III. Tính thời vụ trong du lịch và sự ảnh hưởng của tính thời vụ Đặc điểm thời vụ du lịch và những tác động của thời vụ du lịch
BIỂN, ĐẢO – SỨC BẬT CHO DU LỊCH VIỆT NAM
Du lịch biển, đảo hiện đang chiếm khoảng 70% hoạt động của ngành du lịch Việt Nam. Để du lịch phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam đã xác định du lịch
biển, đảo là bước đột phá để phát triển kinh tế biển và là một trong những định hướng quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế cũng như bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Thế mạnh du lịch biển, đảo
Việt Nam có đường bờ biển dài 3.260km và trên 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ, tiêu biểu là: Cô Tô, Quan Lạn (Quảng Ninh); Cát Bà, Bạch Long Vĩ (Hải Phòng); Cồn Cỏ (Quảng Trị); Lý Sơn (Quảng Ngãi); Phú Quý (Bình Thuận); Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu); Phú Quốc, Thổ Chu (Kiên Giang)… cùng 2 quần đảo xa bờ là Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong vùng biển nước ta, bên cạnh tiềm năng lớn về hải sản, rong biển, khoáng sản, dầu mỏ, còn có nhiều vũng, vịnh, hang động trên đảo, bãi tắm…, là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch biển, đảo. Nắm bắt thế mạnh này, thời gian qua, nhiều điểm du lịch biển nổi tiếng đã được đầu tư phát triển như: vịnh Hạ Long, bãi biển Trà Cổ, Vân Đồn, Quan Lạn, Minh Châu (Quảng Ninh); đảo Cát Bà (Hải Phòng); bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa); bãi biển Cửa Lò (Nghệ An); bãi biển Nhật Lệ (Quảng Bình); vịnh Lăng Cô (Thừa Thiên-Huế); bãi biển Non Nước, Mỹ Khê (Đà Nẵng); bãi biển Cửa Đại (Quảng Nam); bãi Dài, vịnh Nha Trang, vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa); bãi biển Mũi Né (Bình Thuận); Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu); đảo Phú Quốc, Hà Tiên (Kiên Giang)… Để tăng sức hấp dẫn và cạnh tranh cho du lịch biển, nhiều dịch vụ giải trí, thể thao biển đã được đưa vào hoạt động như: chèo thuyền du lịch, kéo dù bằng ca nô, lướt ván, đua thuyền, bóng đá, bóng chuyền bãi biển,… đặc biệt là loại hình ngắm biển bằng dù lượn, khinh khí cầu, máy bay mô hình (ở biển Nha Trang, Đà Nẵng) hay bằng máy bay trực thăng (ở vịnh Hạ Long).
Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, du lịch, nhất là hệ thống cơ sở lưu trú ven biển cũng được đầu tư phát triển. Tính đến nay, khu vực ven biển đã có gần 1.400 cơ sở lưu trú cung ứng trên 45.000 buồng. Ngoài ra, với vị trí nằm giữa hai trung tâm du lịch tàu biển lớn trong khu vực là Hồng Kông và Singapore, Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển loại hình du lịch tàu biển. Nhiều tàu biển du lịch quốc tế nổi tiếng thế giới như: Superstar Gemini, Costa Vitoria, Celebrity Millennium, Henna, Europa 2, Azamara… đã đưa khách đến Việt Nam, mỗi chuyến chở từ 500-3.000 khách. Tổng số khách tàu biển đến Việt Nam trong năm 2013 đạt hơn 190.000 lượt.
Tạo sức bật cho du lịch biển, đảo
Tuy có tiềm năng lớn nhưng du lịch biển ở Việt Nam vẫn chưa thực sự phát triển, chưa tạo được sức cạnh tranh cao do còn tồn tại một số hạn chế như: dịch vụ du lịch còn thiếu, nghèo nàn; sản phẩm du lịch biển chưa đa dạng; an ninh trật tự và việc quản lý giá tại một số khu, điểm du lịch chưa đảm bảo; công tác xúc tiến, quảng bá du lịch chưa mạnh; cơ sở hạ tầng giao thông chưa thực sự thuận tiện; kết cấu hạ tầng tại nhiều cảng biển còn hạn chế và việc định hình chức năng cảng biển du lịch chưa rõ ràng; chưa có bến tàu dành riêng cho du khách tàu biển; thiếu các dịch vụ bổ trợ để du khách tàu biển lưu trú dài ngày…
Nhằm khắc phục những hạn chế cũng như tạo sức bật cho du lịch biển, đảo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phê duyệt đề án “Phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020” (tháng 8/2013). Mục tiêu của đề án là đến năm 2020, du lịch biển sẽ trở thành động lực của kinh tế biển Việt Nam, góp phần đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển và bảo đảm vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh. Đề án cũng đề ra mục tiêu vào năm 2020, du lịch biển thu hút 22 triệu lượt khách quốc tế, 58 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch biển đạt 200.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, đề án đã đưa ra những định hướng phát triển chủ yếu, bao gồm: hình thành và đưa vào khai thác ít nhất 6 khu du lịch biển tầm cỡ quốc tế, có sức cạnh tranh cao vào năm 2020 (Hạ Long – Bái Tử Long – Cát Bà, Lăng Cô – Cảnh Dương, Hội An – Cù Lao Chàm, Nha Trang – Cam Ranh, Phan Thiết – Mũi Né, Phú Quốc); 5 cảng du lịch (Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang, TP. Hồ Chí Minh và Phú Quốc); tăng cường đầu tư xúc tiến quảng bá du lịch biển, đảo và xây dựng thương hiệu du lịch biển Việt Nam; đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch biển đặc thù (du lịch tham quan di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long gắn với các di tích lịch sử, văn hóa ở khu vực Bắc Bộ; du lịch tham quan, nghiên cứu các di sản văn hóa thế giới gắn với nghỉ dưỡng, thể thao biển ở khu vực Bắc Trung Bộ; du lịch nghỉ dưỡng, thể thao biển kết hợp tham quan vũng, vịnh ở Nam Trung Bộ; du lịch sinh thái, tham quan cảnh sông nước ở khu vực Nam Bộ); đầu tư phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch biển tại một số địa bàn trọng điểm (Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Khánh Hoà, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh và Kiên
Giang); tổ chức các không gian du lịch biển (không gian du lịch biển Bắc Bộ từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh với trung tâm là TP. Hạ Long và Hải Phòng cùng trọng điểm du lịch là Vân Đồn – Cô Tô, Hạ Long – Cát Bà, không gian du lịch biển Bắc Trung Bộ từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi với trung tâm là TP. Huế và TP. Đà Nẵng cùng trọng điểm du lịch là Huế, Đà Nẵng và phụ cận, không gian du lịch biển Nam Trung Bộ từ Bình Định đến Bình Thuận với trung tâm là TP. Nha Trang và trọng điểm du lịch là Nha Trang – Ninh Chữ - Mũi Né, không gian du lịch Nam Bộ từ Bà Rịa – Vũng Tàu đến Kiên Giang với trung tâm là TP. Hồ Chí Minh và Phú Quốc cùng trọng điểm du lịch là Long Hải – Vũng Tàu – TP. Hồ Chí Minh – Côn Đảo, Rạch Giá – Hà Tiên – Phú Quốc); xây dựng các khu du lịch, điểm du lịch, đô thị du lịch ven biển; các tuyến du lịch chủ yếu bằng đường bộ, đường không, đường biển, đường sông, đường sắt…
Để đạt được mục tiêu và định hướng đề ra, đề án đưa ra các giải pháp chủ yếu như: tạo cơ chế, chính sách thuận lợi để thúc đẩy phát triển du lịch biển; tăng cường năng lực cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch; rà soát điều chỉnh quy hoạch phát triển du lịch biển lồng ghép với kế hoạch ứng phó tác động biến đổi khí hậu; huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch biển, trong đó chú trọng xây dựng các cảng biển du lịch chuyên dụng, cơ sở hạ tầng du lịch tại 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; tuyên truyền, khuyến khích cộng đồng tham gia vào phát triển du lịch biển; chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch biển, đảo đặc thù, có sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế, tiến tới xây dựng thương hiệu du lịch biển Việt Nam; phối hợp chặt chẽ với ngành quốc phòng và các địa phương ven biển nhằm phát triển du lịch biển, đảo gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng và xóa đói giảm nghèo; tăng cường nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ cho các mục tiêu phát triển du lịch biển bền vững; đẩy mạnh hợp tác song phương và đa phương nhằm tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch biển, đảo, góp phần thu hút khách, nâng cao vị thế du lịch Việt Nam.
Thanh Hải Ngày 30/05/2014 (Nguồn: http://vietnamtourism.gov.vn/index.php/items/14508)
Tài liệu tham khảo
Nguyễn Đình Quang, Trần Thị Thúy Lan, (2005), Giáo trình Tổng quan du lịch,
Ths Nguyễn Thanh Hiển, (2004), Bài giảng Tổng quan du lịch, Đại học mở bán công TP Hồ Chí Minh.
TS Vũ Đức Minh, (2008), Giáo trình tổng quan về du lịch, Trường Đại học
GS.TS. Nguyễn Văn Đính, PGS.TS Trần Thị Minh Hòa, (2008), Giáo trình kinh tế du lịch, Trường Đại học Kinh Tế Quốc Dân.
CHƯƠNG 4