các nguồn vốn khác cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đô thị
Hợp tác công tư là sự cộng tác giữa khu vực công cộng và tư nhân dựa trên một hợp đồng để cung cấp tài sản hoặc dịch vụ.
Nội dung chính của tín dụng hỗn hợp nhà nước và nhân dân cùng làm cần phải làm rõ những vấn đề sau:
- Phân định hợp lý vai trò và chia sẻ công bằng trách nhiệm, chi phí và rủi ro giữa khu vực công cộng và tư nhân.
- Rủi ro được chuyển cho bên nào có thể quản lý tốt nhất.
- Chuyển giao rủi ro ở mức tối ưu, không phải là tối đa cho khu vực tư nhân
- Khu vực tư nhân sẽ đóp góp không chỉ có vốn mà còn cả công nghiệp và năng lực quản lý
Các nước đang phát triển như Việt Nam nên ứng dụng mô hình PPP để cung cấp vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng đô thị vì:
- Nhu cầu đầu tư cho cơ sở hạ tầng đô thị là rất lớn
- Nguồn vốn công không đủ để xây mới cơ sở hạ tầng, và để đảm bảo duy trì các hạng mục mới và hạng mục hiện có.
- PPP có thể thu hút nguồn vốn tư nhân để hỗ trợ cho những khoản đầu tư cần vốn mà không cần phải gia tăng nợ của chính phủ ngay ở bước khởi đầu.
- Phí dịch vụ có thể giúp giảm nếu không muốn nói là loại trừ kinh phí ngân sách hàng năm.
- Có thể đạt hiệu quả cao nhờ những cách tân của khu vực tư nhân và việc tối ưu hoá chi phí trong suốt vòng đời dự án (với việc cùng một công ty chịu trách nhiệm từ thiết kế, xây dựng, vận hành).
- Hiệu quả đạt được có thể bù đắp chi phí cao hơn của nguồn vốn tư nhân. Chính phủ đã không thành công trong việc cung cấp cơ sở hạ tầng đô thị. Các công ty tư nhân cũng không thể tự mình đáp ứng nhu cầu này. Một
quan hệ đối tác khăng khít hơn giữa khu vực công cộng và tư nhân là điều thiết yếu. Mặc dù khung thể chế pháp lý về PPP đang trong quá trình xây dựng, chưa đi vào thực hiện, nhưng dự án đường ô tô cao tốc Dầu Giây -Phan Thiết là một thí điểm đầu tiên trong Chương trình hỗ trợ hoàn thiện khung pháp lý về PPP. Công trình dự kiến sẽ khởi công vào quý III/2010 và hoàn thành trong năm 2014.
Với tổng số vốn đầu tư lên tới 19.326 tỳ đồng cho cả hai giai đoạn, cơ cấu nguồn vốn đầu tư (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng) bao gồm: Vốn chủ sở hữu từ các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước (chiếm 10,6%); vốn vay thương mại từ các ngân hàng thương mại trong nước và quốc tế, phát hành trái phiếu (khoảng 11%), vốn hỗ trợ của ngân sách cho chi phí xây dựng (29,4%); vốn vay từ Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) (49%). Cùng với một số nguồn thu từ việc đặt biển quảng cáo, các trạm dịch vụ và cây xăng dọc tuyến đường, nhà đầu tư được thu phí hoàn vốn trong thời gian 35 năm và có thêm 5 năm thu phí nữa để tạo lợi nhuận.
Qua cơ cấu tài chính huy động cho dự án ta có thể thấy nguồn vốn ngân sách cho Dự án chiếm tỷ lệ nhỏ (29,4%), trong khi đó công ty Sản xuất - Kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Minh (Bitexco) là nhà đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Đường ô tô cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết chịu trách nhiệm huy động phần vốn còn lại và chịu trách nhiệm hoàn trả khoản vay, do vậy rủi ro của dự án sẽ do công ty này gánh vác. Theo đánh giá của các chuyên gia, việc đầu tư xây dựng Đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết không chỉ rút ngắn hành trình từ TP. Hồ Chí Minh đến khu vực Nam Trung Bộ, khắc phục tình trạng ách tắc giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra trên Quốc Lộ 1, mà còn tạo điều kiện để hình thành và phát triển các khu công nghiệp, du lịch dọc tuyến, các khu du lịch sinh thái dọc theo bờ biển của các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hoà, đồng thời đẩy nhanh việc xây
dựng và phát triển các tuyến đường vành đai 3 và 4 của TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên những đánh giá này là kỳ vọng của nhà đầu tư lẫn các nhà quy hoạch đô thị, nhưng khi dự án này hoàn thành đưa vào sử dụng có thể xảy ra tình trạng không phát huy được hiệu quả kinh tế xã hội như mong đợi. Khi lưu lượng xe qua lại trên đoạn đường này không lớn thì khoản phí thu được không đủ bù đắp chi phí đi vay, nhà đầu tư chính là công ty Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Minh (Bitexco) sẽ phải chịu rủi ro lớn. Lúc đó dự án này sẽ thất bại hoàn toàn. Và nếu điều đó xảy ra sẽ làm cho các nhà đầu tư tư nhân e ngại khi tham gia vào các dự án theo mô hình này. Do vậy, việc thiết kế một khoản trợ cấp chính phủ để đảm bảo cho các nhà đầu tư thu hồi đủ chi phí trong trường hợp dự án không phát huy được hiệu quả như mong đợi cũng là một điều cần xem xét. Mặt khác công tác quy hoạch phải được tiến hành một cách cẩn thận để các dự án sau khi xây dựng xong có thể đạt được hiệu quả kinh tế - xã hội như mong muốn.