- Phân phối thông qua các đại lý vé, các khu vui chơi giải trí hoặc các bộ phận chuyên trách về du lịch đi lại trong các công ty, cơ quan
3.3.1.1. Phát triển du lịch làng nghề
Hiện nay, Hà Nội có 1.160 làng có nghề thủ công, trong đó có 201 làng đã được công nhận danh hiệu làng nghề với nhiều nghề truyền thống có giá trị như: sơn mài, khảm trai, điêu khắc, thêu ren, tơ lụa, điêu khắc đá, gỗ, hàng song, mây, giang tre, nón lá, rèn, đúc….Tham gia vào sự phát triển "ngành công nghiệp không khói", Hà Nội và các nhà đầu tư cần phải lựa chọn các
làng nghề tiêu biểu như làng nghề mây, tre đan Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ), làng nghề khảm trai Ngọ Hạ, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, làng nghề tạc tượng Sơn Đồng, huyện Hoài Đức... để phát triển loại hình du lịch làng nghề. Những làng nghề này được xây dựng cho khách du lịch cần được giữ cho tinh khôi, thanh thoát. Đó là nơi khách đến để hiểu về nghề thủ công, sự khéo tay của nghệ nhân nước ta, tìm hiểu quy trình kỹ thuật làm ra sản phẩm, khách được thâm nhập vào cuộc sống cộng đồng ở ông thôn, lựa chọn, mua các mặt hàng thủ công giá cả phải chăng, thưởng ngoạn cảnh quan với các vẻ đẹp đặc trưng của làng quê Bắc Bộ và nhiều sinh hoạt dân gian phong phú, sôi động.
Ví dụ về cách làm du lịch ở Bát Tràng, Hội văn nghệ dân gian Việt Nam đã thúc đẩy dân làng làm bảo tàng lịch sử gốm Bát Tràng ngay trong đình thờ tổ, vừa mang ý nghĩa lịch sử, vừa mang ý nghĩa tâm linh. Đến đó du khách có thể hiểu được lịch sử phát triển của gốm, cách phân loại và tiếp cận, các vấn đề về kỹ thuật. Những thông tin đó sẽ giúp khách hiểu về Bát Tràng, và từ hiểu thì người ta sẽ mua nhiều sản phẩm hơn, và trân trọng gốm Bát Tràng hơn. Người thích trải nghiệm, thì đến Bát Tràng có thể tham gia từ lúc làm xương gốm, bàn xoay cho đến khi ngồi vẽ, chọn men. Cách làm này sẽ giúp làng nghề có tiền, sống được bằng du lịch.