Phối hợp chặt chẽ giữa ba cơ quan: Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án trong xử lý các vụ án kinh tế

Một phần của tài liệu Pháp chế xã hội chủ nghĩa trong kiểm sát điều tra các vụ án kinh tế của viện kiểm sát nhân dân tỉnh quảng ninh (Trang 100 - 102)

ở nước ta, pháp luật hiện hành quy định các Cơ quan tiến hành tố tụng gồm có CQĐT, VKS và Tòa án. Các cơ quan này có trách nhiệm chứng minh tội phạm. Cơ quan Công an với chức năng phát hiện, điều tra tội phạm thông qua hoạt động điều tra. Viện kiểm sát kiểm tra và giám sát chặt chẽ hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra, phối hợp nhịp nhàng cùng Cơ quan điều tra phát hiện và xử lý nghiêm minh tội phạm, không bắt oan người vô tội, không bỏ lọt kẻ phạm tội. Tại phiên tòa, Tòa án là cơ quan xét xử, VKS là cơ quan thực hành quyền công tố. Tòa án là cơ quan giữ vị trí trung tâm trong hoạt động xét xử, có trách nhiệm điều khiển phiên tòa, chủ động và tích cực cùng Cơ quan thực hành quyền công tố tiến hành hoạt động điều tra công khai nhằm kiểm tra, đánh giá các tài liệu, chứng cứ để xác định tội phạm và người phạm tội. Như vậy, VKSND với tư cách là Cơ quan thực hành quyền công tố trong cả giai đoạn điều tra và xét xử, có trách nhiệm rất lớn trong việc chứng minh tội phạm cùng với Cơ quan điều tra và Tòa án. Để thực hiện tốt việc giải quyết xử lý các vụ án hình sự nói chung và các vụ án kinh tế nói riêng thì sự phối hợp hoạt động giữa ba ngành: Công an, VKS và Tòa án các cấp trên địa bàn tỉnh đóng vai trò hết sức quan trọng.

Cuộc đấu tranh phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm là nhiệm vụ của toàn xã hội, của mọi cấp, mọi ngành và của mọi công dân, nhưng trong đó nòng cốt phải là các cơ quan tư pháp của nhà nước mà trong đó VKSND là một thành viên quan trọng.

Để cuộc đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm có hiệu quả thì sự thống nhất về ý chí và phối hợp có hiệu quả trong hành động của các cơ quan tư pháp với nhau nói chung và giữa VKSND với các cơ quan tư pháp khác nói riêng là điều kiện tiên quyết. Đây là quá trình phối hợp giữa các cơ quan tư pháp nhằm kiên quyết đấu tranh, loại trừ các hành vi vi phạm và tội phạm ra khỏi đời sống xã hội. Sự phối hợp đó không chỉ được thể hiện

trong quá trình đấu tranh phòng chống các biểu hiện vi phạm pháp luật cụ thể thông qua việc xử lý, giải quyết những vụ án cụ thể, mà nó còn phải được thể hiện trong sự thống nhất ý chí từ khâu chỉ đạo điều hành giữa các cấp lãnh đạo của các cơ quan tư pháp với nhau cũng như giữa các cơ quan tư pháp với VKSND các cấp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Trong quá trình chỉ đạo điều hành các cấp lãnh đạo cần chú trọng việc hướng dẫn thực hiện pháp luật một cách thống nhất, tạo ra một sự nhận thức thống nhất giữa các ngành đối với các quy phạm pháp luật cụ thể cũng như hệ thống các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động của các cơ quan tư pháp nói chung và hoạt động kiểm sát điều tra các vụ án kinh tế của VKSND nói riêng.

Trong khi trực tiếp giải quyết các vụ án cụ thể thì sự phối hợp tác nghiệp giữa những người tiến hành tố tụng là Điều tra viên, KSV và Thẩm phán với tinh thần đoàn kết, nhất trí, kiên quyết đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm cũng như các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí cũng là yếu tố rất quan trọng.

Phối hợp hành động giữa 3 ngành tư pháp trong tỉnh có hiệu quả cũng chính là biện pháp nhằm đảm bảo pháp chế XHCN trong hoạt động kiểm sát điều tra các vụ án hình sự, trong đó có các vụ án kinh tế.

Một phần của tài liệu Pháp chế xã hội chủ nghĩa trong kiểm sát điều tra các vụ án kinh tế của viện kiểm sát nhân dân tỉnh quảng ninh (Trang 100 - 102)