thể đem lại hiệu quả khác nhau trong công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm. Tuy nhiên, việc áp dụng hình phạt này cũng gặp không ít những bất cập, hạn chế, đặc biệt là tính chất đặc biệt nghiêm khắc nhằm tước bỏ quyền sống của con người. Chính vì vậy, vấn đề nên tiếp tục duy trì hay xóa bỏ hình phạt tử hình đang là một vấn đề còn nhiều tranh cãi; đòi hỏi các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam cần không ngừng hoàn thiện pháp luật về chế định này sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước và đạt hiệu quả cao nhất trong công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm.
2.3. Một số quan điểm về việc nên hay không nên áp dụng hình phạt tử hình phạt tử hình
Trong hệ thống hình phạt được quy định trong luật hình sự Việt Nam, tử hình là hình phạt nghiêm khắc nhất, thể hiện mức độ trừng trị cao nhất của Nhà nước đối với người phạm tội, bởi lẽ nó tước đi quyền sống của người bị kết án, loại bỏ sự tồn tại của người phạm tội khỏi đời sống cộng đồng. Hiện nay, trên thế giới, có nhiều quan điểm khác nhau về hình phạt tử hình. Nhưng nhìn chung, các ý kiến xoay quanh vấn đề này gồm ba nhóm quan điểm về việc nên hay không nên áp dụng hình phạt tử hình. Cụ thể như sau:
* Quan điểm thứ nhất cho rằng, để bảo đảm an ninh xã hội, công bằng và công lý, cần thiết phải duy trì hình phạt tử hình đối với những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; đối với những kẻ khủng bố quốc tế, giết người hàng loạt, thì không thể có biện pháp giáo dục nào có tác dụng, ngoài việc tước đi sự tồn tại của chúng.
Hiện nay, nhiều quốc gia và cá nhân tin rằng hình phạt tử hình là biện pháp có hiệu quả răn đe đặc biệt, không thể thay thế trong việc ngăn ngừa tội giết người và một số loại tội phạm khác. Để chứng minh cho quan điểm này,
đã có nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới đưa ra những số liệu thống kê ủng hộ tác dụng ngăn chặn vượt trội của hình phạt tử hình đối với tội giết người. Ví dụ, ở Anh, theo số liệu của Bộ Nội vụ nước này, tỷ lệ tội phạm giết người ở nước này tăng lên gấp đôi kể từ khi xóa bỏ hình phạt tử hình. Đặc biệt là công trình nghiên cứu nổi tiếng nhất của Ehrlich về tác dụng ngăn chặn tội phạm của hình phạt tử hình, công bố vào năm 1975. Trong nghiên cứu này Ehrlich đã đã đi đến kết luận rằng, trong khoảng thời gian từ năm 1933 đến 1965, ở Mỹ cứ một bản án tử hình được thi hành trung bình có thể làm giảm 7 đến 8 vụ giết người. Tuy nhiên, công trình nghiên cứu này của ông bị nhiều chuyên gia khác phê phán là thiếu tin cậy về cả nội dung và phương pháp. Ngoài ra, còn một vài công trình nghiên cứu khác áp dụng phương pháp thống kê của ông như: công trình do Dezhbakhsh và một số đồng nghiệp khác thực hiện công bố năm 2002 cũng kết luận rằng mỗi bản án tử hình được thi hành trung bình làm giảm từ 3 đến 18 vụ phạm tội giết người...
Đồng thời, những người ủng hộ quan điểm cần thiết áp dụng hình phạt tử hình cũng cho rằng thi hành hình phạt tử hình là biện pháp răn đe hiệu quả nhất đối với những kẻ khủng bố và các tội phạm về ma túy. Bởi do tính chất đặc biệt tàn bạo và nguy hiểm của khủng bố và tính chất nguy hiểm cho xã hội của các tội phạm về ma túy nên một số quốc gia, tổ chức, cá nhân coi đó như một dạng tội phạm cần phải “đặt ra ngoài vòng pháp luật”, phải loại trừ vĩnh viễn kẻ phạm tội ra khỏi xã hội. Đây là tội phạm đặc biệt nguy hiểm, sự tàn phá của nó đối với xã hội là rất lớn, nên cần thiết phải áp dụng hình phạt tử hình để răn đe. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi trong các cuộc khảo sát, tỷ lệ người được hỏi ủng hộ việc áp dụng tử hình đối với các hành vi liên quan khủng bố thường rất cao và tội phạm ma túy đang đứng ở tốp đầu trong danh sách các tội phạm bị tuyên án tử hình ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Không chỉ vậy, những người theo quan điểm này còn kết luận hình phạt tử hình là biện pháp cần thiết để ngăn ngừa một số tù nhân nguy hiểm tái phạm tội, qua đó bảo đảm an ninh của cộng đồng. Mặt khác, họ còn cho rằng hình phạt tử hình là sự trả giá xứng đáng đối với những kẻ gây ra tội ác khủng
khiếp. Bởi họ lập luận rằng việc một kẻ giết người hoặc gây ra những tội ác nghiêm trọng khác bị tước bỏ tính mạng là phù hợp với công lý vì “nợ máu phải trả bằng máu”. Đồng thời, đó cũng là sự cần thiết để bù đắp cho những mất mát của nạn nhân và gia đình nạn nhân.
Ngoài ra, những người ủng hộ quan điểm áp dụng hình phạt tử hình còn đưa ra lí lẽ rằng đây là hình phạt “nhân đạo” và “đỡ tốn kém” hơn so với hình phạt tù chung thân. Theo đó, một số người cho rằng việc áp dụng hình phạt tử hình là cần thiết vì nó nhân đạo hơn so với hình phạt tù chung thân mà vốn được sử dụng để thay thế khi hình phạt tử hình được xóa bỏ (theo pháp luật của hầu hết các quốc gia trên thế giới).
* Quan điểm thứ hai cho rằng cần phải bỏ hình phạt tử hình, vì sự sống của con người là thiêng liêng nhất mà tạo hóa đã dành cho họ; việc áp dụng hình phạt này là tàn khốc, vô nhân tính, không thể chấp nhận được trong xã hội văn minh. Mặt khác, các cơ quan tố tụng có thể sai lầm khi áp dụng hình phạt này và khi phát hiện ra sai lầm, thì lại không thể khắc phục được, bởi lẽ người đã chết, thì không thể có biện pháp nào có thể khắc phục để họ sống trở lại. Thể hiện quan điểm này, đã có nhiều công trình nghiên cứu cho kết quả trái ngược với công trình của Ehrlich nhằm chứng minh cho việc không nên áp dụng hình phạt tử hình. Cụ thể, các cuộc khảo sát do Liên hợp quốc thực hiện (lần đầu tiên vào năm 1988 và được cập nhật vào các năm 1996, 2002) về mối quan hệ giữa hình phạt tử hình và tỷ lệ tội phạm ở nhiều quốc gia trên thế giới đã kết luận rằng: “Không tìm thấy những chứng cứ khoa học cho thấy việc thi hành án tử hình có tác dụng ngăn chặn tội phạm tốt hơn so với việc áp dụng hình phạt tù chung thân... Các chứng cứ đều dẫn đến nhận định là giả thuyết về hiệu quả tích cực của hình phạt tử hình với việc ngăn chặn tội phạm là sai lầm” [27, Tr 26]. Hay những số liệu thống kê tội phạm ở một số quốc gia đã xóa bỏ hình phạt tử hình gần đây cho thấy việc xóa bỏ hình phạt này không gây ra những tác động tiêu cực với việc phòng ngừa tội phạm.
Trái với quan điểm ủng hộ áp dụng hình phạt tử hình, những người phản đối hình phạt tử hình cũng đưa ra các lập luận để bảo vệ quan điểm của mình như sau:
Thứ nhất, hình phạt này không phải là biện pháp răn đe hiệu quả đối với những kẻ khủng bố. Bởi lẽ, cũng như tội giết người và các tội phạm khác, niềm tin về tác dụng răn đe của hình phạt tử hình với những kẻ khủng bố cơ bản dựa trên cảm tính và mang nặng tâm lí trả thù. Thực tế chưa có công trình nghiên cứu nào đáng tin cậy về tác dụng vượt trội trong việc ngăn ngừa hành vi khủng bố của hình phạt tử hình. Ngược lại đã có những nghiên cứu cho thấy việc thi hành hình phạt tử hình đối với những kẻ khủng bố thay cho kỳ vọng sẽ làm nhụt ý chí những đồng bọn của của kẻ cực đoan thì lại kích động chúng hành động một cách tàn bạo và liều lĩnh hơn.
Thứ hai, những người phản đối hình phạt tử hình cũng cho rằng nó không phải là biện pháp răn đe hiệu quả đối với các tội phạm ma túy. Để thể hiện quan điểm này, nhiều quốc gia, tổ chức, cá nhân đã lập luận rằng chưa có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy hình phạt tử hình đối với những kẻ sản xuất, vận chuyển và buôn bán ma túy, trong tương lai có hiệu quả cao hơn so với những hình phạt khác. Bằng chứng là theo AI, ở Trung Quốc, số liệu của Bộ Công an nước này cho biết số người sử dụng ma túy tăng 35% trong 5 năm kể từ năm 2000, cho dù nước này đã tử hình rất nhiều tội phạm liên quan đến ma túy. Còn theo giáo sư Philip Alston- một chuyên gia quốc tế nổi tiếng về vấn đề này thì “Hình phạt tử hình không phải là một câu trả lời thích hợp đối với các tội phạm về ma túy” [27, Tr 31].
Mặt khác, những người theo quan điểm này cũng lập luận rằng hình phạt tử hình đã chứng minh, theo nghiên cứu thực nghiệm ở Mỹ, hình phạt tử hình không có tác dụng răn đe những kẻ phạm tội. Trong một cuộc khảo sát, 85% các chuyên gia tội phạm học hàng đầu và trên 2/3 của 400 cảnh sát trưởng đều tin chắc rằng án tử hình không có tác dụng làm giảm đáng kể tội phạm giết người hoặc các tội nghiêm trọng khác, cũng như không có tác dụng răn đe. Thậm chí, trong một cuộc khảo sát khác, các cảnh sát trưởng ở Mỹ
xếp án tử hình cuối bảng trong số những biện pháp phòng ngừa, răn đe tội phạm. Những người đòi bỏ án tử hình còn coi tử hình là sự vi phạm quyền sống và quyền không phải chịu những đối xử hay trừng phạt dã man, thiếu nhân đạo và hạ nhân phẩm, như được nêu ra trong Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị và trong rất nhiều Hiến pháp của các quốc gia.
Ngoài ra, họ cũng cho rằng không nên áp dụng hình phạt tử hình nhằm tránh tử hình oan thì không thể khắc phục được. Chẳng hạn, từ năm 1973 đến năm 2005 có 123 người ở 25 bang ở Mỹ đang đợi ngày bị tử hình đã được ra tù vì có chứng cứ mới cho thấy họ vô tội.
* Quan điểm thứ ba cho rằng cần phải hạn chế áp dụng hình phạt tử hình theo hướng thu hẹp phạm vi các tội danh, đối tượng áp dụng hình phạt tử hình dần tiến tới xóa bỏ hình phạt tử hình sao cho phù hợp với hoàn cảnh của mỗi quốc gia. Bởi lẽ, đây là hình phạt có tính chất đặc biệt nhằm tước bỏ quyền sống của người bị kết án. Nếu tùy tiện áp dụng hình phạt tử hình sẽ dẫn đến trường hợp không khắc phục được khi xét xử oan sai, vi phạm quyền con người và không đảm bảo được tính nhân đạo của pháp luật. Tuy nhiên, không thể xóa bỏ hình phạt tử hình do tính chất nghiêm trọng của tình hình tội phạm và yêu cầu đảm bảo an ninh xã hội, đảm bảo chất lượng cuộc sống của cả cả nhân loại. Từ góc độ cá nhân, tác giả cho rằng đây là một quan điểm đúng đắn, phù hợp với hoàn cảnh thế giới hiện nay nói chung, hoàn cảnh tại Việt Nam nói riêng.
Thể hiện các quan điểm trên, theo số liệu chính thức của ủy ban về quyền con người của Liên Hợp Quốc, hiện có 139 quốc gia và vùng lãnh thổ đã xóa bỏ hình phạt tử hình trong luật hoặc trên thực tế, chỉ còn 58 quốc gia và vùng lãnh thổ còn duy trì hình phạt tử hình trong luật và còn thi hành trên thực tế (tính đến cuối năm 2009), trong đó nhiều quốc gia đang ngày càng thu hẹp phạm vi các tội danh áp dụng hình phạt tử hình.
Vậy đứng trước các luồng quan điểm trên, Việt Nam nên duy trì hay xóa bỏ hình phạt tử hình? Đây là một vấn đề mà chúng ta cần quan tâm,
nghiên cứu. Hiện nay, nước ta vẫn còn duy trì hình phạt tử hình và cũng là một trong những quốc gia theo quan điểm thứ ba này. Bằng chứng là vào các năm 2007 và 2008 khi Đại hội đồng Liên hợp quốc bỏ phiếu thông qua Nghị quyết về việc ngừng sử dụng hình phạt tử hình, Việt Nam đã hai lần bỏ phiếu trắng. Điều này khẳng định Việt Nam không phản đối nghị quyết này nhưng vẫn chưa sẵn sàng xóa bỏ hình phạt tử hình do yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm. Ở nước ta việc duy trì hình phạt tử hình vẫn còn cần thiết do yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm đang diễn ra quyết liệt trên mọi lĩnh vực trong hoàn cảnh phức tạp của đất nước. Điều này được lý giải bởi các lý do sau:
Thứ nhất, ở nước ta trong giai đoạn này vẫn còn tồn tại những trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng mà ngoài hình phạt tử hình ra chưa hình phạt nào đảm bảo được công lý lập lại công bằng xã hội. Công lý đòi hỏi mọi chủ thể phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình. Trong lĩnh vực hình sự thì yêu cầu này được biểu hiện thông qua nguyên tắc hình phạt tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Như vậy, nếu xóa bỏ hoàn toàn hình phạt tử hình trong giai đoạn hiện nay thì trong nhiều trường hợp công lý sẽ khó được đảm bảo, công bằng xã hội khó được khôi phục. Vì thế, ý nghĩa giáo dục chung, phòng ngừa chung cũng như phòng ngừa riêng khó đạt được.
Thứ hai, do yêu cầu của phòng ngừa tội phạm vẫn cần thiết có sự trợ giúp của hình phạt tử hình. Trong tình hình hiện nay, hình phạt tử hình vẫn còn cần thiết để phòng ngừa tội phạm chung cũng như phòng ngừa riêng. Thực tế thấy rằng, hiện nay trong số những người phạm tội vẫn còn những kẻ ngoan cố, sẵn sàng phạm tội khi có điều kiện nhằm thỏa mãn nhu cầu cá nhân. Họ phạm tội không chỉ trong môi trường xã hội bình thường mà ngay cả những hoàn cảnh hết sức ngặt nghèo, ngay cả trong thời gian chấp hành hình phạt, thậm chí ngay ở trong tù họ cũng có thể phạm tội. Bên cạnh đó, một điều đáng lo ngại là nguy cơ xảy ra khả năng người chấp hành hình phạt tù trốn trại. Nếu xét từ yêu cầu phòng ngừa chung thì rõ ràng trình độ dân trí, ý
thức pháp luật, thói quen, tập quán xã hội trong xã hội ta chưa cao; do đó, nếu không có những biện pháp răn đe đủ mạnh thì khó có thể ngăn ngừa, dập tắt ý định phạm tội của những kẻ thoái hóa, biến chất. Thông thường, trước khi thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật, chủ thể thường trăn trở với những câu hỏi về khả năng thành công, khả năng bị phát hiện, khả năng chạy tội và cái giá phải trả cho hành vi phạm tội của mình. Giá phải trả đó càng thấp thì khả năng thực hiện hành vi phạm tội trên thực tế càng cao.
Thứ ba, do yêu cầu đảm bảo chất lượng cuộc sống của xã hội, đảm bảo an toàn xã hội trong điều kiện hiện tại đòi hỏi trong nhiều trường hợp buộc phải áp dụng hình phạt tử hình. Nếu một tù nhân trốn trại, một phần tử được coi là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội thoát ra khỏi sự kiểm soát của pháp luật sẽ đe dọa đến sự an toàn của xã hội, khiến cho nhiều người (như người làm chứng, người tố giác, nạn nhân của tội phạm...) phải sống trong tâm trạng lo âu, sợ hãi vì thế mà chất lượng cuộc sống không được đảm bảo.
Vì các lẽ trên, trong những giới hạn nhất định, hình phạt tử hình vẫn cần thiết phải duy trì trong Bộ luật hình sự ở nước ta. Mặt khác, công bằng mà nói, mặc dù tử hình là hình phạt có tính chất đặc biệt nghiêm khắc, tước