du lịch cùng văn bản pháp quy hướng dẫn thực hiện. Tăng cường thông tin về du lịch cho khách hàng qua hình thức Phòng thông tin du lịch, biển quảng cáo tấm lớn, quảng cáo điện tử, biển chỉ dẫn, tổ chức những hội nghị chuyên đề xúc tiến du lịch, phối hợp với các Bộ, Ngành và các địa phương tổ chức lồng ghép du lịch với các họat động văn hóa, nghệ thuật, thể thao. Đồng thời tranh thủ các sự kiện quốc gia và quốc tế để giới thiệu về du lịch Hà Nội: Festival Huế năm 2010, Festival Đà Lạt, lễ hội Đền Hùng, Hội nghị Bộ trưởng Du lịch và Diễn đàn du lịch ASEAN năm 2009, các họat động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội cùng các sự kiện lớn khác diễn ra vào năm 2010.
Công tác xúc tiến, quảng bá cần hướng vào các thị trường có chi tiêu cao về du lịch, điển hình là Đức, Mỹ, Anh, Pháp, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia... Ngoài ra, vấn đề chốt hiện nay là quảng bá sản phẩm như thế nào và quy hoạch tuyến, vùng ra sao để quảng bá. Quảng bá là điều cần thiết, nhưng phải chuẩn bị cơ sở vật chất tốt đã thì mới mời họ vào. Nếu bây giờ có hàng chục triệu khách du lịch vào Việt Nam thì với những gì hiện có, liệu chúng ta có thể đáp ứng nhu cầu của khách. Đã quảng bá rồi thì phải có sản phẩm đáp ứng, nhưng một khi có những sản phẩm chưa đáp ứng thì không nên quảng bá.
KẾT LUẬN
Thủ đô Hà Nội với nguồn tài nguyên du lịch đa dạng và phong phú; với vị trí địa lý thuận lợi; là trung tâm kinh tế - chính trị - văn hoá - xã hội của cả nước; được mệnh danh là thủ đô vì hoà bình…. Thủ đô Hà Nội đang thay đổi và phát triển từng ngày. Đặc biệt là từ sau khi thủ đô Hà Nội được mở rộng, đồng nghĩa với việc quỹ đất cho phát triển sẽ lớn hơn, tài nguyên du lịch được bổ sung thêm, đáp ứng nhu cầu phát triển của nhiều ngành kinh tế, trong đó có du lịch.
Nhờ nhận thức được các thế mạnh sẵn, du lịch Hà Nội có thể đa dạng hóa sản phẩm du lịch một cách hiệu quả theo hướng phát triển bền vững và cần phải có kế hoạch khai thác hợp lý và đầu tư thích đáng nhằm tăng cường khả năng khai thác nhiều lần của tài nguyên du lịch. Điều này cũng đòi hỏi vào ý thức và hành động của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, gắn kết với lợi ích, vai trò của người dân, của từng tập thể, từng ngành hữu quan và điều không thể thiếu là tác động cần thiết của các nguồn lực kinh tế - xã hội với sự phát triển du lịch.
Trên cơ sở nghiên cứu, thu thập những thông tin, số liệu về hoạt động du lịch của thủ đô Hà Nội thời gian vừa qua. Đồng thời tác giả sử dụng phương pháp phỏng vấn chuyên sâu đối với những người nghiên cứu và quản lý về lĩnh vực du lịch, luận văn đã thực hiện với kết qủa như sau:
- Luận văn đã tập trung vào việc khái quát những vấn đề lý luận chung về du lịch và sản phẩm du lịch trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.
- Đánh giá thực trạng sản phẩm du lịch của thủ đô Hà Nôi giai đoạn 2001 - 2008. Trên cơ sở các số liệu thu thập được, luận văn đi sâu và làm sáng tỏ thực trạng sản phẩm du lịch của du lịch thủ đô Hà Nội. Tác giả cũng đã chỉ ra những thành công và hạn chế nhằm làm cơ sở cho việc đề xuất những phương hường và giải pháp trong phần sau.
- Căn cứ vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, Nghị quyết của Đảng bộ thành phố Hà Nội về định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tiếp theo và các số liệu thống kê, dự báo của du lịch thế giới, tác giả đã đưa ra phương hướng và một số giải pháp chủ yếu nhằm đa dạng hoá loại hình sản phẩm dịch vụ du lịch của thủ đô Hà Nội trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Các giải pháp trình bày có hệ thống, bao gồm: Khảo sát, khôi phục, nâng cao chất lượng các dịch vụ; Đổi mới, tăng cường thể chế, chính sách và phát triển nguồn nhân lực; Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến; các giải pháp cụ thể về loại hình sản phẩm du lịch. Trong khuôn khổ một luận văn thạc sỹ thì các vấn đề liên quan đến đa dạng hoá sản phẩm du lịch là rất lớn không thể tránh khỏi khiếm khuyết. Tuy nhiên, tác giả cũng đã cố gắng trình bày một cách có hệ thống các vấn đề từ thực trạng đến giải pháp. Tác giả xin chân thành cảm ơn các thầy cô giáo của Khoa Kinh tế - Chính trị, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội và cá nhân PGS, TS Vũ Văn Hân đã tận tình giúp đỡ trong hơn hai năm qua. Hy vọng rằng tác giả sẽ tiếp tục nhận được sự giúp đỡ, tạo điều kiện có hiệu quả để có cơ hội tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về lĩnh vực này.