3.4 .Giả thuyết nghiên cứu
3.4.1 .Tuổi chủ hộ
Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng khi tuổi của chủ hộ kinh doanh tăng lên, thì khả năng tiếp cận với các nguồn vốn vay tín dụng của họ sẽ suy giảm tương ứng (Diagne, 1999). Theo đó có tồn tại mối tương quan âm giữa tuổi và khả năng tham gia vào các chương trình tín dụng từ các tổ chức tín dụng. Điều này có nghĩa là, khi một cá nhân đang trưởng thành hơn (lớn hơn) hoặc già đi thì xu hướng vay từ các tổ chức tín dụng sẽ suy giảm. Điều này xuất phát từ khả năng trả nợ của các cá nhân này đang suy giảm tương ứng vì các cá nhân quá yếu hoặc không đủ sức khỏe để làm việc nhằm tạo ra thu nhập cần thiết để thực hiện các nghĩa vụ tín dụng với các tổ chức tín dụng (Togba, 2004). Tương tự vậy, một nghiên cứu được thực hiện bởi Mpuga (2010) đã cho thấy rằng tuổi của một cá nhân có tương quan dương với khả năng tiếp cận với nguồn vốn vay tín dụng. Các cá nhân trẻ và năng động thì thường có tham vọng kiếm thu nhập cao hơn và sẽ mở rộng đầu tư hoặc tham gia vào các hoạt động khác nhau hơn là tiết kiệm để tích lũy đủ vốn. Trong khi đó, những người lớn tuổi thì thường có khả năng phụ thuộc nhiều hơn vào tiền tiết kiệm trong quá khứ và tích lũy tài sản để tiêu dùng. Tác giả cũng nói thêm rằng người trẻ tuổi có xu hướng sẽ tiết kiệm và/hoặc vay mượn nhiều hơn để trang trải cho các hoạt động khác nhau, trong khi người lớn tuổi thì ngược lại. Các nghiên cứu của Barslund và Tarp (2008), Trần Dũ Điều (2017) cũng ủng hộ quan điểm này.
Trái ngược với phát hiện của Mpuga, Tang và các cộng sự (2010) đã ủng hộ quan điểm cho rằng các hộ kinh doanh có chủ hộ lớn tuổi thì có khuynh hướng vay nhiều hơn so với những người trẻ tuổi, nói cách khác, khả năng tiếp cận với nguồn vốn vay tín dụng là cao hơn. Bởi vì những người lớn tuổi dường như có mối quan hệ xã hộirộng hơn so với người trẻ tuổi, do đó, sẽ có thể dễ dàng tiếp cận với các nguồn vốn vay hơn. Các
nghiên cứu của Nguyễn Quốc Oánh và Phạm Thị Mỹ Dung (2010), Lê Trung Kiên (2016),Sekyi (2017) cũng ủng hộ quan điểm này. Đồng thời có thể thấy rằng, thực tế tại Việt Nam thì dường như những người thành đạt đa phần là những người lớn tuổi, cũng như có các tài sản nhất định và cũng có nhiều mối quan hệ xã hội. Do đó, khả năng tiếp cận các nguồn vốn vay tín dụng cũng như mức độ vay nợ của họ sẽ cao hơn so với những người trẻ tuổi, những khách hàng chưa có nhiều tài sản cũng như mối quan hệ xã hội. Vì thế, luận văn kỳ vọng hệ số hồi quy của biến tuổi chủ hộ kinh doanh là dương, nói cách khác, các chủ hộ kinh doanh càng lớn tuổi dường như có khả năng tiếp cận các nguồn vốn vay tín dụng cũng như mức độ vay nợ cao hơn.
Giả thuyết H1: Các chủ hộ kinh doanh càng lớn tuổi dường như có khả năng tiếp cận các nguồn vốn vay tín dụng cũng như mức độ vay nợ cao hơn