Các tiện nghi và dịch vụ bổ trợ

Một phần của tài liệu Giáo trình Tổng quan du lịch: Phần 2 - ThS. Ngô Thị Diệu An, ThS. Nguyễn Thị Oanh Kiều (Trang 26 - 27)

Trong quá trình du lịch, du khách đòi hỏi một loạt các tiện nghi, phương tiện và các dịch vụ bổ trợ tại điểm đến du lịch. Bộ phần này có đặc điểm là phân tán về hình thức sở hữu. Các cơ sở cung cấp các tiện nghi và dịch vụ bổ trợ thường do các nhà kinh doanh nhỏ quản lý nên vừa có lợi vừa hạn chế. Có lợi ở chỗ các khoản chi tiêu của khách nhanh chóng đi vào nền kinh tế của địa phương. Còn điểm hạn chế là các doanh nghiệp nhỏ bị phân tán và thiếu một hành lang liên kết lại với nhau. Các cơ sở này cũng thường thiếu khả năng tự đầu tư để nâng cấp và thiếu chuyên gia về quản lý hoặc marketing. Đây cũng là những đòi hỏi cấp bách của ngành du lịch trong những năm gần đây.

Khả năng cung cấp các tiện nghi và dịch vụ hỗ trợ thể hiện sự đa ngành của cung du lịch và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các lĩnh vực kinh doanh du lịch. Số lượng cung cấp các tiện nghi và dịch vụ hỗ trợ tại một khu nghỉ dưỡng tùy thuộc vào số giường nghỉ sẵn có hay số khách viếng thăm. Ví dụ như tại một nước có ngành công nghiệp du lịch phát triển, nếu khả năng cung ứng khoảng 1000 giường nghỉ sẽ cần đến 6 cơ sở thương mại bán lẻ và dịch vụ tổng hợp; còn nếu có 4.000 giường nghỉ sẽ cần thêm các cơ sở chuyên môn hóa như cắt tóc, chăm sóc sức khỏe. Các tỷ lệ tương tự có thể được tính toán cho các nhà hàng, bãi đỗ xe, trung tâm giải trí, bể bơi,...

Khi qui mô của điểm đến du lịch được mở rộng, lượng khách ngày càng đông thì các tiện nghi và dịch vụ cần thiết cho du khách cũng tăng theo. Những tiện nghi này bao gồm các trung tâm thương mại bán lẻ, y tế, ngân hàng, nơi đổi tiền,... và các dịch vụ về an toàn, bảo hiểm. Các cơ sở này thường nằm gần các điểm hấp dẫn chính của điểm đến nhằm thuận tiện cho khách khi sử dụng. Do đó, tại các điểm đến du lịch có sự tập trung của các khu thương mại, dịch vụ, giải trí tại một hoặc một số khu vực nhất định.

Ngoài các tiện nghi và dịch vụ trên, tại điểm đến du lịch còn cung cấp các dịch vụ khác cho khách hàng và ngành du lịch thông qua các tổ chức du lịch của địa phương. Những hoạt động này bao gồm: quảng cáo cho điểm đến; lãnh đạo, phối hợp và kiểm soát sự phát triển của điểm đến; cung cấp dịch vụ thông tin hoặc đăng ký trước cho các cơ quan và cá nhân; tư vấn và phối hợp với các doanh nghiệp ở địa phương; cung cấp một số tiện nghi nhất định như giải trí, thể thao. Các tổ chức này có thể là nhà nước, hợp tác giữa nhà nước và tư nhân hoặc ở một số quốc gia có thể do tư nhân đảm nhận hoàn toàn. Các tổ chức này thường được kết nối với các tổ chức du

lịch quốc gia và khu vực nhằm tạo ra một hành lang chung cho ngành du lịch hoạt động. Tại Việt Nam các tổ chức này thường là các sở du lịch, trung tâm xúc tiến, đại diện Tổng cục du lịch hoặc các Hiệp hội du lịch.

Một phần của tài liệu Giáo trình Tổng quan du lịch: Phần 2 - ThS. Ngô Thị Diệu An, ThS. Nguyễn Thị Oanh Kiều (Trang 26 - 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(136 trang)