I. TÌNH HÌNH SẢN XUẤT KINH DOANH CỦA CHI NHÁNH
2. Môi trường sản xuất, kinh doanh của Chi nhánh
2.3.4. Văn hóa doanh nghiệp
Văn hóa doanh nghiệp chính là tài sản vô hình của mỗi doanh nghiệp. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường thì việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp là việc làm hết sức cần thiết nhưng cũng không ít khó khăn.
Có rất nhiều định nghĩa khác nhau về văn hóa. Theo E.Heriot thì “Cái gì còn lại khi tất cả những cái khác bị quên đi – cái đó là văn hóa”. Còn UNESCO lại có định nghĩa khác về văn hóa: “Văn hóa phản ánh và thể hiện một cách tổng quát, sống động mọi mặt của cuộc sống (của mỗi cá nhân và của mỗi cộng đồng) đã diến ra trong quá khứ, cũng như đang diễn ra trong hiện tại, qua hàng thế kỉ nó đã cấu thành một hệ thống các giá trị , truyền thống, thẩm mĩ và lối sống và dựa trên đó từng dân tộc khẳng định bản sắc riêng của mình”
Vậy văn hóa doanh nghiệp là gì? Văn hóa doanh nghiệp là toàn bộ các giá trị văn hóa được gây dựng nên trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của một doanh nghiệp, trở thành các giá trị, các quan niệm và tập quán, truyền thống ăn sâu vào hoạt động của doanh nghiệp ấy và chi phối tình cảm, nếp suy nghĩ và hành vi của mọi thành viên của doanh nghiệp trong việc theo đuổi và thực hiện các mục đích. Cũng như văn hóa nói chung, văn hóa doanh nghiệp có những đặc trưng cụ thể riêng biệt. Trước hết, văn hóa doanh nghiệp là sản phẩm của những người cùng làm trong một doanh nghiệp và đáp ứng nhu cầu giá trị bền vững. Nó xác lập một hệ thống các giá trị được mọi người làm trong một doanh nghiệp chia sẻ, chấp nhận, đề cao và ứng xử theo các giá trị đó. Văn hóa doanh nghiệp góp phần tạo nên sự khác biệt giữa các doanh nghiệp và được coi là truyền thống của riêng mỗi doanh nghiệp. Nhận thức được, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp là vô cùng quan trọng, là nền tảng cho sự phát triển bền vững. Chính vì vậy, trong 5 năm qua, công ty luôn đi tìm và xây dựng cho mình những sản phẩm dịch vụ có tính văn hóa đích thực với tác phong làm việc văn hóa chuyên nghiệp. Với khẩu hiệu “Tất cả vì khách hàng”, Mai Linh Express đã xác định rõ khách hàng như những người thân họ hàng ruột thịt của mình nên phải có thái độ phục vụ chu đáo, thân tình.
Các thành viên của Mai Linh luôn coi trọng và thấm nhuần văn hóa chính là gốc, là rễ, là nền tảng vững chắc cho mọi vấn đề. Công ty luôn đảm bảo cho nhân viên có một môi trường làm việc tốt, một môi trường làm việc rất thân thiện và cởi mở giữa các thành viên, sự đoàn kết giữa các thành viên rất tốt và các nhân viên luôn chấp hành những nguyên tắc chung của công ty đề ra. Mai Linh hiểu rõ, chỉ có
văn hóa đặc trưng của từng doanh nghiệp mới tạo nên một môi trường làm việc thân thiện, gắn kết mọi người gần lại, thương yêu, tôn trọng nhau và hết mình vì công việc.
Và một điều chắc chắn xây dựng văn hóa doanh nghiệp sẽ giúp Mai Linh phục vụ khách hàng chu đáo, lịch sự hơn và có những sản phẩm dịch vụ mang tính văn hóa, chuyên nghiệp cao. Tạo dựng nên một thương hiệu phát triển bền vững trong thị trường cạnh tranh khốc liệt và đó chắc chắn sẽ là vũ khí cạnh tranh đầy hiệu quả. Tuy công ty mới thành lập không lâu, nhưng với tinh thần làm việc và quyết tâm cao của toàn thể ban lãnh đạo cùng với nhân viên công ty đã cố gắng xây dựng, giữ gìn và phát huy những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của công ty.
Công ty đã xây dựng thành công thương hiệu của mình với nét văn hóa truyền thống mang bản sắc riêng, tên tuổi công ty ngày càng được khẳng định trong lòng khách hàng, giá trị của thương hiệu luôn tăng hàng năm và vươn xa ra những vùng lãnh thổ khác.
Mai Linh được ghi nhận là một trong những doanh nghiệp đi đầu, là “anh cả” trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp ở Việt Nam, tăng sự nhận thức của những công ty bạn về sự cần thiết phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp.