Thực trạng các quy định của pháp luật Việt Nam bảo hộ quyền tác giả

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề bảo hộ quyền tác giả trên internet theo quy định của các điều ước quốc tế và pháp luật việt nam (Trang 78 - 83)

5. Kết cấu khóa luận

3.2. Thực trạng các quy định của pháp luật Việt Nam bảo hộ quyền tác giả

tác giả trên Internet

Những năm qua, tình trạng vi phạm bản quyền diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực với nhiều hình thức và mức độ khác nhau, trong đó tập trung ở các

lĩnh vực âm nhạc, văn học, chương trình phát sóng, kỹ thuật số, hoạt động xuất bản (in lậu sách). Ước tính, mỗi năm, việc vi phạm bản quyền tác giả gây thiệt hại khoảng trên 120 triệu USD [15]. Tuy nhiên, những con số trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm bởi việc phát hiện, xử lý vi phạm bản quyền trên thực tế rất khó kiểm soát. Thời gian qua nhà nước đặc biệt quan tâm về hoạt động nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật với những tiến bộ quan trọng. Một số bộ, ngành, địa phương cũng đã có chương trình triển khai cụ thể, xử lý về vấn đề này. Nhưng nhìn chung, lâu nay, quy định chế tài, xử phạt trong vi phạm bản quyền còn chung chung ở lĩnh vực văn hoá thông tin và mức xử phạt còn thấp rất ít khi được áp dụng. Bên cạnh, dù vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự trong lĩnh vực vi phạm này đã được đặt ra nhưng trên thực tế lại chưa tương thích.

Cùng với sự phát triển của thời đại công nghệ thông tin phát triển, vấn đề bảo hộ quyền tác giả càng cần được quy định chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, tình trạng xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan vẫn tiếp diễn ở hầu hết các lĩnh vực, trong đó không ít vụ việc nghiêm trọng, gây ảnh hưởng không tốt với môi trường đầu tư, hợp tác kinh tế quốc tế. Từ đó dẫn tới những ảnh hưởng không nhỏ đối với môi trường đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cũng như các quan hệ quốc tế khác của Việt Nam với cộng đồng quốc tế đặc biệt là xu thế hội nhập hiện nay. Theo số liệu thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, việc giải quyết các vụ án tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ từ năm 2000 đến năm 2005 (giai đoạn trước khi có Luật Sở hữu trí tuệ) của toàn ngành Tòa án như sau: Thụ lý 93 vụ án, đã giải quyết 61 vụ án, trong đó đình chỉ, tạm đình

chỉ là 16 vụ án; hòa giải thành 12 vụ án; đưa ra xét xử 33 vụ án bao gồm 11 vụ án tranh chấp quyền tác giả, quyền liên quan. Kể từ khi có Luật Sở hữu trí tuệ thì tình hình giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ tại Tòa án cũng không có sự chuyển biến đáng kể, theo số liệu thống kê của Tòa án nhân

dân tối cao từ tháng 7/2006 cho đến tháng 6/2012 các Tòa án chỉ thụ lý được 92 vụ án tranh chấp về quyền tác giả. Số vụ việc còn quá hạn chế này cho thấy, các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ còn e ngại việc khởi kiện ra Tòa án mà thay vào đó, họ chọn việc xử lý hành vi xâm phạm bằng biện pháp hành chính. Xuất phát từ tính mất cân xứng của luật nội dung về quyền tác giả và những bất cập của pháp luật về tố tụng đối với việc giải quyết các vụ tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ. Từ năm 2006 đến tháng 2015 Cục Bản quyền đã tiếp nhận và xử lý 258 vụ khiếu nại, tố cáo, riêng năm 2015 là 31 vụ. Theo các năm đơn thư khiếu nại có chiều hướng tăng lên...Cục Bản quyền đã phối hợp với các cơ quan liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan để giải quyết dứt điểm các vụ việc.

3.2.1. Về công tác thụ lý hồ sơ đăng ký Bản quyền

Từ năm 1986 đến tháng 12/2015 Cục Bản quyền tác giả đã cấp 52.139 Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan cho các tác giả, chủ sở hữu tác phẩm. Đặc biệt riêng năm 2015 Cục Bản quyền tác giả đã tiếp nhận, thụ lý hồ sơ, cấp 5687 giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả và quyền liên quan cho các tác giả, chủ sở hữu tác phẩm, cao nhất từ trước tới nay. Ngoài ra, kể từ tháng 10 năm 2007 hồ sơ dữ liệu đăng ký truyền qua mạng Internet từ Văn phòng đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh tới trụ sở Cục Bản quyền tác giả Văn học – Nghệ thuật tại Hà Nội đã được thực hiện. Giải pháp công nghệ tin học này đưa đến khả năng giảm thời gian lao động khoảng 1/3 cho những người thực hiện nhiệm vụ đăng ký của Cục Bản quyền tác giả. Ứng dụng này là một bước tiếp theo, để tiến tới nhận hồ sơ đăng ký của các văn nghệ sĩ, tri thức qua mạng, khi có đủ các cơ sở pháp lý.

3.2.2. Về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục tăng cường hiểu biết pháp luật bảo hộ quyền tác giả trong nhân dân luật bảo hộ quyền tác giả trong nhân dân

những năm qua, nhà nước ta cũng rất chú trọng hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bảo hộ quyền tác giả trên Internet. Từ năm 2005 đến 2015 riêng Cục Bản quyền tác giả đã chủ trì tổ chức hơn 108 hội nghị, hội thảo, lớp tập huấn về quyền tác giả với sự tham gia của trên 8300 lượt người bao gồm các đối tượng là tác giả, chủ sở hữu tác phẩm, các cơ quan, tổ chức sử dụng tác phẩm, cơ quan quản lý Văn hoá - Thông tin, toà án, viện kiểm sát, hải quan, v.v... Các hội thảo, hội nghị, lớp tập huấn được chuẩn bị tốt về nội dung, chương trình và tài liệu. Nó đã tạo cơ sở nâng cao nhận thức và hiểu biết cho các đối tượng, từ đó đã thúc đẩy các hoạt động về bảo hộ quyền tác giả trên các lĩnh vực. Theo hướng này, các thông tin về đăng ký sẽ được in trên “Công báo về quyền tác giả và quyền liên quan” theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 và truyền lên mạng ngay sau khi cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả và quyền liên quan.

Ngoài việc xuất bản sách và niên giám hàng năm, Cục Bản quyền tác giả đã phối hợp với Trung tâm Hợp tác báo chí truyền thông quốc tế sản xuất bộ phim tài liệu “Trí tuệ Việt Nam từ thông điệp các di sản văn hoá” gồm 6 tập. Tổ chức biên soạn, dịch 15 cuốn sách nhằm trang bị kiến thức pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế về quyền tác giả cho các đối tượng.

Tổ chức các buổi họp báo công bố nội dung các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia hoặc kí kết như Công ước Brussels liên quan đến việc phân phối các tín hiệu vệ tinh mang chương trình đã được mã hoá; Công ước Rome bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm và tổ chức phát sóng…

“Website quyền tác giả Việt Nam” được khai trương vào tháng 4 năm 2005 đã gây được ấn tượng và có giá trị thiết thực, không chỉ đối với các tổ chức và cá nhân Việt Nam mà còn đối với cả các tổ chức và cá nhân của cộng đồng quốc tế, thể hiện qua số lượt truy cập tiếng Việt và tiếng Anh tương đương nhau. Mỗi năm website có hàng trăm triệu lượt truy cập kể cả tiếng

anh và tiếng việt cho thấy sự quan tâm của người dân đối với vấn đề bản quyền. Một Website được thiết kế có thẩm mỹ, chuyển tải toàn bộ hệ thống pháp luật Việt Nam và hệ thống pháp luật quốc tế, bộ máy quản lý và thực thi của Việt Nam, Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới và các tổ chức quốc tế, quốc gia liên quan, số liệu đăng ký quyền tác giả và quyền liên quan từ năm 1986 đến nay. Website còn dành phần hướng dẫn đăng ký, công bố tác phẩm của các tác giả, chủ sở hữu tác phẩm, cũng như định kỳ cập nhật các thông tin hoạt động bảo hộ quyền tác giả của Việt Nam và Thế giới.

Kể từ năm 2007, việc xuất bản Niên giám đăng ký quyền tác giả Việt Nam 1986 – 2006 kết thúc, mở ra việc xuất bản Công báo. Theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ, các thông tin về đăng ký sẽ được xuất bản định kỳ bằng “Công báo quyền tác giả, quyền liên quan Việt Nam”.

3.2.3. Về đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực

Để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thi hành pháp luật bảo hộ quyền tác giả quyền liên quan nói chung và quyền tác giả trên Internet nói riêng, từ năm 2006 đến tháng 2015 qua Cục Bản quyền tác giả đã làm thủ tục cử 212 đoàn với hơn 300 lượt người tham dự hội thảo, hội nghị, khảo sát, học tập, hội thảo tập huấn trong nước và quốc tế về lĩnh vực quyền tác giả với nhiều chương trình và loại hình khác nhau. Ngoài ra Cục còn cử nhiều lượt cán bộ tham gia các lớp học, tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ, quản lý nhà nước quán triệt Nghị quyết Đại hội X và các Văn kiện của Đảng, do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và các cơ quan hữu quan tổ chức. Ngoài ra, Cục Bản quyền tác giả tổ chức đón 83 đoàn công tác với 268 lượt người từ các nước sang trao đổi, làm việc tại Việt Nam.

3.2.4. Về hợp tác quốc tế

Trong những năm qua, thực hiện yêu cầu của các cấp, Cục Bản quyền tác giả đã phối hợp thực hiện các công việc liên quan đến kí kết, gia nhập và

thực thi các điều ước quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan (Công ước Berne, Geneva, Rome, Brussels, Hiệp định TRIPs) và các Hiệp định song phương (Hiệp định giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về thiết lập quan hệ quyền tác giả; Hiệp định về sở hữu trí tuệ giữa Việt Nam với Liên bang Thụy Sỹ; Hiệp định thương mại song phương giữa Việt Nam và Hòa kỳ; Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam – Nhật Bản…) Ngoài ra Cục Bản quyền tác giả cũng tham gia tích cực vào các đoàn đàm phán Chính phủ của các Hiệp định thương mại tự do (Nhật Bản, TPP, EU, Hàn quốc…)

Đặc biệt trong năm 2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cử lực lượng tham gia đàm phán các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) với các chuẩn mực mới về sở hữu trí tuệ, trong đó có quyền tác giả, quyền liên quan. Đến nay, đã kết thúc đàm phán các FTA: Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (đã có hiệu lực từ ngày 20/12/2015), Hiệp định thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á - Âu, Nga, Belarus, Kazakhstan (VCUFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế khu vực toàn diện giữa ASEAN và sáu đối tác gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand (RCEP) và đang tiếp tục đàm phán Hiệp định thương mại tự do với Khối thương mại tự do Châu Âu (EFTA). Trong khuôn khổ đàm phán các FTA, các phương án đàm phán và đội ngũ cán bộ được cử đàm phán về nội dung quyền tác giả, quyền liên quan đã đáp ứng yêu cầu đặt ra, tuân thủ đúng quy chế của Bộ và đoàn đàm phán Chính phủ, đóng góp quan trọng vào thành công chung của tiến trình hội nhập.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề bảo hộ quyền tác giả trên internet theo quy định của các điều ước quốc tế và pháp luật việt nam (Trang 78 - 83)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)