Trình tự, thủ tục xem xét bản án trước khi đưa người bị kết án ra thi hành án tử hình

Một phần của tài liệu hoàn thiện các quy định của pháp luật tố tụng hình sự việt nam về thi hành hình phạt tử hình so sánh với một số nước trên thế giới (Trang 27 - 37)

án ra thi hành án tử hình

Do tính chất đặc biệt của hình phạt tử hình là loại trừ vĩnh viễn người phạm tội ra khỏi đời sống xã hội nên khác với các hình phạt khác, pháp luật quy định cần xem xét bản án trước khi đưa người bị kết án ra thi hành án tử hình theo một trình tự, thủ tục đặc biệt. Theo quy định tại Khoản 1- Điều 258, BLTTHS năm 2003:

Sau khi bản án tử hình có hiệu lực pháp luật, hồ sơ vụ án phải được gửi ngay lên Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và bản án phải được gửi ngay lên Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Trong thời hạn hai tháng, kể từ ngày nhận được bản án và hồ sơ bản án, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải quyết định kháng nghị hoặc quyết định không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người bị kết án được gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước” [4, Tr 159].

Như vậy, theo quy định trên, trình tự, thủ tục trước khi ra quyết định thi hành án tử hình gồm các nội dung sau:

Thứ nhất, kiểm tra lại bản án tử hình. Theo quy định chung, bản án và quyết định của Tòa án khi có hiệu lực pháp luật thì được đưa ra thi hành nhưng với bản án tử hình, sau khi có hiệu lực pháp luật, hồ sơ vụ án phải được gửi ngay lên Chánh án TANDTC và bản sao bản án phải được gửi ngay lên Viện trưởng VKSNDTC. Quy định này xác định rõ trách nhiệm cá nhân của Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC trong việc nghiên cứu hồ sơ vụ án và bản án tử hình trong thời hạn hai tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ, bản sao bản án để ra một trong hai quyết định: Quyết định kháng nghị hoặc quyết định không kháng nghị bản án tử hình theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Tuy nhiên, quy định thời hạn hai tháng để Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC kháng nghị bản án theo thủ tục giám đốc thẩm này theo tác giả là bất hợp lí và mâu thuẫn với quy định về thời hạn kháng cáo quy định tại Điều 279 và Điều 295 BLTTHS năm 2003. Theo quy định tại Điều 279 và Điều 295 BLTTHS năm 2003, thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm theo hướng không có lợi cho người bị kết án là một năm kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, theo hướng có lợi cho người bị kết án là không giới hạn về mặt thời gian; thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm theo hướng không có lợi cho người bị kết án là không quá một năm kể từ ngày Viện kiểm sát nhận được tin báo về tình tiết mới được phát hiện theo hướng có lợi cho người bị kết án là không hạn chế.

Thứ hai, về trình tự, thủ tục gửi đơn xin ân giảm và xét đơn xin ân giảm: Sau khi bản án tử hình có hiệu lực pháp luật, trong thời hạn bảy ngày, người bị kết án có quyền gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước. Tuy điều luật này không quy định thời hạn xét đơn xin ân giảm của Chủ tịch nước, nhưng việc quy định quyền gửi đơn xin ân giảm của người bị kết án đã khẳng định trách nhiệm xét đơn của Chủ tịch nước.

Đồng thời, bản án chỉ có thể thi hành sau khi có quyết định bác đơn xin ân giảm của Chủ tịch nước. Theo thông báo số 10/TB-VP ngày 25-3-1999 của

Văn phòng Chủ tịch nước, hồ sơ trình Chủ tịch nước xét đơn xin ân giảm bao gồm: Đơn xin ân giảm của người bị kết án viết trong thời hạn quy định hoặc đơn quá hạn có lý do chính đáng. Về thể thức, đơn xin ân giảm phải là bản chính, có chữ kí hoặc điểm chỉ của người bị kết án; phải có xác nhận của đơn vị giam giữ người bị kết án. Bên cạnh đó, phải có tờ trình của Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC; Quyết định không kháng nghị của Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC; các bản án sơ thẩm, phúc thẩm; đơn xin ân giảm cho người bị kết án của các tổ chức xã hội, chính quyền địa phương và những người thân thích (nếu có) và các giấy tờ, tài liệu khác có liên quan đến việc xem xét đơn xin ân giảm của người bị kết án như Huân chương, Huy chương,…

Trong trường hợp hết thời hạn kháng cáo mà Tòa án cấp sơ thẩm không nhận được đơn kháng cáo, không nhận được đơn xin ân giảm án tử hình của người bị kết án thì Tòa án cấp sơ thẩm cần phối hợp với trại tạm giam nơi đang giam giữ người bị kết án xác minh xem họ có làm đơn kháng cáo hoặc đơn xin ân giảm án tử hình hay không. Kết quả xác minh phải lập thành biên bản có chữ kí của cán bộ Tòa án, cán bộ trại giam và người bị kết án tử hình. Nếu qua xác minh cho thấy người bị kết án có làm đơn xin ân giảm, không làm đơn kháng cáo thì cho người đó viết đơn xin ân giảm án tử hình. Biên bản xác minh đơn xin ân giảm án tử hình và hồ sơ vụ án phải được gửi ngay cho Ban thư ký TANDTC. Nếu kết quả xác minh cho thấy người bị xử phạt tử hình không làm đơn kháng cáo, không làm đơn xin ân giảm án tử hình thì trong biên bản xác minh phải ghi rõ người bị kết án không kháng cáo, không làm đơn xin ân giảm án tử hình và gửi ngay biên bản cùng hồ sơ vụ án lên Ban thư ký TANDTC.

Như vậy, pháp luật Tố tụng hình sự chỉ quy định thời hạn kháng nghị của Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm mà không quy định thời hạn xét đơn xin ân giảm của Chủ tịch nước, từ góc độ cá nhân, tác giả cho rằng đây là một điểm bất hợp lý. Bởi lẽ, trong thực tế có những trường hợp việc chấp nhận hay bác đơn xin ân giảm

cho người bị kết án tử hình của Chủ tịch nước thường kéo dài hàng năm. Vì vậy, sau khi có quyết định không kháng nghị của Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC đối với bản án thì vẫn còn một khoảng thời gian rất dài để chờ ý kiến của Chủ tịch nước. Mặt khác, thời gian chờ xét đơn xin ân giảm kéo dài gây tốn kém chi phí cho Nhà nước, dễ dẫn đến tình trạng người bị kết án tự tử trong thời gian tạm giam.

Thứ ba, bản án tử hình chỉ có thể được đưa ra thi hành khi Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm; Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm (nếu người bị kết án có đơn xin ân giảm). Điều kiện thi hành bản án tử hình này đã được quy định rõ trong Khoản 2- Điều 258, BLTTHS 2003: “Bản án tử hình được thi hành nếu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm” [4, Tr 159]. So với BLTTHS năm 1988, quy định này bảo đảm chặt chẽ hơn. Bởi lẽ, theo quy định tương ứng trong BLTTHS năm 1988 thì chỉ cần không có kháng nghị của một trong hai người Chánh án TANDTC hoặc Viện trưởng VKSNDTC thì bản án đã được đưa ra thi hành. Nhưng theo quy định của BLTTHS hiện hành thì cả Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC không kháng nghị thì mới được thi hành bản án tử hình. Bên cạnh đó, Khoản 2- Điều 258 BLTTHS hiện hành còn có quy định mới chặt chẽ hơn về chế định thi hành hình phạt tử hình nhằm bảo đảm quyền của người bị kết án trước khi ra quyết định thi hành án tử hình như sau: “Trong trường hợp bản án tử hình bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm mà Hội đồng giám đốc thẩm, Hội đồng tái thẩm Tòa án nhân dân tối cao quyết định không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án tử hình thì Tòa án nhân dân tối cao phải thông báo ngay cho người bị kết án biết để họ làm đơn xin ân giảm án tử hình” [4, Tr 159]. Đây là điểm tiến bộ của BLTTHS năm 2003 nhằm đảm bảo quyền làm đơn xin ân giảm án tử hình của người bị kết án trong trường hợp kháng nghị của Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC bị cấp có thẩm quyền không chấp nhận và giữ nguyên bản án.

Trong trường hợp người bị kết án gửi đơn xin ân giảm án tử hình tới Chủ tịch nước, nếu được Chủ tịch nước đồng ý thì chuyển hình phạt tử hình sang tù chung thân; nếu Chủ tịch nước ra quyết định bác đơn xin ân giảm thì ra quyết định thi hành án.

1.2.3.2. Trình tự, thủ tục thi hành hình phạt tử hình

Như đã phân tích ở trên, do tính chất đặc biệt nghiêm khắc của hình phạt tử hình là tác động trực tiếp lên quyền sống của con người nên việc thi hành hình phạt tử hình phải tuân thủ theo một trình tự, thủ tục hết sức nghiêm ngặt và chặt chẽ. Vấn đề này được quy định tại Điều 259, BLTTHS năm 2003 và quy định cụ thể tại Chương IV, LTHAHS năm 2010. Về cơ bản, Chương IV, LTHAHS năm 2010 vẫn kế thừa các quy định trong Điều 259 của BLTTHS năm 2003. Tuy nhiên, Chương IV của LTHAHS năm 2010 quy định cụ thể, chi tiết hơn và có một số điểm mới bao gồm: Hình thức thi hành hình phạt tử hình là tiêm thuốc độc thay cho hình thức xử bắn trong BLTTHS năm 2003; đã giải quyết vấn đề cho thân nhân người bị thi hành hình phạt tử hình nhận hài cốt, tử thi; đồng thời quy định chi tiết hơn các trường hợp hoãn thi hành án tử hình.

Theo quy định tại Điều 259 BLTTHS năm 2003, trình tự, thủ tục thi hành hình phạt tử hình được thực hiện theo các bước sau:

Thứ nhất, ra quyết định thi hành án và thành lập HĐTHATH; kiểm tra các điều kiện trước khi ra quyết định thi hành và trước khi thi hành án.

Việc ra quyết định thi hành án và thành lập HĐTHATH thuộc thẩm quyền này của Chánh án Tòa án nhân dân đã xử sơ thẩm. Hình thức và thủ tục ra quyết định thi hành án được quy định rõ tại Điều 54, Điều 55, Điều 56 của LTHAHS năm 2010. Theo quy định đó, về thể thức, quyết định thi hành án tử hình phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; bản án, quyết định được thi hành; họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người bị kết án. Đồng thời, Chánh án Tòa án đã ra quyết định này phải gửi quyết định cho các cơ quan sau trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định thi hành án: Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án hình sự cùng cấp; trại tạm giam nơi

người chấp hành án đang bị tạm giữ; Sở Tư pháp nơi Tòa án đã ra quyết định thi hành án có trụ sở. Về việc thành lập HĐTHATH, thời hạn để Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án ra quyết định thành lập HĐTHATH là 07 ngày kể từ ngày ra quyết định thi hành án. Về thể thức, quyết định này phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; họ, tên, chức vụ của người ra quyết định, căn cứ ra quyết định; họ tên, chức vụ của người tham gia Hội đồng thi hành án. Thành phần tham gia HĐTHATH bao gồm: đại diện Tòa án, đại diện Viện kiểm sát và Công an. HĐTHATH có nhiệm vụ, quyền hạn sau:

- Quyết định kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện cho việc thi hành án; tổ chức kiểm tra các điều kiện về người chấp hành án theo quy định của BLHS, BLTTHS; ra quyết định hoãn thi hành án và báo cáo Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án khi người bị kết án không đủ điều kiện để thi hành án.

- Yêu cầu cơ quan, tổ chức có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho việc thi hành án; yêu cầu đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan, tổ chức hỗ trợ bảo đảm an toàn việc thi hành án trong trường hợp cần thiết.

- Điều hành việc thi hành án theo kế hoạch; thông báo kết quả thi hành án cho cơ quan quản lí THAHS.

- Hội đồng tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Để giải quyết các nhiệm vụ nói trên và thực hiện quyền hạn của HĐ THATH, Chủ tịch Hội đồng phải triệu tập họp và công bố các quyết định có liên quan đến việc thi hành án tử hình, quyết định thời gian thi hành án, những nội dung cần giữ bí mật, các điều kiện bảo đảm việc tổ chức thực hiện kế hoạch thi hành án; địa điểm mai táng.

Về thủ tục kiểm tra các điều kiện thi hành án trước khi ra quyết định thi hành và trước khi thi hành án được thực hiện như sau:

Trường hợp người bị kết án là phụ nữ, trước khi ra quyết định thi hành, trước khi thi hành án tử hình, Chánh án Tòa án đã xử sơ thẩm phải tổ chức kiểm tra các điều kiện không áp dụng, không thi hành hình phạt tử hình được quy định tại Điều 35 BLHS như đã trình bày về điều kiện thi hành án ở trên.

Nếu có căn cứ người bị kết án có các điều kiện được quy định tại Điều 35 BLHS thì Chánh án Tòa án đã xử sơ thẩm không ra quyết định thi hành án và báo cáo Chánh án TANDTC để xem xét chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân cho người bị kết án. Sở dĩ, HĐTHATH ngoài việc kiểm tra căn cước chỉ kiểm tra các tài liệu liên quan đến điều kiện không thi hành án thuộc đối tượng phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con dưới 36 tháng tuổi mà không kiểm tra điều kiện không thi hành án thuộc đối tượng người chưa thành niên vì điều kiện này đã được kiểm tra khi xét xử và trước khi ra quyết định thi hành án; còn trường hợp phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì có thể xảy ra trường hợp trước khi ra quyết định thi hành án người bị kết án không có các điều kiện này nhưng sau khi ra quyết định thi hành án mới phát sinh các điều kiện đó trong thời gian tạm giam chờ thi hành án.

Thứ hai, thủ tục trước khi thi hành án: Theo quy định tại Khoản 2- Điều 259 BLTTHS năm 2003 thì trước khi thi hành án phải giao cho người bị thi hành án đọc quyết định thi hành án, quyết định không kháng nghị của Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC và nếu người bị kết án đã có đơn xin ân giảm án tử hình thì giao cho họ đọc bản sao quyết định của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm. Quy định này nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quá trình thi hành án hình sự, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kết án tử hình.

Thứ ba, các trường hợp hoãn thi hành án tử hình: Theo quy định tại Khoản 2, khoản 5- Điều 259 BLTTHS năm 2003, các trường hợp hoãn Thi hành án tử hình gồm: người bị kết án có điều kiện quy định tại Điều 35 BLHS hoặc trong trường hợp có tình tiết đặc biệt. Tiến bộ hơn một bước, Khoản 1- Điều 58 LTHAHS năm 2010 đã dành riêng một điều khoản quy định các trường hợp hoãn thi hành án tử hình:

“… a) Người bị kết án thuộc trường hợp quy định tại Điều 35 của Bộ luật hình sự;

c) Ngay trước khi thi hành án người chấp hành án khai báo những tình tiết mới về tội phạm” [21, Tr.71].

Như vậy, có thể thấy quy định hiện hành về các trường hợp hoãn thi hành án tử hình trong LTHAHS năm 2010 cụ thể, rõ ràng và dễ áp dụng hơn

Một phần của tài liệu hoàn thiện các quy định của pháp luật tố tụng hình sự việt nam về thi hành hình phạt tử hình so sánh với một số nước trên thế giới (Trang 27 - 37)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(77 trang)
w