3.2.1. Thăm dò (exploration)
Giai đoạn này, điểm đến du lịch chưa được khai thác để phục vụ du lịch. Những người đến đây chủ yếu là các đối tượng thích phiêu lưu, mạo hiểm, các nhà thám hiểm. Họ bị hấp dẫn bởi những giá trị tài nguyên du lịch thiên nhiên còn hoang sơ hay những nền văn hóa chưa bị tàn phá ở điểm đến. Số lượng du khách đến đây rất ít vì khả năng tiếp cận điểm đến (giao thông đi lại) còn hạn chế; các tiện nghi, dịch vụ du lịch còn nghèo nàn, chưa phát triển. Hầu như, tại các điểm hấp dẫn du lịch chưa bị thay đổi bởi đầu tư du lịch và có mối liên hệ chặt chẽ với người dân địa phương.
3.2.2. Tham gia (involvement)
Giai đoạn này bắt đầu có sự tham gia của địa phương trong việc cung cấp những tiện nghi và dịch vụ cho du khách và sau đó tiến hàng quảng bá cho điểm đến. Điều này làm cho lượng khách du lịch đến đây thường xuyên và ngày càng tăng lên. Mùa du lịch bắt đầu xuất hiện và chi phối đến hoạt động kinh doanh. Điểm đến cũng bắt đầu tạo áp lực cho các cơ quan nhà nước trong việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng đề phục vụ nhu cầu du lịch ngày càng tăng.
3.2.3. Phát triển (development)
Biểu hiện rõ nét của giai đoạn này là khách du lịch đến viếng thăm với số lượng lớn và tăng nhanh, thậm chí quá tải (vượt quá sức chứa của điểm đến) vào những thời
kỳ cao điểm. Hoạt động du lịch có thể vượt xa tầm kiểm soát của địa phương. Điểm đến đã thu hút những nhà đầu tư từ bên ngoài cung cấp những tiện nghi và dịch vụ du lịch hiện đại hơn, làm thay đổi diện mạo của điểm đến du lịch. Tuy nhiên, điểm đến cũng bắt đầu nảy sinh những tiêu cực nhất định. Các vấn đề sử dụng quá mức và sự xuống cấp của các tiện nghi tồn tại do sự tăng nhanh của lượng khách du lịch đến thăm. Lúc này, vấn đề qui hoạch và kiểm soát hoạt động du lịch ở phạm vi quốc gia, vùng trở nên cần thiết, một phần khắc phục những vấn đề tồn tại, mặt khác có thể khai thác được một số thị trường khách quốc tế mới. Tại những thị trường này, du khách thường đi du lịch thông qua các chuyến đi của các đơn vị kinh doanh lữ hành.
3.2.4. Ổn định (consolidation)
Giai đoạn số lượt khách vẫn tăng và vẫn vượt quá sức chứa của khu vực nhưng tốc độ tăng thì chậm lại. Tại điểm đến đã có mặt đầy đủ các hình thức kinh doanh với đa dạng các loại hình dịch vụ du lịch chủ yếu và có các khu vực kinh doanh thương mại, giải trí riêng biệt, rõ ràng.
3.2.5. Ngừng trệ (stagnation)
Điểm đến đã đạt được số lượng khách đông nhất nhưng nó cũng không còn là mốt đối với khách du lịch nữa. Điểm đến không còn xa lạ với khách du lịch. Lúc này điểm đến chủ yếu dựa vào những chuyến viếng thăm lặp lại của du khách và kinh doanh trên các cơ sở, tiện nghi có sẵn. Mọi cố gắng của địa phương và doanh nghiệp nhằm đảm bảo duy trì nguồn khách và những chuyến viếng thăm. Điểm đến đã có thể tồn tại về môi trường, kinh tế, xã hội, văn hóa.
3.2.6. Suy giảm (decline)
Biểu hiện của giai đoạn này là số lượng khách giảm sút đáng kể do các điểm mới hấp dẫn hơn. Điểm đến dần dần nhàm chán với khách du lịch. Điểm đến có thể trở thành một khu trung chuyển khách mang tính chất địa lý cho các chuyến tham quan trong ngày hoặc là nơi nghỉ cuối tuần. Do ế ẩm nên các tài sản có sự luân chuyển quyền sở hữu cao; một số tiện nghi phục vụ du lịch như khách sạn, nhà hàng chuyển sang mục đích sử dụng hoặc kinh doanh lĩnh vực khác. Các cơ quan có trách nhiệm và thẩm quyền có thể đánh giá, xem xét giai đoạn này để đưa ra quyết định phục hồi điểm đến.
Các chủ thể có liên quan tiến hành thực hiện các quyết định về chuyển mục đích sử dụng mới, các thị trường mới, kênh phân phối mới và thực hiện định vị lại điểm đến du lịch. Hay nói cách khác điểm đến du lịch được làm mới lại để tiếp tục thu hút khách. Chẳng hạn như thay đổi điểm hấp dẫn của điểm đến bằng cách khai thác thêm các tiềm năng tài nguyên du lịch của địa phương; thay đổi các tiện nghi, dịch vụ bổ sung, giải trí mới.
Việc thực hiện các hướng phục hồi này thường có sự phối hợp giữa nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân nhằm đầu tư đúng hướng để tìm kiếm thị trường mới hay bắt đầu phát triển một chu kỳ mới.
4. Sức chứa của điểm đến du lịch
Khi phát triển du lịch, người ta thường quan tâm làm thế nào để phát triển lâu dài, bền vững. Sức chứa của điểm đến du là yếu tố trung tâm khi xem xét chiến lược phát triển du lịch bền vững. Trong hoạt động quản lý điểm đến du lịch cần chú ý phân tích sức chứa nhằm tổ chức khai thác khách du lịch hợp lý.
Sức chứa được hiểu đơn giản chính là số lượng người tối đa có thể sử dụng một vị trí du lịch mà không làm nơi đó bị hủy hoại môi trường tự nhiên và không làm ảnh hưởng đến các kinh nghiệm thu nhận được của du khách. Hiện nay, tài nguyên du lịch của điểm đến đang phải chịu áp lực ngày một gia tăng từ phía người sử dụng. Về góc độ quản lý, sức chứa can thiệp vào mối quan hệ giữa khách du lịch và tài nguyên du lịch hay điểm đến du lịch.
Theo Tổ chức du lịch thế giới, sức chứa của một điểm đến là mức độ sử dụng hoặc phát triển du lịch tối đa mà điểm đến có thể hấp thu (chấp nhận) mà không tạo ra sự phá hủy môi trường tự nhiên và các vấn đề kinh tế - xã hội đồng thời không làm giảm chất lượng và kinh nghiệm thu nhận của khách.
Khái niệm này khá dễ hiểu nhưng những tiêu chí đánh giá sức chứa chỉ mang tính định tính . Vì vậy rất khó khăn để sử dụng trong thực tiễn bởi sức chứa là một quyết định mang tính quản lý. Các nhà quản lý điểm đến du lịch khó có thể đưa ra quyết định về sức chứa của điểm đến như thế nào là không ảnh hưởng đến môi trường hay không làm ảnh hưởng đến kinh nghiệm thu nhận của khách. Tuy nhiên, dù sao đó cũng được xem như là các yêu cầu cơ bản để đưa ra cách quản lý sức chứa của điểm đến.
Trên thực tế, mỗi điểm đến có thể được quản lý theo các mức độ sức chứa cao thấp khác nhau tùy thuộc vào khả năng và trình độ quản lý cũng như các đặc điểm vốn có của tài nguyên du lịch thiên viên và văn hóa, các điều kiện về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật,... của điểm đến.
Theo nghiên cứu của một số tác giả người Anh (C.cooper và các tác giả khác), sức chứa của một điểm đến du lịch có thể xem xét trên 4 phương diện: vật chất, tâm lý, sinh học, xã hội và có thể gọi là 4 loại sức chứa:
Sức chứa vật chất: liên quan đến số lượng đất đai phù hợp và sẵn có cho nhu cầu phát triển các cơ sở tiện nghi cùng với năng lực giới hạn của các tiện nghi đó. Chẳng hạn như: bãi đỗ xe, diện tích phòng ăn, phòng ngủ, số chỗ ngồi hay số giường. Sức chứa vật chất có thể đo lường bằng các thước đo thông thường và có thể được sử dụng để qui hoạch hoặc quản lý.
Sức chứa tâm lý (nhận thức): được thể hiện thông qua chất lượng các kinh nghiệm mà du khách nhận được khi viếng thăm điểm đến. Tuy nhiên, có nhiều người thích sự yên tĩnh thì tránh nơi đông người, còn có những người khác lại chấp nhận sự đông đúc thậm chí thích những nơi đông người. Cho nên sức chứa tâm lý là một khái niệm mang tính cá nhân phụ thuộc vào sở thích của từng loại khách. Do đó, khi điều tra về sự phù hợp của sức chứa tâm lý có nhiều ý kiến có thể ngược nhau. Công tác quản lý, qui hoạch khó có thể chi phối bởi sức chứa này, mặc dù phong cảnh đẹp có thể làm giảm bớt ấn tượng của sự quá đông hoặc quá tải.
Sức chứa sinh học của một vị trí bị vượt quá khi sự xáo trộn hoặc thiệt hại về môi trường sinh thái đặc biệt là hệ động thực vật xả ra và không thể chấp nhận được. Có nhiều công trình nghiên cứu các "ngưỡng" có thể chấp nhận được của hệ động thực vật trước sự phát triển ngày càng gia tăng của hoạt động du lịch. Tuy nhiên, sức chứa sinh học có ý nghĩa khi nghiên cứu toàn bộ hệ sinh thái hơn là cân nhắc các yếu tố riêng lẻ của nó.
Sức chứa xã hội nảy sinh từ các ý tưởng hoạch định và phát triển du lịch bền vững phải dựa trên lợi ích cộng đồng. Nó biểu lộ và các mức độ phát triển được cộng đồng dân cư và chính quyền địa phương có thể chấp nhận được.