Các chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Một phần của tài liệu Các giải pháp cải thiện chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh khánh hòa (Trang 29 - 31)

Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được sử dụng như một công cụ quan trọng để đo lường và đánh giá thực tiễn điều hành kinh tế của chính quyền tỉnh và qua đó thúc đẩy sự phát triển khu vực kinh tế tư nhân của 63 tỉnh, thành phố Việt Nam. Chỉ số PCI không nhằm mục tiêu nghiên cứu khoa học đơn thuần hay để biểu dương hoặc phê phán những tỉnh đạt điểm thấp hay cao. Thay vào đó, chỉ số PCI cố gắng cung cấp những thông tin hữu ích cho lãnh đạo các tỉnh/thành phố, giúp họ xác định những lĩnh vực và cách thức để thực hiện những cải cách điều hành kinh tế một cách hiệu quả. Chỉ số PCI đo lường và đánh giá công tác quản lý và điều hành kinh tế của 64 tỉnh/thành phố trên 9 lĩnh vực có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của khu vực kinh tế dân doanh.

a. Chi phí gia nhập thị trường

Chỉ số này được xây dựng nhằm đánh giá sự khác biệt về chi phí gia nhập thị trường của các DN mới thành lập giữa các tỉnh với nhau. Chỉ số thành phần này đo lường thời gian và mức độ khó, dễ mà DN trải qua để đăng ký kinh doanh, xin cấp đất và hoàn tất các giấy phép cần thiết để bắt đầu tiến hành hoạt động kinh doanh.

b.Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất

Chỉ số này đo lường về hai khía cạnh của vấn đề đất đai mà DN phải đối mặt: đo lường mức độ khó khăn mà DN gặp phải trong việc tiếp cận đất đai và mặt bằng kinh doanh; và DN có thấy yên tâm và được đảm bảo về sự ổn định khi có được mặt bằng kinh doanh hay không.

c. Tính minh bạch và tiếp cận thông tin

Chỉ số thành phần này đo lường khả năng DN có thể tiếp cận được các kế hoạch của tỉnh và các văn bản pháp lý cần thiết cho hoạt động kinh doanh của mình, liệu DN có thể tiếp cận một cách công bằng các văn bản này, các chính sách và quy định mới có được tham khảo ý kiến của DN và khả năng tiên liệu trong việc triển khai thực hiện các chính sách quy định đó và mức độ tiện dụng, phổ biến của trang web tỉnh đối với doanh nghiệp.

d.Chi phí thời gian

Đo lường thời gian mà các DN phải bỏ ra để thực hiện các thủ tục hành chính cũng như mức độ thường xuyên và thời gian doanh nghiệp phải tạm dừng kinh doanh để các cơ quan Nhà nước của địa phương thực hiện việc thanh tra, kiểm tra. Như vậy, chỉ số này đề cập đến hai khía cạnh của chi phí thời gian: thời gian giải quyết các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính và thời gian làm việc với các đoàn thành tra, kiểm tra.

e. Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh

Đo lường tính sáng tạo, sáng suốt của lãnh đạo tỉnh trong quá trình thực thi chính sách Trung ương cũng như trong việc đưa ra các sáng kiến riêng nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Đồng thời, đánh giá khả năng hỗ trợ và áp dụng những chính sách đôi khi chưa rõ ràng của Trung ương theo hướng có lợi cho DN.

f. Chi phí không chính thức

Đo lường các khoản chi phí không chính thức mà DN phải trả và các trở ngại do những chi phí không chính thức này gây ra đối với hoạt động kinh doanh của DN, việc trả những khoản chi phí không chính thức có đem lại kết quả hay “dịch vụ” như mong đợi và liệu các cán bộ Nhà nước có sử dụng các quy định của địa phương để trục lợi hay không.

g. Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp

Chỉ số này trước kia có tên gọi là chính sách phát triển khu vực kinh tế tư nhân, dùng để đo lường các dịch vụ của tỉnh để phát triển khu vực tư nhân như xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp, hỗ trợ tìm kiếm đối tác kinh doanh, phát triển các khu/cụm công nghiệp tại địa phương và cung cấp các dịch vụ công nghệ cho doanh nghiệp.

h.Đào tạo lao động

Chỉ số thành phần này đo lường các nỗ lực của lãnh đạo tỉnh để thúc đẩy đào tạo nghề và phát triển kỹ năng nhằm hỗ trợ cho các ngành công nghiệp tại địa phương và giúp người lao động tìm kiếm việc làm.

i. Thiết chế pháp lý

Đo lường lòng tin của doanh nghiệp tư nhân đối với hệ thống hệ thống tòa án, tư pháp của tỉnh, việc doanh nghiệp có xem các thiết chế tại địa phương này như là công cụ hiệu quả để giải quyết tranh chấp hoặc là nơi mà doanh nghiệp có thể khiếu nại những hành vi nhũng nhiễu của cán bộ công quyền tại địa phương hay không.

Một phần của tài liệu Các giải pháp cải thiện chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh khánh hòa (Trang 29 - 31)