Các hoạt động bổ sung

Một phần của tài liệu Giáo trình Tổng quan du lịch: Phần 2 - ThS. Ngô Thị Diệu An, ThS. Nguyễn Thị Oanh Kiều (Trang 27 - 28)

Mặt dù điểm hấp dẫn du lịch là nguyên nhân chính thúc đẩy động cơ đi du lịch của du khách nhưng các hoạt động bổ sung cũng rất quan trọng trong việc tăng thêm tính hấp dẫn, lôi cuốn của điểm đến. Những dịch vụ bổ sung còn giúp cho sản phẩm dịch vụ đa dạng hơn, kéo dài thời gian lưu lại của khách và khai thác thêm chi tiêu của khách. Nếu đến một điểm đến du lịch chỉ để tham quan một điểm hấp dẫn thì chắc chắn khách không ở lại lâu, đồng thời cũng không có gì để tiêu dùng và cũng không thể khuyến khích khách quay lại lần nữa.

Các hoạt động bổ sung này nhằm tạo ra cho du khách những hoạt động khác ngoài những nội dung chính trong chương trình du lịch của họ. Ví dụ, ngoài thời gian tham quan thì vào buổi tối hoặc khi điều kiện thời tiết không tốt thì khách du lịch có thể tham gia vào những hoạt động vui chơi, giải trí.

Chẳng hạn như khi khách du lịch đến Hạ Long, ngoài việc tham quan các điểm hấp dẫn trên Vịnh Hạ Long (như núi đá, hang động) thì vào buổi tối, khách du lịch có thể đến khu du lịch Tuần Châu để xem các hoạt động văn hóa, giải trí (như nhạc nước, biểu diễn xiếc cá heo,...). Nếu một số điểm đến du lịch có điểm hấp dẫn mang tính cá biệt như tại một khu trượt tuyết thì phải có một số hoạt động khác cho du khách khi họ không còn trên các đường dốc; khi thời tiết khắc nghiệt và sau khi trời tối; khi không còn khả năng để trượt nữa. Các hoạt động bổ sung này có thể giúp cho các thành viên trong gia đình thỏa mãn hơn khi cùng với gia đình đến viếng thăm một điểm đến, nhưng những điểm hấp dẫn chính lại ít hoặc không hấp dẫn với những thành viên này. Cho nên, chúng ta thường thấy các khu vui chơi dành cho trẻ em, giải trí dành cho thanh niên được kết hợp tại các điểm du lịch.

Mặt dù các hoạt động bổ sung không chỉ riêng có tại các điểm du lịch mà chúng cũng tồn tại ở nơi cư trú của khách nhưng khách du lịch lại mong muốn được sử dụng trong chuyến du lịch của họ. Chẳng hạn như đến rạp chiếu phim, tham gia thi đấu thể thao, quần vợt, chơi gôn thậm chí là dạo chơi vào buổi tối. Cho nên các hoạt động bổ sung cũng có thể là các hoạt động giải trí phổ biến, thông thường.

Sự kết hợp giữa điểm hấp dẫn và các dịch vụ bổ sung mà các điểm đến du lịch có thể tự mình tạo nên sự hấp dẫn mạnh mẽ đối với du khách. Cho nên các điểm đến du lịch cần phát triển các dịch vụ bổ sung một cách đa dạng, đồng bộ nhằm thu hút và khai thác khách có hiệu quả.

3. Chu kỳ phát triển của điểm đến du lịch

Một phần của tài liệu Giáo trình Tổng quan du lịch: Phần 2 - ThS. Ngô Thị Diệu An, ThS. Nguyễn Thị Oanh Kiều (Trang 27 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(136 trang)