Tổng quan về thị trường xe khách chất lượng cao

Một phần của tài liệu Một số biện pháp nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh tại chi nhánh công ty cổ phần vận tải tốc hành mai linh tại khánh hòa (Trang 75 - 79)

II. THỰC TRẠNG KHẢ NĂNG CẠNH TRANH CỦA CHI NHÁNH CÔNG

3. Tổng quan về thị trường xe khách chất lượng cao

3.1. Thị trường xe khách chất lượng cao trên cả nước nói chung.

Xe khách chất lượng cao cạnh tranh khốc liệt:

Để xây dựng cho mình một thương hiệu, vài năm gần đây các doanh nghiệp vận tải hành khách TP HCM nói riêng và cả nước nói chung không tiếc tiền đầu tư, tung ra nhiều tiện ích nhằm hấp dẫn "thượng đế". Nhưng trong cuộc đua ấy, nhiều hãng đang phải đối diện với nguy cơ chết yểu vì cạnh tranh quá gay gắt.

Theo thông lệ, từ cuối quý 2 đến hết năm là "mùa" hiệp thương giữa các doanh nghiệp cũ (đã hoạt động lâu nay trên tuyến, đã có hoặc đang xây dựng thương hiệu) và các doanh nghiệp mới đăng ký. Nội dung hiệp thương gồm phân công số chuyến chạy trong ngày, giờ xe xuất bến của từng doanh nghiệp...Kết quả dựa trên biểu quyết theo đa số. Nhưng các doanh nghiệp cũ thường chiếm số đông, nên giành ưu thế chạy vào “giờ ngon”, nhiều khách. Các doanh nghiệp mới đành phải chấp nhận phương thức chạy vào các giờ ít khách. Tuy nhiên, chấp nhận chạy vào giờ “không ngon”, nhưng các doanh nghiệp vấn chưa được yên. Nhiều doanh nghiệp cũ cùng hè nhau bỏ ra một hai xe cho chạy rỗng (không cần có khách trên xe) cùng thời điểm xe của đơn vị mới vừa xuất bến. Các xe này sẵn sàng đua trên đường để tranh đón, bắt khách.

Trước nhiều ý kiến cho rằng sự cạnh tranh hiện nay là bất bình đẳng, ông Nguyễn Ngọc Thừa, Giám đốc công ty TNHH một thành viên Bến xe Miền Đông, nói: “ Chúng tôi không phân biệt doanh nghiệp cũ, mới, đã có thương hiệu hay chưa. Đơn vị nào có đủ điều kiện kinh doanh, đã đăng ký và được sự chấp nhận của cơ quan quản lý tuyến (là sở giao thông công chính hoặc Cục Đường bộ Việt Nam), đã đạt được kết quả hiệp thương với các doanh nghiệp khác thì đều được khai thác tuyến.

Hiện nay, ở miền Tây Nam Bộ, các loại xe vận tải hành khách thông thường và “xe dù” vẫn hoạt động trên nhiều tuyến. Nhưng xe khách chất lượng cao vẫn là sự

lựa chọn của nhiều hành khách. Điều đó lý giải vì sao số hãng xe chất lượng cao ra đời ngày càng nhiều, “châm ngòi” cho cuộc cạnh tranh kinh doanh vận tải hành khách ngày càng trở nên khốc liệt. Cứ sau một thời gian, tấm bản đồ xe chất lượng cao lại được … vẽ với tên hãng này mất đi, tên hãng khác xuất hiện. Để thu hút hành khách, hầu hết các hãng xe chất lượng cao đều cố gắng giữ giá vé ổn định nếu giá xăng dầu không tăng quá đột biến. Có hãng xe còn đưa ra mức giá khuyến mãi thấp hơn các hãng xe khác ở cùng thời điểm. Tuy nhiên, xem ra ông Nguyễn Văn Lấn (Phó TGĐ Mai Linh Express, phụ trách khu vực Tây Nam Bộ) đã có lý khi cho rằng, giá vé hiện nay không phải yếu tố quyết định trong cạnh tranh kinh doanh vận tải hành khách. Chất lượng dịch vụ chính là yếu tố ngày càng được hành khách quan tâm nhất.

Tạo cảm giác an toàn, tâm lý thoải mái cho hành khách với các dịch vụ tiện ích, thái độ phục vụ thân thiện, hòa nhã đang được các hãng xe chất lượng cao quan tâm trong “cuộc chiến” … giành lấy nụ cười cho hành khách. Hiện chưa có cuộc khảo sát nào về thị phần đối với loại hình vận tải hành khách của các hãng xe chất lượng cao. Tuy hiên, có thể thấy, các doanh nghiệp tiềm lực tài chính không mạnh, thiếu biện pháp quản lý hiệu quả khâu chất lượng dịch vụ sẽ khó trụ vững trong cuộc đua đường dài ngày càng khốc liệt …

Các doanh nghiệp thiếu vốn sẽ khó tồn tại:

Để nuôi dàn xe mới, đẹp và đua với các đối thủ khác trong cuộc chiến khẳng định thương hiệu, doanh nghiệp phải thật trường vốn.

Theo ông Nguyễn Thanh Tâm, chủ doanh nghiệp xe Rạng Đông, hiện có 2 nguồn tạo vốn. Một là vốn tự có. Thuộc dạng này thường là những người nhiều năm trước kinh doanh đất đai, nhà cửa … nay bán số bất động sản này đi làm vốn chuyển qua kinh doanh dịch vụ xe khách. Hoặc là các nghiệp chủ từng nhiều năm lặn lộn trong nghề xe nay có số vốn kha khá. Với số vốn đó họ có thể tham gia cuộc đua thương hiệu. Từ chỗ có thương hiệu , có khách thường xuyên, xe chạy có lời, họ sẽ quay lại mua đất mới và sẽ kinh doanh trên nhiều lĩnh vực khác. Dạng thứ hai là dựa vào nguồn vốn vay từ các ngân hàng, tổ chức cho thuê tài chính để mua xe.

Rủi ro rất cao vì thực chất dàn xe đã được thế chấp. Doanh nghiệp xe là người khai thác xe, thậm chí chỉ là người kiếm tiền trả nợ và lãi cho ngân hàng. Sau một thời gian chạy đua với doanh nghiệp xe khác, nếu không hiệu quả, không có tiền trả vốn và lãi, ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính sẽ thu hồi xe. Doanh nghiệp có thể bị phá sản, còn dàn xe ngân hàng thu về.

Vay được vốn ngân hàng không phải dễ. Các ngân hàng, tổ chức tài chính rất ngán ngại xuất tiền, bởi sau một thời gian chạy đua dàn xe đó cũng khó xác định được giá cả và chất lượng kĩ thuật một cách chính xác.

Các doanh nghiệp không tìm được chỗ dựa từ các cơ quan quản lý:

Mới đây nổ ra cuộc tranh chấp khai thác hành khách tuyến Quy Nhơn – TP.HCM giữa doanh nghiệp mới là Thuận Thảo với 6 doanh nghiệp cũ. Mâu thuẫn xung quanh giờ xuất bến của các đơn vị. Từ Uỷ ban Nhân Dân tỉnh Bình Định, sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định, sở Giao thông công chính TP.HCM đến Cục Đường bộ Việt Nam và Vụ Vận Tải, Bộ Giao thông vận tải đều khẳng định việc kinh doanh trên tuyến này của Thuận Thảo là đúng quy định hiện hành của Pháp luật. Thực tế, sau Luật Giao thông đường bộ , các Nghị định về vận tải của Chính phủ, thì các quyết định liên quan đến vận tải do Bộ Giao thông vận tải ban hành đều quy định thẩm quyền quản lý tuyến, giải quyết các tranh chấp tuyến của từng cấp từ sở, vụ, cục … Thế nhưng để giải quyết vụ tranh chấp trên, nhiều cuộc họp đã diễn ra, mà trách nhiệm vẫn bị đưa đẩy giữa các bên liên quan, dằng dai mãi vẫn chưa giải quyết được ổn thỏa. Mới đây, Bộ Giao thông vận tải lại báo xin ý kiến chỉ đạo giải quyết việc từ Thủ tướng trong khi trước đó Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ GTVT phải giải quyết vụ việc theo đúng luật, đúng thẩm quyền.

“Lạm phát” xe chất lượng cao:

Bến nào cũng có xe gắn biển xe chất lượng cao nhưng các chuyên gia về vận tải khẳng định, đến nay vẫn chưa có tiêu chí cụ thể nào về việc này và điều đó là do các nhà xe tự động gắn mác để “làm hàng”

Có những chuyến xe được quảng cáo là xe chất lượng cao (CLC) có thể lấy cớ đó mà thu giá vé cao hơn các loại xe thường. Vì thế đôi khi nhiều khách hàng phải

chịu mất tiền oan mà dịch vụ chẳng khác nào xe chợ. Nhiều xe CLC nhưng các thiết bị trong xe hỏng hóc rất nhiều, hơn nữa có những đoạn đường nguy hiểm nhưng tài xế vẫn chạy với tốc độ như … xe đua. “Không chạy nhanh thì những xe đi trước đón hết khách à. Mà chạy xe đường dài, không đi nhanh thế thì bao giờ đến nơi” một lái xe trên tuyến Giáp Bát – Vinh cho biết. Gọi là CLC nhưng thực tế khách hàng khi lên chiếc xe này đã nếm đủ mùi khó thở. Xe chở quá quy định, lại bắt trả khách dọc đường nên có khách hàng ví nó như “cối xay” di động không xứng với dòng chữ mà nhà xe gắn lên trước đó. Gọi là xe CLC nhưng dịch vụ trên xe lại không có gì, khách hàng phải tự túc, thậm chí cả lơ xe, tài xế và khách hàng vẫn thoải mái châm thuốc hút khi xe đang chạy mặc cho nhiều chị em phụ nữ không chịu nổi mùi khói thuốc nên nôn thốc nôn tháo ra sàn xe. Đánh trúng vào thị hiếu người tiêu dùng, trong mấy năm gần đây nhiều nhà xe đã tự tiện gắn “logo” xe CLC tung hoành trên các tuyến đường.

Theo ông Nguyến Mạnh Hùng, Chủ tịch Vận tải ô tô Việt Nam (VATA), trước đây Cục đường bộ Việt Nam cũng đã có quy định về các loại xe khách CLC. Tuy nhiên, hiện nay quy định này vẫn không rõ ràng, gây nhầm lẫn cho cả hành khách và chủ xe.

Số tuyến hoạt động khai thác:

Theo số liệu từ cục đường bộ Việt Nam cả nước có 3257 tuyến liên tỉnh (đi từ Tp. Hồ Chí Minh đến các tỉnh, thành phố: 279 tuyến; đi từ các khu vực, địa phương đến các tỉnh thành phố: 2978 tuyến.

Trong đó, số tuyến Mai Linh Express khai thác là 86 tuyến liên tỉnh, chiếm tỷ lệ 2,64% trên tổng số tuyến, nội tỉnh 3 tuyến và Opentour 6 tuyến.

Khối lượng khách qua các năm:

Bảng 2.10: Bảng thống kê số lượng khách qua các năm

Năm thống kê Tổng số Đường Bộ Đường sắt Mai Linh Exp Tỷ lệ %

2005 1.349,6 1.173,4 12,8 - -

2006 1.493,8 1.331,6 11,6 - -

2007 1.628,9 1.464,8 11,5 2,712 0,19

Tốc độ tăng trưởng khối lượng khách năm 2008/2007: 44%. Tốc độ tăng trưởng thị trường năm 2008/2007: 16%.

3.2.Xe khách chất lượng cao tại Khánh Hòa.

Hiện nay, Khánh Hòa có các tuyến xe CLC như: Nha Trang – Buôn Ma Thuột, Nha Trang – TP. HCM, Nha Trang – Đà Lạt, Nha Trang – Tuy Hòa và Nha Trang – Quy Nhơn, Nha Trang – Đà Nẵng, Nha Trang – Gia lai, … Theo mô hình xe CLC do Bộ GTVT đưa ra, các xe CLC cao phải có tuổi đời không quá 4 năm, có máy lạnh, trang bị kỹ thuật tốt; phục vụ trên xe phải có nước uống, khăn mặt thuốc y tế và túi chống nôn cho hành khách; xe xuất bến phải đúng giờ và đến bến cũng phải đúng giờ quy định, nếu chậm sẽ bị phạt; tại bến phải tổ chức bán vé riêng, bán vé trước hoặc tại chỗ; phòng đợi của khách phải là phòng lạnh và có trang bị các phương tiện giả trí …

Nhằm nâng cao chất lượng phục vụ các tuyến CLC, đồng thời để nhân rộng loại hình này trong thời gian tới, Sở GTVT đã yêu cầu các Doanh nghiệp có xe hoạt động trên các tuyến chất lượng cao, công ty dịch vụ vận tải Khánh Hòa phải kịp thời chấn chỉnh công tác quản lý theo đúng quy chế đã ban hành, tập trung một số biện pháp cụ thể như: Tăng cường giáo dục lái phụ xe chấp hành nghiêm túc các quy định đã đề ra; các doanh nghiệp vận tải phải có trang bị đồng phục đặc thù, có phù hiệu, bảng tên cho lực lượng lái phụ xe trên tuyến chất lượng cao; tổ chức tổng kiểm tra kỹ thuật phương tiện, hệ thống trang bị nội thất máy lạnh, trang bị phục vụ hành khách trên xe. Xe nào không đủ tiêu chuẩn theo quy định không cho bố trí trên tuyến. Các doanh nghiệp vận tải tổ chức các tổ kiểm tra đột xuất trên đường, kiểm tra hoạt động của từng phương tiện trên các tuyến để kịp thời xử lý, chấn chỉnh những sai phạm có thể xảy ra; công bố rộng rãi tại bến xe, trong phòng bán vé, phòng chờ, trên xe … quy chế tuyến CLC cho hành khách đi xe nắm rõ; có nhiều hình thức thuận tiện cho hành khách phản ánh với các cơ quan quản lý khi đi xe. Và khi có phản ánh của hành khách phải có biện pháp xử lý triệt để.

Một phần của tài liệu Một số biện pháp nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh tại chi nhánh công ty cổ phần vận tải tốc hành mai linh tại khánh hòa (Trang 75 - 79)