III. Tính thời vụ trong du lịch và sự ảnh hưởng của tính thời vụ Đặc điểm thời vụ du lịch và những tác động của thời vụ du lịch
CƠ SỞ VẬT CHẤT KỸ THUẬT VÀ LAO ĐỘNG TRONG DU LỊCH
1.2. Có tính chuyên môn hóa cao
Tính chuyên môn hóa trong kinh doanh dịch vụ du lịch được thể hiện rất rõ. Hoạt động kinh doanh du lịch được phân chia du lịch thành các lĩnh vực khác nhau (lưu trú, ăn uống, vận chuyển, lữ hành, tham quan giải trí), trong mỗi lĩnh vực lại có những bộ phận tác nghiệp khác nhau, các khâu khác nhau. Mỗi lao động đảm nhiệm công việc ở từng vị trí trong từng lĩnh vực phải thực hiện công việc theo những qui trình, kỹ năng chuyên môn khác nhau. Để thực hiện được công việc đòi hỏi nhân viên phải nắm kiến thức chuyên môn, có kỹ năng nghiệp vụ và đồng thời đảm bảo tố chất trong những vị trí công việc nhất định.
Tính chuyên môn hóa được thể hiện trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn, lao động được phân chia thành các bộ phận như lễ tân, phục vụ buồng, bảo vệ,.. mỗi một bộ phận lại có nhiều nhân viên phụ trách ở các khâu khác nhau. Chuyên mô hóa ở đây không có nghĩa là mỗi nhân viên làm việc độc lập hoàn toàn mà phải phối hợp chặt chẽ với nhau trong quá trình phục vụ cho du khách.
(Nguồn: http://dongphuc.net) (Nguồn: http://vietbao.vn)
Hình 4.1: Nhân viên bàn Hình 4.2: Nhân viên buồng
Tính chuyên môn hóa là vấn đề gây nên những trở ngại trong quản lý, sử dụng lao động. Đây cũng là nguyên nhân làm cho một số hoạt động du lịch trở nên độc lập như: hướng dẫn viên, đón tiếp tại khách sạn, tuyên truyền quảng cáo, bán hàng. Điều đáng nói là các hoạt động độc lập này góp phần vào việc đảm bảo chất lượng toàn diện dịch vụ cho khách vì một nhân viên không thể tiến hành đồng thời tất cả các hoạt động này. Tính chuyên môn hóa còn gây khó khăn cho việc thay thế lao động trong những trường hợp đột xuất như nghỉ ốm, nghỉ phép,... gây ảnh hưởng đến quá trình phục vụ du lịch.
Trong quản lý và sử dụng lao động cần thường xuyên tổ chức đào tạo, huấn luyện tay nghề cho nhân viên để đảm bảo công việc được thực hiện theo đúng chuyên môn. Tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát nhằm thúc đẩy nhân viên thực hiện đúng qui trình nghiệp vụ đem lại chất lượng dịch vụ tốt cho khách hàng. Bên cạnh đó doanh nghiệp cần xây dựng văn hóa làm việc tốt nhằm giúp nhân viên gắn kết, hợp tác với nhau trong công việc. Người lao động cần ý thức rằng bản thân họ chính là một phần trong chất lượng dịch vụ chung của doanh nghiệp.
Trong một số trường hợp đơn vị muốn sử dụng thêm những nguồn lao động thời vụ nhằm đáp ứng nhu cầu công việc vào mùa chính bằng cách ký hợp đồng ngắn hạn thì nên chọn những hoạt động ít yêu cầu tính chuyên môn hóa như: các công việc quét dọn, lau chùi vệ sinh, phục vụ các bể bơi, khu vui chơi giải trí.