Một số tồn tại, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn áp dụng chế định thi hành hình phạt tử hình ở Việt Nam hiện nay

Một phần của tài liệu hoàn thiện các quy định của pháp luật tố tụng hình sự việt nam về thi hành hình phạt tử hình so sánh với một số nước trên thế giới (Trang 55 - 57)

chế định thi hành hình phạt tử hình ở Việt Nam hiện nay

Thực tiễn áp dụng những quy định của pháp luật tố tụng hình sự và thi hành án hình sự trong thời gian qua cho thấy bên cạnh những thành tích đã đạt được góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm cũng đã bộc lộ một số tồn tại, vướng mắc cần khắc phục. Đó là:

Thứ nhất, việc chuyển hồ sơ các vụ án có hình phạt tử hình đã có hiệu lực pháp luật còn chậm trễ. Nhiều trường hợp các Tòa án địa phương và các Tòa án phúc thẩm TANDTC chưa chú ý đúng mức đến việc xác định căn cước, lý lịch của người bị kết án nên đã để xảy ra những sai xót không đáng có. Nhiều hồ sơ vụ án đã có bản lý lịch của người bị kết án, có xác nhận của chính quyền địa phương đã thể hiện không chính xác về căn cước, lý lịch. Có trường hợp bản án viết sai cả tên đệm và tên của bị cáo. Như vụ Giàng Pá Sềnh phạm tội mua bán trái phép chất ma túy bị tử hình lại viết là Giàng Bá Sình. Điều này lại được xác định sau khi bản án đã có hiệu lực pháp luật. Vì thế, TANDTC đã phải cử cán bộ làm công tác xác minh lại nhiều lần và việc trả lời công văn xác minh của TANDTC rất chậm. Có những vụ án khi sai xót không đơn giản chỉ là đính chính bản án mà phải kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm dẫn đến mất nhiều thời gian, công sức và tốn kém về chi phí cho Nhà nước.

Thứ hai, đối với những trường hợp người bị kết án gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước nhưng có nội dung kêu oan hoặc viết là “Đơn kêu oan” thì Chủ tịch nước không xét, văn phòng Chủ tịch nước trả những đơn này cho Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC giải quyết theo thẩm quyền. Sau khi nhận được đơn, Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC phải

nghiên cứu, xem xét lại một lần nữa. Nếu TANDTC và VKSNDTC khẳng định vẫn giữ nguyên quan điểm không kháng nghị bản án tử hình đã có hiệu lực pháp luật, thì Chánh án TANDTC soạn thảo công văn kèm theo bản thông báo của Văn phòng Chủ tịch nước để Tòa án nhân dân đã xét xử sơ thẩm tiến hành các thủ tục cần thiết để thi hành án. Tuy nhiên, ở một số địa phương khi Tòa án nhân dân đã xét xử sơ thẩm ra quyết định thi hành án thì Viện kiểm sát không tham gia Hội đồng thi hành án với lý do chờ chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm.

Thứ ba, theo quy định của LTHAHS năm 2010, việc thi hành hình phạt tử hình bằng cách tiêm thuốc độc thay cho xử bắn tuy mang tính nhân đạo hơn, không gây đau đớn cho người bị thi hành án và bớt ảnh hưởng đến tâm lí của cán bộ trực tiếp thi hành án nhưng vấn đề khó khăn hiện nay là nước ta không nhập được 3 loại thuốc quy định tại Nghị định 82/2011/NĐ-CP của Chính phủ để thi hành án tử hình. Do đó, đến nay vẫn còn 532 tử tù đang chờ thi hành án tử hình. Vì vậy đã gây khó khăn, tốn kém cho công tác quản lý người phải chịu hình phạt tử hình trong thời gian tạm giam chờ thi hành án, nguy cơ trốn trại và gây ảnh hưởng đến tâm lý của người chấp hành án lẫn thân nhân của họ. Đã có trường hợp nhiều người phải chấp hành án viết đơn xin được thi hành hình phạt tử hình. Ngoài ra, hiện nay nước ta mới chỉ xây dựng được 8 nhà thi hành án tử hình ở 8 tỉnh, thành trên tổng số hơn sáu mươi tỉnh, thành trong cả nước.Vì thế, những địa phương chưa xây dựng nhà thi hành án tử hình khi cần thi hành án sẽ phải áp giải người chấp hành án đi xa, gây tốn kém và không đảm bảo an toàn cho công tác thi hành án.

Thứ tư, pháp luật hình sự nước ta chỉ quy định các trường hợp không áp dụng hình phạt tử hình trong Điều 35 BLHS bao gồm: người chưa thành niên, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con dưới 36 tháng tuổi mà không đề cập đến trường hợp người bị mắc bệnh thiểu trí. Từ góc độ cá nhân, tác giả cho rằng đây là một bất cập của pháp luật hình sự Việt nam. Bởi lẽ, những người này khả năng nhận thức của họ còn hạn chế, do đó họ không có khả năng điều khiển hành vi của mình một cách bình tĩnh và đúng chuẩn mực như những

người bình thường khác. Do đó, việc quy định hình phạt đối với họ giống những người bình thường cũng như áp dụng hình phạt tử hình đối với họ là chưa thật sự thỏa đáng.

Thứ năm, một số quy định về thi hành hình phạt tử hình còn bỏ ngỏ hoặc quy định chưa rõ ràng, cụ thể như: quy định về các trường hợp hoãn thi hành hình phạt tử hình tại Điều 35 BLHS, quy định về thời hạn xét đơn xin ân giảm của Chủ tịch nước,…

Thứ sáu, một số quy định của pháp luật tố tụng hình sự về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan trong quá trình thi hành án tử hình còn chưa chuyên trách, chưa phát huy được tối đa hiệu quả của công tác thi hành án tử hình.

Đây là một trong những vấn đề quan trọng mà các nhà làm luật đang trăn trở để tìm ra các giải pháp hữu hiệu nhất nhằm hoàn thiện các quy định về thi hành hình phạt tử hình trong pháp luật thi hành án hình sự nước ta. Để từ đó, nâng cao hiệu quả thi hành hình phạt tử hình góp phần đẩy lùi tình hình tội phạm đang diễn biến hết sức phức tạp ở Việt Nam giai đoạn hiện nay.

Một phần của tài liệu hoàn thiện các quy định của pháp luật tố tụng hình sự việt nam về thi hành hình phạt tử hình so sánh với một số nước trên thế giới (Trang 55 - 57)

w