Chủ trương đổi mới đã giúp Việt Nam hòa nhập vào dòng chảy chung của nhân loại và đưa đất nước từ một nền kinh tế nghèo nàn đến một trong những nước có tăng trưởng kinh tế cao của châu Á. Tiến trình hội nhập được cụ thể hóa qua việc Việt Nam trở nên thành viên của khối ASEAN, tham gia APEC, gia nhập WTO. Việt Nam cũng đã thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều quốc gia, tham gia vào nhiều tổ chức quốc tế và thu hút đầu tư của nhiều tập đoàn nước ngoài.
Môi trường kinh doanh trong cả nước được cải thiện theo hướng ngày càng thuận lợi hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Hiện nay, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước ổn định về chính trị - xã hội, kinh tế vĩ mô và NLCT quốc gia dần được nâng cao ( theo xếp hạng tại Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu của WEF thì Việt Nam có vị trí 77 trong tổng số 125 quốc gia tham gia xếp hạng năm 2006, thứ 68/131 năm 2007, thứ 70/134 năm 2008, thứ 75/133 năm 2009, thứ 59/139 năm 2010 và thứ 65/142 năm 2011).
Việt Nam đã thoát khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp. Thông qua các chủ trương, đường lối, cơ chế, chính sách và các công cụ khác nhằm duy trì ổn định chính trị - xã hội, tăng trưởng kinh tế bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi cơ bản nêu trên,nước ta còn không ít những khó khăn thách thức: năng lực sản xuất còn thấp kém, nguồn lực huy động cho đầu tư phát triển còn hạn chế, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều bất cập, trình độ quản lý, điều hành chưa theo kịp đòi hỏi của thời kỳ mới, trình độ và kỹ năng của lực lượng lao động chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.