5. Kết cấu khóa luận
3.4. Một số bất cập hiện nay về bảo hộ quyền tác giả trên Internet
3.4.2. Xác định hành vi xâm phạm quyền truyền đạt, phân phối tác phẩm
phẩm thông qua Internet
Quyền phân phối bản gốc hoặc bản sao tác phẩm là quyền của chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện bằng bất kỳ hình thức, phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được để bán, cho thuê hoặc các hình thức chuyển nhượng khác bản gốc hoặc bản sao tác phẩm. Đối với tác phẩm tạo hình, tác phẩm nhiếp ảnh thì quyền phân phối còn bao gồm cả việc trưng bày, triển lãm trước công chúng. Quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác là quyền độc quyền thực hiện của chủ sở hữu quyền tác giả hoặc cho phép người khác thực hiện để đưa tác phẩm hoặc bản sao tác phẩm đến công chúng mà công chúng có thể tiếp cận được tại địa điểm và thời gian do chính họ lựa chọn. Việc truyền đạt và phân phối tác phẩm trên Internet được tiến hành một cách nhanh chóng và dễ dàng trên phạm vi rộng hơn rất nhiều so với các phương thức truyền thống. Internet cho phép từ một máy chủ có thể truyền tải tới số lượng người không giới hạn và cho phép người sử dụng tiếp cận nguồn thông tin vào bất cứ thời gian, địa điểm nào mà họ mong muốn. Mỗi người sử dụng Internet đều có thể thực hiện hành vi truyền tải tác phẩm tới những người khác, không giới hạn ở bất cứ yếu tố nào. Do đó nếu một tác phẩm được công bố trên Internet mà không được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả thì thiệt hại sẽ là rất lớn. Trong trường hợp hợp này, các tác phẩm được công bố trái phép sẽ dẫn đến việc truyền tải, sao chép và thậm chí là phân phối một cách dễ dàng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.
Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận, việc có thể công bố, phổ biến và phân phối, lưu trữ tác phẩm trên Internet một cách dễ dàng, nhanh chóng với quy
mô toàn cầu có tác động cả ở khía cạnh tích cực và tiêu cực đến việc bảo hộ quyền tác giả. Ở khía cạnh tích cực, Internet giúp cho tác giả, các chủ sở hữu quyền tác giả có thể quảng bá tác phẩm của mình tới đông đảo khán giả một cách thuận tiện và tiết kiệm hơn nhiều so với phương thức truyền thống trước đây. Internet cũng giúp thương mại hóa các sản phẩm này một cách dễ dàng hơn với chi phí thấp hơn nhiều so với thương mại truyền thống. Ví dụ, một Album nhạc khi được tải lên các website thì người sử dụng ở bất cứ nơi nào trên toàn thế giới có thể kết nối Internet đều có thể vào nghe và sao chép mà chủ sở hữu bản quyền tác phẩm không phải tốn tiền chi phí cho sản xuất, đóng gói, phân phối và marketting những chiếc đĩa CD/DVD tới những địa chỉ nhận trên thực tế. Việc phân phối cũng không gặp khó khăn từ các thủ tục hải quan hay các thủ tục xin phép phức tạp khác. Mặt khác, Internet cũng tạo điều kiện cho người sử dụng có thể truy cập, sử dụng thậm chí kinh doanh trái phép các tác phẩm này mà không trả tiền sử dụng, gây thiệt hại cho chủ sở hữu quyền tác giả. Với hàng triệu triệu người sử dụng Internet và hàng triệu Website như hiện nay, việc kiểm soát tất cả nội dung đăng tải trên tất cả các website để đảm bảo cho việc bảo hộ quyền tác giả là điều gần như không thể.
Trên thực tế, việc xác định hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với các tác phẩm trên Internet là không đơn giản. Ví dụ, trong các thư viện truyền thống hiện nay, trong kho tác phẩm của thư viện bao gồm các nguồn sách do thư viện đặt mua, các nguồn sách do được tặng cho từ tổ chức, cá nhân có thể là chủ sở hữu quyền tác giả, có thể không phải chủ sở hữu quyền tác giả, các sách được nộp lưu chiểu. Các tác phẩm này được lưu giữ có thể chỉ là một bản duy nhất, có thể nhiều bản. Các độc giả đến thư viện đều được quyền tự do đọc tại chỗ, thậm chí một số trường hợp, nếu có nhiều đầu sách trên một tác phẩm, độc giả có thể mượn mang về nhà mà không bị tính phí. Thực chất trong trường hợp này, hành vi này cũng cần xem xét dưới góc độ pháp luật
quyền tác giả. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, đây được xem như một hoạt động bình thường của thư viện truyền thống nhằm thực hiện chức năng của mình mà không có bất cứ một sự phản đối nào từ phía chủ sở hữu quyền tác giả hay từ cá nhân, tổ chức khác. Nếu thư viện số hóa các nguồn sách này, lưu trữ và cho phép truy cập hoặc phân phối trên Internet thì đây là hành vi xâm phạm quyền. Tuy nhiên, nếu vẫn từ các nguồn sách đó, thư viện số hóa và lưu trữ trên máy chủ một bản sao tác phẩm, cho phép người đọc truy cập chỉ trong mạng nội bộ của thư viện chứ không phải trên mạng Internet, không thu phí truy cập, không cho phép download thì thư viện có xâm phạm quyền sao chép và quyền truyền đạt tác phẩm tới công chúng không? Nếu hiểu theo các quy định hiện hành của pháp luật, trong trường hợp này thư viện đã vi phạm quyền sao chép và quyền truyền đạt tác phẩm tới công chúng. Còn nếu thư viện thu tiền khi người sử dụng truy cập nguồn dữ liệu này thì thư viện đã vi phạm cả quyền phân phối tác phẩm. Tuy nhiên, thư viện có chức năng, nhiệm vụ giữ gìn di sản thư tịch của dân tộc; thu thập, tàng trữ, tổ chức việc khai thác và sử dụng chung vốn tài liệu trong xã hội nhằm truyền bá tri thức, cung cấp thông tin phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu, công tác và giải trí. Nhưng trong hoạt động của mình, thư viện có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật về quyền tác giả. Thiết nghĩ, pháp luật cần có quy định cụ thể về bảo hộ quyền tác giả trong hoạt động thư viện, giải quyết được sự mâu thuẫn trong việc bảo hộ quyền tác giả trong các thư viện số với chức năng, nhiệm vụ của thư viện.
Ngoài ra, khi các hành vi xâm phạm quyền tác giả được thực hiện với sự hỗ trợ của công nghệ mới thì việc xác định càng khó khăn hơn. Trong nhiều trường hợp, pháp luật đã không theo kịp được sự phát triển của công nghệ, không điều chỉnh kịp thời những hành vi xâm phạm quyền xảy ra trên thực tế. Đặc biệt, trong trường hợp người vi phạm cố tình khai thác các tính năng của công nghệ mới để thực hiện các hành vi xâm phạm quyền tác giả ở
mức độ tinh vi. Ví dụ, các website không trực tiếp lưu trữ kho tác phẩm hoặc không cho phép người sử dụng trực tiếp nghe nhạc, xem phim trực tuyến hay download tác phẩm mà chỉ đơn giản là cung cấp các đường link để người sử dụng có thể truy cập vào các kho dữ liệu này. Không phải trong mọi trường hợp, việc cung cấp các đường Link chia sẻ dữ liệu đều là sự vi phạm bản quyền vì nhiều Website cho phép truy cập miễn phí. Việc xác định hành vi xâm phạm quyền trong trường hợp này là không đơn giản. Hoặc với mạng đồng đẳng (Pear to Pear) các máy tính hoàn toàn có thể chia sẻ các dữ liệu với nhau, trong trường hợp này không dễ để xác định được hành vi xâm phạm và quy trách nhiệm đối với hành vi vi phạm bản quyền.