Chương 3 Một số giải pháp hoàn thiện cơ chế quản lý đấu thầu ở Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế
3.1.1.1. Về sức cạnh tranh của hàng hoá và dịch vụ
Với trình độ phát triển kinh tế còn thấp, chuyển dịch cơ cấu chậm chạp, sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ kém, Việt Nam sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn trên bước đường hội nhập. Hội nhập buộc Việt Nam phải mở cửa thị trường, hàng hoá và dịch vụ quốc tế sẽ được ồ ạt nhập khẩu vào nước ta. Nếu chúng ta không chuẩn bị tốt, chủ động chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh mà cứ đầu tư dàn trải, thiếu gì làm nấy, công nghệ lạc hậu thì không thể cạnh tranh nổi mà hậu quả sẽ là sự phá sản hàng loạt của những công ty trong nước.
Hoạt động đấu thầu cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó, nếu không nhanh chóng thay đổi để thích nghi, các nhà thầu trong nước sẽ nhanh chóng bị loại bỏ ngay chính sân nhà của mình. Theo quy định của WB và ADB, sự ưu tiên chỉ
dành cho các nhà thầu trong nước khi sản phẩm của họ phải có một tỷ lệ % nhất định giá trị có xuất xứ ở trong nước, nhưng nếu với công nghệ và quy mô như hiện nay, thì dù có được ưu đãi, các nhà thầu trong nước cũng khó có thể cạnh tranh.
Trước yêu cầu phải giảm hàng rào thuế và phi thuế để mở đường cho thương mại phát triển, một mặt tính toán để thực hiện chính sách bảo hộ hợp lý sản xuất trong nước, bảo hộ có điều kiện, có chọn lọc, có thời gian. Để đạt được kết quả mong muốn, ta sẽ xác định và công bố thời gian bảo hộ đi đôi với việc đẩy nhanh tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên cơ sở lợi thế so sánh của ta, mặt khác, ta phải vận dụng các nguyên tắc của các tổ chức quốc tế về quyền tự vệ, quyền tham gia các tổ chức kinh tế khu vực, về ưu đãi cho các nước đang phát triển và chậm phát triểm như là những lợi thế giúp tìm lời giải thích hợp lý cho những thách thức nói triên. Vấn đề quan trọng đặt ra là sự tính toán, vận dụng không khéo các nguyên tắc của các tổ chức đó, để vận dụng vào thực thi chính sách vừa phù hợp với quốc tế, vừa bảo hộ và kích thích sự phát triển của các ngành sản xuất, của từng doanh nghiệp. Thực tế hai phần ba thành viên của WTO là các nước đang phát triển, một số nước thành viên của các tổ chức khu vực cũng đang ở trình độ phát triển thấp có những mặt tương đồng với Việt Nam. Vấn đề đặt ra là ta không ngồi chời mà luôn có biện pháp thích hợp với từng ngành, từng thời kỳ nhằm nâng cao nội lực của nền kinh tế và khả năng cạnh tranh.