Hiệp định TRIPS

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề bảo hộ quyền tác giả trên internet theo quy định của các điều ước quốc tế và pháp luật việt nam (Trang 47 - 49)

5. Kết cấu khóa luận

2.1. Thực trạng các quy định của các điều ước quốc tế về bảo hộ quyền tác

2.1.5. Hiệp định TRIPS

Hiệp định TRIPS về các khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ là kết quả của việc kí kết các thỏa thuận theo Vòng đàm phán Uruguay, trong khuôn khổ Thỏa thuận chung về thuế quan và mậu dịch (GATT) ngày 15-12-1993. TRIPS là một hiệp định đa phương, nằm trong hệ thống các hiệp định của Tổ chức Thương mại Thế giới. Hiệp định TRIPS ngoài phần mở đầu gồm 7 phần với 73 điều, nó là một hiệp định tổng thể nhất về sở hữu trí tuệ, bao hàm các chế độ đặc biệt về sở hữu trí tuệ mà một phần nội dung của nó dựa vào các quy định thực chất của các công ước do WIPO quản lí, chủ yếu là Công ước Berne, Công ước Paris, Công ước Rome và Hiệp ước Washington về thiết kế bố trí mạng tích hợp. Việc gia nhập WTO đồng nghĩa với việc bị ràng buộc bởi nghĩa vụ thi hành TRIPS. Theo Hiệp định, các quốc gia thành viên có thể, nhưng không bị bắt buộc áp dụng trong pháp luật quốc gia mức bảo hộ cao hơn so với các yêu cầu của Hiệp định, miễn là việc bảo hộ đó không trái với các điều khoản của Hiệp định. Hiệp định bao

gồm các vấn đề chính sau: Các tiêu chuẩn về nội dung các quyền; các nguyên tắc cơ bản; thực thi; ngăn ngừa và giải quyết tranh chấp; các thỏa thuận chuyển tiếp; các thỏa thuận thể chế. Đối tượng điều chỉnh của Hiệp định này gồm: Quyền tác giả và quyền liên quan, sáng chế, nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lí, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp, bảo hộ thông tin bí mật và kiểm soát các hoạt động chống cạnh tranh không lành mạnh. Sự bảo hộ này dành cho công dân của các quốc gia thành viên khác. Nguyên tắc cơ bản của Hiệp định là đãi ngộ tối huệ quốc và đãi ngộ quốc gia. Về thực thi, Hiệp định TRIPS bao hàm các nghĩa vụ chung và các nghĩa vụ cụ thể, nhằm mục đích đảm bảo cho các quy định về bảo hộ được thực thi hoàn hảo thông qua các quy định hết sức chi tiết. Các nghĩa vụ chung liên quan đến thực thi là các thủ tục. Thủ tục phải được quy định trong pháp luật quốc gia, với các biện pháp thực thi hiệu quả, nhanh chóng, công bằng, hợp lí, không quá phức tạp, chi phí không quá cao, không gây chậm trễ bất hợp lí và đủ mạnh để ngăn chặn vi phạm các quyền theo Hiệp định và ngăn ngừa các vi phạm tiếp theo. Đồng thời phải không được cản trở thương mại hợp pháp và phải có những biện pháp đảm bảo chống lạm dụng các thủ tục này. Các nghĩa vụ cụ thể gồm các quy định về cung cấp chứng cứ, lệnh của cơ quan xét xử nhằm ngăn chặn việc đưa vào các kênh thương mại hàng hóa nhập khẩu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, bồi thường thiệt hại, quyền thông tin và quyền bảo đảm dành cho bị đơn chống lại việc lạm dụng các thủ tục. Hiệp định còn bao gồm các biện pháp khẩn cấp tạm thời dành cho các cơ quan có thẩm quyền, để có thể lập tức chặn đứng vi phạm, ngăn cản hàng hóa vi phạm tham gia vào các kênh thương mại, bảo vệ chứng cứ. Hiệp định còn đưa ra yêu cầu về các biện pháp tại biên giới dành cho các cơ quan hải quan quyền đình chỉ thông quan hàng hóa hoặc vi phạm quyền tác giả quyền liên quan ở quy mô thương mại. Về ngăn ngừa và giải quyết tranh chấp,

Hiệp định có các điều khoản ngăn ngừa tranh chấp trong đó quy định tất cả các luật và văn bản pháp quy, các quyết định xét xử trung thẩm và các văn bản quản lí phải được nộp tới Hội đồng TRIPS, và việc các thành viên WTO cung cấp thông tin cho nhau theo yêu cầu về các tình huống áp dụng hiệp định. Hiệp định quy định việc giải quyết tranh chấp được áp dụng theo các quy định chung của GATT, về giải quyết tranh chấp trong bản thỏa thuận về quy tắc và thủ tục điều chỉnh giải quyết tranh chấp năm 1994. Cơ quan giải quyết tranh chấp (gọi là DSB), được lập ra theo Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới là cơ quan có thẩm quyền áp dụng bản thỏa thuận này để giải quyết tranh chấp. Về các thỏa thuận chuyển tiếp, Hiệp định cho phép các thành viên có một khoảng thời gian chuyển đổi thích hợp, nhằm đảm bảo việc thực thi đầy đủ các nghĩa vụ. Theo đó, thời hạn đối với các nước phát triển là 1 năm, các nước đang phát triển là 5 năm và các nước kém phát triển là 11 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực (01- 01-1995). Hiệp định cũng còn có những điều khoản hỗ trợ kĩ thuật và tài chính, ưu tiên dành cho các nước đang phát triển và kém phát triển. Về thể chế, Hiệp định có các điều khoản về việc thành lập cơ quan quản lí là Hội đồng của Hiệp định gọi là Hội đồng TRIPS. Hội đồng kiểm soát các hoạt động của TRIPS, đặc biệt là việc tuân thủ các nghĩa vụ. Ngoài ra, Hội đồng TRIPS còn có nhiệm vụ lập ra các thỏa thuận tương ứng về hợp tác với các cơ quan của WIPO, tổ chức các Hội nghị đánh giá việc thực hiện các nghĩa vụ theo Hiệp định của các quốc gia thành viên. Hiệp định TRIPS có hiệu lực tại Việt Nam vào thời điểm Việt Nam là thành viên của Tổ chức thương mại Thế giới ngày 7 tháng 11 năm 2006.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề bảo hộ quyền tác giả trên internet theo quy định của các điều ước quốc tế và pháp luật việt nam (Trang 47 - 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)