tội phạm về kinh tế
Trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và tội phạm kinh tế nói riêng, vai trò của quần chúng nhân dân luôn được đề cao. Đây được coi là nhân tố quan trọng trong việc phát hiện tội phạm một cách nhanh chóng, kịp thời. Bởi: “ Dân có trăm tay nghìn mắt, tường tận mọi điều. Nếu tận dụng khả năng phát hiện và tố cáo tội phạm của dân thì chắc chắn việc phòng chống tội phạm sẽ đạt hiệu quả”. Từ đầu năm 2009 đến nay, nhờ
làm tốt công tác xây dựng mạng lưới cơ sở, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, đoàn thể xã hội, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia phong trào đấu tranh chống tội phạm kinh tế nên nhân dân đã cung cấp cho Cơ quan điều tra hơn 3000 nguồn tin về tội phạm kinh tế, trong đó có trên 2000 tin có giá trị. Con số này đã chứng minh một thực tế đấu tranh phòng chống tội phạm phải dựa vào tai mắt nhân dân. Nếu tách rời quần chúng nhân dân thì hoạt động này sẽ không đạt hiệu quả.
Trong tiến trình hội nhập WTO, tội phạm kinh tế diễn ra ngày một phức tạp dưới nhiều hình thức tinh vi nhằm che mắt các cơ quan chức năng. Tình hình buôn lậu, buôn bán hàng cấm, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng ngày một gia tăng, tập trung trên các tuyến biên giới, cửa khẩu và các thành phố lớn (Quảng Ninh, Lạng Sơn, biên giới phía Tây Nam và một số tỉnh Miền Trung). Tội phạm kinh tế diễn ra hàng ngày, quần chúng nhân dân dưới góc độ nào đó họ trực tiếp là lực lượng nắm rõ diễn biến và phương thức hoạt động của loại tội phạm này. Bởi hậu quả của tội kinh tế là thiệt hại gây ra hoặc đe doạ gây ra cho nền kinh tế quốc dân, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của nhân dân. Trong tiến trình thực hiện chương trình quốc gia chống tội phạm hình sự nói chung và tội phạm kinh tế nói riêng, công tác phối hợp giữa lực lượng công an và lực lượng quần chúng nhân dân trong đấu tranh phòng chống tội phạm đã có những chuyển biến rõ rệt và đạt hiệu quả.
Một xã hội ổn định, muốn tội phạm và vi phạm bị đẩy lùi, kỷ cương phép nước được giữ vững thì phải có những biện pháp ngăn chặn và phòng ngừa có hiệu quả. Do đó, trong đấu tranh phòng chống tội phạm kinh tế, các tổ chức, công dân có quyền và nghĩa vụ phát hiện, tố giác hành vi phạm tội; có trách nhiệm thực hiện yêu cầu và tạo điều kiện để Cơ quan điều tra, Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, Lực lượng Cảnh sát biển, cơ quan khác của
Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện nhiệm vụ điều tra.
Đấu tranh phòng chống tội phạm là nhiệm vụ chung của toàn xã hội. Trong nhiệm vụ này, giải pháp hàng đầu là cần phát huy sức mạnh tổng hợp của nhân dân, của toàn xã hội, lấy phòng ngừa làm phương châm cho mọi hoạt động. Bên cạnh những giải pháp mang tính chiến lược, trên thực tế cần triển khai những biện pháp cụ thể như:
- Xây dựng và thực hiện cơ chế phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn bộ hệ thống chính trị, đẩy mạnh phong trào cách mạng của toàn dân; nâng cao trách nhiệm vai trò chủ động của các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội và các tầng lớp nhân dân tham gia phòng ngừa, phát hiện đấu tranh ngăn chặn các loại tội phạm, trong đó có tội phạm kinh tế.
- Đổi mới và thực hiện nghiêm chỉnh cơ chế phối hợp giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật; nâng cao trách nhiệm, phát huy chức năng của các cơ quan Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, các đơn vị vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội. Trong nội bộ từng ngành cần xây dựng Chương trình hành động, gắn liền thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội với phòng và đấu tranh chống tội phạm kinh tế nhằm đảm bảo cho sự ổn định và phát triển của nền kinh tế quốc dân. Nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác phát hiện và xử lý nghiêm đối với loại tội phạm này.
- Xây dựng lực lượng Công an nhân dân và các cơ quan bảo vệ pháp luật khác thật sự trong sạch, vững mạnh để thực hiện tốt vai trò nòng cốt, xung kích trong đấu tranh chống tội phạm kinh tế, nhằm tạo dựng niềm tin trong quần chúng nhân dân.
- Để thực hiện tốt công tác phát động quần chúng nhân dân tham gia phòng chống tội phạm về kinh tế, cần có sự vào cuộc của các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân tại các địa phương trong việc chỉ đạo thực hiện các Văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống tội phạm; đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của Đảng về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhằm tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về trật tự của toàn xã hội và phòng chống tội phạm.
- Đặt nhiệm vụ phòng chống tội phạm thành Chương trình quốc gia có mục tiêu và nội dung các đề án cụ thể, nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội vào công tác phòng chống tội phạm, từng bước làm giảm tội phạm kinh tế. Xây dựng một môi trường sống lành mạnh trong xã hội, nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật và hiệu lực quản lý của Nhà nước. Trước mắt cần ngăn chặn đẩy lùi và từng bước tạo sự chuyển biến về tội phạm kinh tế tại các thành phố lớn, các khu kinh tế trọng điểm.
- Phát động quần chúng nhân dân xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác và đấu tranh chống tội phạm nói chung và tội phạm kinh tế nói riêng. Củng cố các tổ dân phố, lực lượng bảo vệ chuyên trách, bán chuyên trách, các tổ chức đoàn thể quần chúng ở cơ sở phường, xã để tăng cường sự phối hợp giữa lực lượng Công an và quần chúng nhân dân trong phát hiện, đấu tranh chống tội phạm kinh tế.
- Nhân rộng các điển hình, tấm gương tiêu biểu trong việc tố giác, phát hiện và truy bắt tội phạm kinh tế. Để làm tốt công tác này, các địa phương, đơn vị, đoàn thể cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân nâng cao ý thức phòng chống tội phạm kinh tế. Tổ chức phát động sâu rộng mô hình “ tổ dân phố không có tội phạm”, đặc biệt kịp thời phát hiện, khen thưởng và nhân rộng gương điển hình tiên tiến trong quần chúng
nhân dân để phát huy hiệu quả trong cộng đồng, cổ vũ, khích lệ mọi người tham gia tấn công tội phạm kinh tế, bảo vệ sự ổn định và phát triển của nền kinh tế quốc dân cũng như cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Có thể nói trong công cuộc phòng chống tội phạm kinh tế, quần chúng nhân dân có vai trò vô cùng quan trọng, là nhân tố tích cực tạo nên thành công cho hoạt động điều tra của CQĐT. Do vậy cần hướng tới dựa vào tai mắt quần chúng, đẩy mạnh phương thức “xã hội hóa” để phát hiện, ngăn ngừa, truy quét nhằm tiến tới loại bỏ tội phạm kinh tế ra khỏi đời sống xã hội.